Những người 'đi đầu, về cuối' giữa trùng khơi

Luôn có mặt đầu tiên khi xảy ra sự cố tai nạn hàng hải, họ cũng là những người về cuối cùng, sau khi đảm bảo không còn chướng ngại vật uy hiếp an toàn của tàu thuyền.

Ngày hay đêm, nhận lệnh là lên đường

"Có những chuyến đi đo đạc, dò quét luồng trong 7 ngày thì có tới 4 ngày sóng lớn. Những con sóng lừng làm tàu chồm lên chồm xuống. Tàu lại nhỏ, mỏng manh như chiếc lá tre. Nhiều anh em quen nghề vẫn không nuốt nổi bát cơm. Hoàn thành khối lượng công việc, chúng tôi mới trở về".

Anh Đồng Duy Mạnh (mũ vàng) cùng các công nhân nghiên cứu tư liệu trước giờ đi khảo sát.

Anh Đồng Duy Mạnh (mũ vàng) cùng các công nhân nghiên cứu tư liệu trước giờ đi khảo sát.

Tâm sự của anh Phạm Ngọc Tú (SN 1980), thuyền phó tàu Sông Cấm (Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc - thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) nói thay những vất vả, nhọc nhằn của nghề bảo đảm an toàn hàng hải mà không phải ai cũng hiểu.

14 năm làm nhiệm vụ khảo sát, rà quét chướng ngại vật trên luồng hàng hải, trong mắt anh Tú, đây vẫn là công việc đầy tự hào nhưng cũng rất đỗi nguy hiểm.

Hàng chục năm làm nghề, đã theo những chuyến tàu khảo sát dọc Bắc - Nam, tôi không nhớ nổi có bao nhiêu lần phải đối mặt với các công việc đột xuất.

Có buổi, tôi nhận được thông tin tai nạn trên luồng lúc 3h30 sáng. Cũng có khi, thông tin lại tới vào 21h. Bất kể giờ giấc nào, anh em luôn sẵn sàng lên đường.

Anh Đồng Duy Mạnh, Trưởng phòng Khảo sát (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc)

Một ngày tháng 9/2024, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Hải Phòng và Quảng Ninh. Hàng loạt con tàu đã bị cơn bão "nuốt chửng", đánh chìm trên luồng Hòn Gai - Cái Lân (Quảng Ninh).

Vừa trở về nhà được 2 tiếng sau khi đưa tàu đi tránh bão, anh Tú nhận lệnh lập tức di chuyển tàu sang Hòn Gai để làm nhiệm vụ, thông luồng nhanh nhất có thể.

Suốt 10 ngày đằng đẵng, các thuyền viên và kỹ sư làm việc thông đêm. Mỗi lúc, họ chỉ thay nhau chợp mắt, rồi lại tất bật với công việc.

"Rác rưởi, gỗ bè trôi nổi, dây dợ phủ kín tuyến luồng. Chúng tôi phải căng mắt cảnh giới để phát hiện vật thể. Nếu để rác quấn vào chân vịt trong bối cảnh đó, không biết kêu cứu ai", anh Tú nhớ lại.

Đặc thù của công việc khảo sát, rà quét luồng nên tàu luôn phải chạy cắt ngang các tuyến luồng. Điều này vô cùng nguy hiểm nếu không cẩn thận, sự cố va chạm rất dễ xảy ra. Chưa kể, nếu các tàu hàng đều có hoa tiêu hỗ trợ thì ở những con tàu nhỏ, anh em thuyền viên chỉ có thể tự túc để đảm bảo an toàn.

"Lần đầu được cầm vô lăng lái tàu Sông Cấm, chiếc phao và tàu đã va đập rất mạnh. Cú va đập tưởng như chiếc tàu đã vỡ làm đôi. Dù sợ hãi, song trải qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi dần có thêm nhiều kinh nghiệm.

Bất kể mưa giông hay gió bão, những lần nhận nhiệm vụ đột xuất lúc 1h - 2h sáng, anh em đều luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường", anh Tú chia sẻ.

Hiểm nguy chực chờ

Một buổi sáng sương mù dày đặc năm 2011, một phương tiện thủy nội địa khi chạy cắt ngang luồng hàng hải Bạch Đằng tại Hải Phòng đã va chạm với một tàu container.

Cú va chạm khiến phương tiện bị gãy làm đôi. May mắn, sự việc không xảy ra thiệt hại về người, song lại làm rất nhiều container rơi xuống biển.

Hoạt động khảo sát, rà quét luồng hàng hải thường theo kế hoạch hoặc trong các tình huống đột xuất.

Hoạt động khảo sát, rà quét luồng hàng hải thường theo kế hoạch hoặc trong các tình huống đột xuất.

Tình huống vô cùng khẩn cấp bởi việc các container rơi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động hàng hải tại khu vực, thậm chí có thể phải cấm luồng.

Bấy giờ, anh Đồng Duy Mạnh, Trưởng phòng Khảo sát (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) đang là một công nhân làm khảo sát. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, anh và các đồng nghiệp lập tức lên đường.

Do phương tiện không có hệ thống định vị, công tác tìm kiếm vị trí tàu đắm gặp nhiều khó khăn. Cả nhóm chia thành 2 tổ tìm kiếm, làm việc xuyên trưa. Sau khi xác định được vị trí tàu đắm, họ lại hối hả chia nhau tìm các container bị rơi.

"Bằng mọi nỗ lực và biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng chúng tôi xác định được một container cách vị trí bị rơi khoảng 3km, sóng đánh trôi dạt khỏi luồng hàng hải", gần 15 năm trôi qua, anh Mạnh vẫn không quên vụ việc khiến anh cảm nhận rõ nét về tầm quan trọng của nghề khảo sát, rà quét chướng ngại vật trên luồng hàng hải.

Vẫn tự hào về nghề

Trong mắt anh Mạnh, những người làm nghề khảo sát, rà quét luồng hàng hải như anh luôn là người "đi đầu về cuối". Công việc bất kể ngày đêm, ăn chực nằm chờ. Bởi nếu để xảy ra sự cố trên luồng hàng hải, hệ lụy vô cùng lớn.

Hệ lụy ấy không chỉ là tốn kém về mặt vật chất, mà còn có thể uy hiếp sự an toàn cho tính mạng của các thuyền viên. Bởi thế, để hoàn thành công việc này cũng cần bản lĩnh nghề nghiệp, tư duy, năng lực điều hành để phối hợp hoàn thành nhiệm vụ.

"Có điều, không bao giờ chúng tôi đánh đổi rủi ro. Mình làm công tác phục vụ an toàn, nên phải đảm bảo an toàn cho cả các thuyền viên, công nhân làm nghề", anh chia sẻ.

Anh Mạnh không quên cách đây 12 năm, kỷ niệm nhớ đời của anh là khi Hải Phòng xảy ra cơn bão lớn khiến 2 tàu đang neo tại Hòn Dấu bị hất tung hệ thống container rơi xuống biển. Khu vực này lại đúng vị trí đón trả hoa tiêu. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng nhanh chóng đóng luồng.

Công tác khảo sát, rà quét được tiến hành gấp rút ngay sau khi bão. Sóng lớn khiến tàu của các công nhân bảo đảm an toàn hàng hải không thể chạy theo đúng tuyến. Họ bèn chạy lòng vòng nhưng vẫn phải thua mẹ thiên nhiên và phải rút về.

Tới chiều, gió ngớt, các công nhân lại lên đường nhưng vẫn không thể làm được việc vì sóng còn dữ. Cuối cùng, họ bèn ngủ trên tàu để chờ thời điểm thích hợp. Đúng 4h30 sáng hôm sau, thời tiết thuận lợi cho các công nhân và đội thợ lặn làm việc. Sau khoảng 3 ngày, họ mới hoàn thành nhiệm vụ.

"Chúng tôi xác định có những ngày chỉ có thể ăn cháo vì say sóng. Khó khăn thế, nhưng người hàng hải vốn gai góc và luôn có độ lỳ", anh Mạnh cười và khẳng định, bản thân vẫn luôn tìm thấy niềm vui từ công việc của mình.

Hoàng Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhung-nguoi-di-dau-ve-cuoi-giua-trung-khoi-192250501082633918.htm
Zalo