Những 'người đưa đò' đam mê đờn ca tài tử

Ngoài toàn tâm, toàn ý trong sự nghiệp 'trồng người', Thạc sĩ Giản Thị Kim Phương (SN 1976, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Long An) và Tiến sĩ Đặng Ngọc Ngận (SN 1991, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) còn dành niềm say mê cho nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ.

Yêu thích đờn ca tài tử từ nhỏ

Trước khi chuyển công tác về Trường THPT Chuyên Long An vào năm 2019, Thạc sĩ Giản Thị Kim Phương có 21 năm công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Niềm yêu thích nghệ thuật cải lương “nảy mầm” trong cô từ những ngày thơ ấu qua những vở cải lương nổi tiếng như Bên cầu dệt lụa, Thoại Khanh Châu Tuấn,...

Nhiều năm qua, cô thường xuyên tham gia những cuộc thi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh và từng đoạt Giải A Liên hoan ĐCTT Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ 24 năm 2018; giải Nhất Liên hoan Tiếng hát giáo viên tỉnh năm 2019, 2023,...

Ngoài giảng dạy, Thạc sĩ Giản Thị Kim Phương (giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Long An) còn có niềm đam mê với đờn ca tài tử

Ngoài giảng dạy, Thạc sĩ Giản Thị Kim Phương (giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Long An) còn có niềm đam mê với đờn ca tài tử

Để truyền lửa đam mê cho học sinh, cô thường lồng ghép ĐCTT vào bài giảng lịch sử địa phương. “Hiện nay, phần lớn các bạn trẻ yêu thích dòng nhạc trẻ. Trong khả năng của mình, tôi muốn sẻ chia phần nào niềm yêu thích ĐCTT, cải lương cho các em bằng cách lồng ghép loại hình nghệ thuật này vào bài giảng, đặc biệt là trong những giờ dạy về lịch sử địa phương” - cô Phương chia sẻ.

Hiện chồng cô Phương cũng công tác trong ngành Giáo dục, 2 người con của cô đã lớn, biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Nhờ cuộc sống gia đình ổn định, cô an tâm công tác tại trường và thường xuyên góp lời ca, tiếng hát vào những sự kiện của nhà trường, các cuộc liên hoan về ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Hình ảnh cô Phương duyên dáng trong tà áo dài, ngân nga câu vọng cổ trở nên quen thuộc với học sinh Trường THPT Chuyên Long An.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Nguyễn Thị Như An, bên cạnh giảng dạy trên lớp, tham gia đào tạo đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử, cô Phương còn tích cực tham gia những hoạt động khác do Đoàn trường, chi bộ tổ chức, đặc biệt là những chương trình văn nghệ.

Đưa đờn ca tài tử vào bài giảng

Đó là việc làm ý nghĩa của Tiến sĩ Đặng Ngọc Ngận. Từ nhỏ, những câu hát ngọt ngào, giai điệu trầm bổng của nghệ thuật ĐCTT trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của thầy Ngận. Sau này, khi công tác tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, thầy đưa bộ môn nghệ thuật này vào bài giảng như một cách giữ niềm đam mê cho mình và trao truyền đến các sinh viên.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Ngận (áo đỏ, giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP.HCM) truyền lửa đam mê đờn ca tài tử cho sinh viên

Tiến sĩ Đặng Ngọc Ngận (áo đỏ, giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TP.HCM) truyền lửa đam mê đờn ca tài tử cho sinh viên

Thầy Ngận bộc bạch: “Đam mê nghệ thuật ĐCTT, âm nhạc, tôi từng ước mơ trở thành nghệ sĩ cải lương nhưng sau này lại chọn công việc khác. Thay vì đứng trên sân khấu, tôi đứng trên bục giảng.

Dù không phải là nghệ sĩ nhưng tôi tự nhủ sẽ đưa âm hưởng của những loại hình nghệ thuật truyền thống vào bài giảng, “truyền lửa” đam mê cho sinh viên”.

Thầy bắt đầu thực hiện ý tưởng này khi dịch Covid-19 bùng phát, phải giảng dạy trực tuyến. Ngoài giảng dạy theo chương trình quy định, thầy Ngận còn tích cực cải biên các tác phẩm văn học như Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ chồng A Phủ,... thành những bản vọng cổ. “Tôi dựa vào cấu trúc của các bài lý, bài vọng cổ để viết lời ca. Sau khi lời ca được cải biên phù hợp, tôi ca rồi ghi âm lại dựa trên nhạc nền có sẵn trên Internet và gửi cho đồng nghiệp, sinh viên” - thầy Ngận nói.

Trong những tiết học, sau khi bàn về quá trình phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, cải lương, thầy thường hướng dẫn sinh viên ca một số bài bản đơn giản như Nam ai, Nam xuân, Dạ cổ hoài lang, Lý cây bông, Lý con sáo,...

Ngoài ra, thầy còn hỗ trợ các trường THPT trên địa bàn TP.HCM giới thiệu đặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương và biểu diễn các trích đoạn đặc sắc. Thầy kết hợp với Đoàn Thanh niên TP.HCM, thầy, cô của các khoa khác trong và ngoài trường tổ chức các chuyên đề như Cải lương xưa và nay (dành cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM); Cải biên tác phẩm văn học thành tác phẩm dân ca, cải lương (dành cho sinh viên Trường Đại học Sài Gòn); Nghệ thuật ĐCTT và sân khấu cải lương (dành cho học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM).

Nhờ những nỗ lực không ngừng, thầy đoạt nhiều giải thưởng như Giải Nhất thể loại ca khúc, ca cổ trong Cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 do UBND Quận 6 tổ chức; nhận Giấy khen Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015,...

Những “người đưa đò” như cô Kim Phương, thầy Ngọc Ngận không chỉ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà còn góp phần gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống bằng niềm đam mê của mình./.

Trăm năm đờn ca tài tử: Những bài bản đầu tiên

Ngày 5/12/2023 kỷ niệm tròn 10 năm Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Ngọc Hân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-dua-do-dam-me-don-ca-tai-tu-a179007.html
Zalo