NHỮNG NGÔI NHÀ CHỞ NẶNG NGHĨA TÌNH (*): San sẻ yêu thương

Cách làm sáng tạo, linh hoạt cùng sự chung tay của xã hội đã và đang dần xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát

Vừa qua, triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên trên địa bàn TP HCM trong năm 2025", Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM ban hành Kế hoạch 26/2024 triển khai thực hiện công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Huy động nhiều nguồn lực

Ban Tuyên giáo - Vận động xã hội thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết qua phối hợp với sở, ngành liên quan, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các quận, huyện và TP Thủ Đức đã rà soát có 323 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp đưa vào chương trình hỗ trợ.

Chương trình đã nhận được sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 đã tích cực triển khai trong hệ thống ngành ngân hàng thành phố, kêu gọi các đơn vị cùng tham gia ủng hộ chương trình.

Đáp lại lời kêu gọi này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) khu vực phía Nam, Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã chung tay đóng góp hơn 25,3 tỉ đồng. Đến nay, có hơn 20 tỉ đồng đã được giải ngân, xây dựng 218 căn nhà trên địa bàn 11 quận, huyện.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thứ 2 từ phải sang), trao hỗ trợ hơn 107 tỉ đồng cho tỉnh Lai Châu. Ảnh: NGỌC GIANG

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thứ 2 từ phải sang), trao hỗ trợ hơn 107 tỉ đồng cho tỉnh Lai Châu. Ảnh: NGỌC GIANG

Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả

Bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tiềm lực của tỉnh chỉ là một trong những lợi thế để địa phương hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó là sự linh hoạt, sáng tạo trong huy động các nguồn lực cho công tác này.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cán bộ cơ sở có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế để vận động các nguồn hỗ trợ, đồng thời giúp các hộ nghèo tranh thủ nắm bắt cơ hội, có nguồn vốn để thoát nghèo.

"Từ nguồn hỗ trợ, tiếp sức kịp thời của MTTQ các cấp và các nhà hảo tâm, địa phương đã vận động thêm ngày công từ họ hàng, bà con làng xóm, từ đó giúp người dân dựng nên những ngôi nhà khang trang, kiên cố" - bà Trúc nói.

Cũng theo bà Trúc, các hoạt động, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được triển khai rộng khắp bằng nhiều hình thức và được lồng ghép, thực hiện song song với các hoạt động thường xuyên của các ngành, đoàn thể liên quan. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5 mô hình giảm nghèo cho hàng trăm hộ như: Hỗ trợ xây nhà ở; trao sinh kế hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên là con, em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng quà nhân dịp lễ, Tết. Từ đó, không chỉ có nhà ở, người dân còn dần vươn lên, thoát nghèo.

Lá lành đùm lá rách

Huy động nguồn lực xã hội là chủ trương xuyên suốt trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chủ trương đó không chỉ nằm trên giấy, trong chỉ đạo, hô hào mà còn nhanh chóng được hiện thực hóa ở nhiều địa phương. Và tinh thần san sẻ, lá lành đùm lá rách đã vượt qua ranh giới hành chính.

Tháng 3-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cùng đoàn công tác đã trực tiếp ra Lai Châu và trao tặng hơn 107 tỉ đồng hỗ trợ tỉnh này thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là kinh phí hỗ trợ xây dựng khoảng 1.788 căn nhà từ nguồn quỹ đóng góp hưởng ứng phong trào thi đua của tỉnh. "Đây không chỉ là món quà mang ý nghĩa vật chất, mà còn thể hiện tấm lòng, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với tỉnh Lai Châu" - ông Nguyễn Văn Thọ bày tỏ.

Trong kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025, UBND tỉnh Bình Dương còn đặt mục tiêu hỗ trợ 2 tỉnh Nghệ An và Bạc Liêu 90 tỉ đồng để thực hiện công tác này.

Tương tự, trong nhiều năm qua, TP HCM đã chia sẻ hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát tại 3 tỉnh với tổng số tiền là 209 tỉ đồng. Trong đó, số tiền ủng hộ tỉnh Bến Tre là 45 tỉ đồng, tỉnh Cà Mau 105 tỉ đồng và tỉnh Kon Tum 59 tỉ đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long xóa 40.128 căn nhà tạm, dột nát

Tính đến nay, 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 40.128 căn, trong đó khánh thành 16.856 căn và khởi công mới 23.272 căn.

Cụ thể, TP Cần Thơ đã khởi công xây dựng, sửa chữa 531/531 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng và đã bàn giao nhà cho 141 hộ.

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa 2.314 căn nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời hỗ trợ sửa chữa 485 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo.

Các ngành chức năng của Cà Mau thì đang cấp tập triển khai thi công 4.400 căn nhà, đặt mục tiêu đến cuối tháng 6-2025 sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (trước 2 tháng so với kế hoạch).

Nhóm phóng viên

Còn tiếp

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-4

NGỌC GIANG - QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-ngoi-nha-cho-nang-nghia-tinh-san-se-yeu-thuong-196250410212726942.htm
Zalo