Những người dễ đột tử khi chơi thể thao, cách phòng tránh
80% trường hợp đột tử khi chơi thể thao hoặc đang tập luyện là do nguyên nhân tim mạch...
80% ca đột tử khi chơi thể thao có sẵn bệnh lý tim mạch
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết, tối 2/12, một người đàn ông 55 tuổi khi đang chơi pickleball tại nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội) đã bất ngờ bị đột quỵ.
Trước đó, khoảng 18h10, người đàn ông này mới vào sân chơi pickleball được khoảng 15-20 phút thì bị choáng, ngã quỵ, bất tỉnh. Khi đội cấp cứu đến hiện trường, nạn nhân đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn.
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, người chơi thể thao cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn mức tập luyện an toàn, phòng tránh nguy cơ đột tử.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tập thể dục hoặc chơi thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp kéo dài đời sống, giảm tử vong bệnh tật. Nhưng ở một số cá nhân đặc biệt, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử, thường xảy ra ở người trước giờ ít vận động hoặc có bệnh tim mạch trước đó mà không được phát hiện.
Nguy cơ này khác nhau tùy theo độ tuổi và có bệnh tim mạch và môn thể thao tham gia. Tỷ lệ ngưng tim tăng cao ở người tập luyện với cường độ mạnh, đặc biệt ở người tập không thường xuyên.
Tỷ lệ đột tử ở vận động viên chơi thể thao cường độ mạnh khoảng 1.6/100.000 người, so với ở người bình bình thường là 0.75/100.000 người.
Thống kê cho thấy, 56 – 80% đột tử ở vận động viên trẻ xảy ra trong lúc đang chơi thể thao, nguy cơ xảy ra ở nam cao gấp 3-9 lần so với nữ.
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, đột tử do tim vận động viên thường liên quan đến bệnh xơ vữa mạch vành, trong khi ở người trẻ nguyên nhân chính là do bệnh tim cấu trúc hay di truyền.
Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
Các nguyên nhân tim mạch khác dễ gây đột tử gồm bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp, hẹp van động mạch chủ, bất thường đường đi của động mạch vành, viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng QT dài, hội chứng kích thích sớm,…
Một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như: hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại...
Những người bị hội chứng đó, có thể không hề có yếu tố khởi phát, nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300-400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.
Cần tầm soát trước khi tập luyện, tránh ngã gục trên sân
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh cảnh báo, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp.
Thậm chí, người tập có thể đối mặt với tình trạng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Vì vậy, theo ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, cần tầm soát và tư vấn trước khi chơi thể thao nhằm phát hiện những bất thường có thể gây đột tử trong lúc tập luyện, đặc biệt ở người lớn tuổi, người mới bắt đầu luyện tập hay chơi môn thể thao cường độ mạnh, hoặc thi đấu. Với mỗi độ tuổi sẽ có những hướng dẫn cụ thể về thể loại, thời gian và cường độ tập phù hợp.
Chương trình khám tầm soát gồm: Bác sĩ hỏi tiền sử bản thân, gia đình, khám lâm sàng, đo ECG và siêu âm tim. Những người trên 35 tuổi cần làm thêm xét nghiệm loại trừ bệnh mạch vành do xơ vữa trước khi chơi thể thao như điện tâm đồ gắng sức hay chụp cắt lớp động mạch vành có thuốc cản quang.
Những lợi ích khi làm điện tâm đồ gắng sức (ECG gắng sức): Phát hiện thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành do xơ vữa), đánh giá thay đổi huyết áp khi gắng sức, phát hiện rối loạn nhịp liên quan gắng sức, và xác định mức độ gắng sức ở người già hoặc người có bệnh tim mạch khi cần tập luyện.
Những trường hợp cần được đánh giá sâu hơn
Tiền sử gia đình: cha mẹ, anh chị em ruột bị nhồi máu cơ tim hoặc đột tử < 50 tuổi; có bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, hội chứng Marfan, hội chứng QT dài, rối loạn nhịp nặng.
Tiền sử bản thân: ngất hoặc gần ngất, đau ngực, khó thở (hụt hơi) tăng lên khi mức độ gắng sức tăng dần; hồi hộp, tim đập không đều.
Khám lâm sàng: nghi ngờ hội chứng Marfan (tay chân dài quá mức, cao lêu nghêu, cận thị nặng); mạch tay chân bắt không đều hoặc mất; nghe âm thổi ở tim, tiếng tim không đều; huyết áp cao ≥ 140/90 mmHg.
Điện tâm đồ và siêu âm tim có bất thường.