Những người đi khắp phố phường

Vào những ngày phố mưa, các con đường dường như lặng im những tiếng rao. Phần nhiều ngôi nhà khép cửa. Mưa như làm cho bước chân người không vội ra đường nếu không có việc cần. Tôi lắng nghe tiếng mưa, và không còn nghe những tiếng rao hàng quen thuộc. Có lẽ, mưa đã ngăn trở những bước chân của họ. Và lạ chưa, chỉ vừa ngớt mưa, tiếng rao của xe bánh mì quen thuộc lại vang lên: 'Bánh mì đặc ruột thơm ngon, năm ngàn một ổ…'.

Những người đi khắp phố phường, nhọc nhằn mưu sinh.

Những người đi khắp phố phường, nhọc nhằn mưu sinh.

Bạn sống ở phố, ngay cả trong các con đường vắng vẫn luôn nghe những tiếng rao như thế. Tiếng rao bền bỉ nhờ chiếc loa gắn vào bình ắc-quy đã được thu lời sẵn phát ra. Vì thế nên nghe giọng nữ mời chào mua bánh mì, nhưng khi ra mua thì lại là một chàng thanh niên trên chiếc xe máy với chiếc thùng thiết kế ủ nóng.

Bánh mì là món ăn quen, mọi ngõ ngách ở phố đều có quầy - xe bán bánh mì, vậy mà vẫn có những chiếc xe bánh mì rao khắp cùng con phố. Thường thì họ để bánh mì ủ nóng trong giỏ đan tre lót bao bố, hoặc hiện đại hơn là trong thùng xốp… Giá bánh mì không ở chợ là 3 ngàn, tại các xe bánh mì là 4-5 ngàn. Để cạnh tranh, ổ bánh mì bán dạo giá 5 ngàn lớn hơn, và dĩ nhiên vẫn có người khi nghe tiếng rao, ngoắc lại mua cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn đỡ vất vả.

Những dấu chân của những người bán dạo in hằn khắp con đường lớn nhỏ. Mới thấy họ ở Vĩnh Hải, ghé Bình Tân đã thấy họ có mặt. Mỗi một người bán hàng hàng ngày đi cả trăm con phố, kiên trì như những bông hoa đợi nắng, như con sóng vỗ trầm cả một thời gian dài cho tảng đá mòn đi. Và vì thế, có khi chẳng có nhu cầu mua, tôi vẫn gọi mua một thứ gì đó như sẻ chia cho họ chút niềm vui, như chút nắng loang trên hàng cây làm đẹp phố phường.

Là bà bán đậu hũ chắc già lắm rồi, trong buổi chiều chênh vênh của phố, bà đẩy chiếc xe đạp với chiếc bình cách nhiệt màu đỏ đựng đậu hũ treo một bên xe. Vẫn là tiếng loa khẽ vọng: Ai đậu hũ không? Có người bảo bà bán mắc, nhưng cứ nghĩ bước chân của bà đi khắp phố, có khi quá mệt, dừng xe dưới một bóng cây râm mát, dùng tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt trần gian mà thời gian đã hằn lên đó bao vết nhăn. Rồi bà lại dắt xe đi giữa phố vắng: Ai đậu hũ không?

Bán đậu hũ bây giờ xuất hiện thêm một người đàn ông khoảng gần 60 tuổi, ông đạp xe đi nhanh hơn, ông biết dừng lại chỗ chợ đông và cổng trường, nhờ thế ông bán được hơn.

Những con phố duỗi mình là nơi chốn để dừng lại và tiếp tục đến một nơi nào đó. Những ngôi nhà khép kín có chiếc cổng xinh đẹp với những giàn hoa đang nở hay chỉ là xóm nhà trọ luôn huyên náo, là khách hàng của những người buôn bán trên các chuyến xe đi khắp cùng. Ông bán bánh giò, bánh ú với tiếng rao reo trộn cùng tiếng gió. Đôi mắt ông quan sát rất nhanh, tai ông rất thính. Chỉ cần một tiếng khẽ gọi là dừng lại. Một cặp bánh ú hoặc một cái bánh giò giá 15.000 đồng, lời bao nhiêu không biết nhưng để bán được không dễ dàng gì giữa cuộc sống mà chỉ cần bấm điện thoại, một ly trà sữa cũng được ship tận nơi.

Có một lực lượng đi khắp thành phố khá đông là những người đi thu mua phế liệu. Đặc biệt, đi mua phế liệu thường là những người phụ nữ tha phương, họ đi làm cả năm, rồi gần tết lại về quê. Nhưng dạo này thu mua phế liệu cũng khó, vì nhiều nhà hàng đã có những người "thầu" chủ yếu là lon bia, nên phải đi xa và đi lâu. Mấy anh đi xe máy gắn cái loa: "Ai đồng hồ cũ, tivi cũ, điện thoại hư, hộp quẹt zippo…bán không?". Đôi khi đi cả ngày không mua được một món gì. Với những người mua mọi thứ này, ai bán gì cũng mua, nhưng giá mềm nên chủ nhân của các món hàng không thích bán, cho nên đến khi phố đỏ đèn vẫn chỉ là tiếng rao mua loang trong gió.

Cuộc mưu sinh trên những con phố đa dạng từ sáng đến tối, như những người đi xe máy chở đủ thứ nón mũ đến các loại hàng liên quan đến khách du lịch, đảo thật nhanh trên đường Trần Phú, nơi có các khách sạn. Đến những người bưng các thúng với đậu phộng luộc, ổi, xoài, mít đã được bỏ sẵn trong bị, dạo từ quán cà-phê tới quán nhậu với giá 20 ngàn đồng/bịch… luôn mở đầu bằng câu: Em chưa bán mở hàng. Rồi đến những chiếc xe cải tiến có rờ-móc phía sau, chất đủ loại cây trái theo mùa hoặc dừa trái. Các xe trái cây xuất hiện nhiều sau khi thành phố quyết liệt trong việc dẹp buôn bán trên lòng lề đường. Họ dừng chỗ này vài tiếng, chỗ kia vài tiếng để tránh bị phạt. Khi nghề bán báo dạo ế ẩm, họ chuyển qua bán sách và lá số tử vi, tất nhiên là giá cả trên bìa sách đã được ghi chồng lại để kiếm lời, có cả những cuốn sách tiếng Anh.

Nếu chú ý, sẽ thấy có những nghề đi khắp phố phường đã không còn nữa, như quy luật đào thải của cuộc sống. Đó là nghề đi thu mua nhớt xe, nghề bơm hộp quẹt ga và cả nghề mài dao kéo cũng chỉ còn một hai người, vắng những người hớt tóc dạo và cả đấm bóp dạo… Có lẽ nhu cầu của những nghề này không còn bao nhiêu.

Phố vẫn huyên náo mỗi ngày, những con đường vẫn nghiêng về phía những bước chân người đi qua. Những buồn vui của phố đôi khi là tiếng rao đêm hay tiếng rao sớm mai của cuộc mưu sinh này.

Tạp bút: Khuê Việt Trường

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-nguoi-di-khap-pho-phuong-post316201.html
Zalo