Những nghi ngờ đằng sau vụ CEO Telegram bị bắt

Khoảng 20h ngày 24/8, ông Ravel Durov, CEO Telegram, người được cho là sở hữu tài sản hơn 15 tỉ USD, bị bắt theo lệnh bắt từ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát Pháp khi ông đáp máy bay riêng từ Ajecbaijan xuống sân bay Le Bourget, Pháp. Cảnh sát Pháp cáo buộc ông Durov là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố... thông qua nền tảng xã hội Telegram do ông sáng lập và điều hành.

Tuy nhiên, giới quan sát thì lo ngại về một động cơ chính trị của Mỹ và phương Tây về hoạt động tình báo của Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Những cáo buộc

Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra tại Saint Petersburg, Nga, có quốc tịch Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Năm 2013, ông sáng lập Telegram, đặt trụ sở tại Dubai và rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên mạng xã hội VK cũng do ông sáng lập nhưng đã bán lại.

Telegram là một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng an toàn và bảo mật cao, cung cấp nhiều tính năng giúp bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng nên thu hút hơn 900 triệu người dùng và đặt mục tiêu đạt một tỷ trong năm tới. Người sử dụng ứng dụng này có thể nhắn tin, gọi điện, chia sẻ dữ liệu, hình ảnh, video… Đặc biệt, nó còn cho phép người dùng tạo nhóm trò chuyện với số lượng thành viên 200.000 người được bảo mật hoàn toàn.

CEO Telegram Pavel Durov trong một sự kiện năm 2015. Ảnh: AFP.

CEO Telegram Pavel Durov trong một sự kiện năm 2015. Ảnh: AFP.

Telegram có 6 tính năng: Thứ nhất, là sử dụng mã hóa đầu cuối cho tất cả các cuộc trò chuyện, đảm bảo chỉ người gửi và người nhận mới đọc được nội dung tin nhắn. Thứ hai, cung cấp chế độ bí mật cho các cuộc trò chuyện, giúp tăng cường bảo mật hơn nữa, khi bật chế độ bí mật, tin nhắn sẽ tự hủy sau một khoảng thời gian nhất định. Thứ ba, hỗ trợ xác minh hai bước, giúp bảo vệ tài khoản của bạn khỏi bị truy cập trái phép. Thứ tư, cho phép khóa ứng dụng bằng mã PIN, giúp ngăn chặn người khác truy cập vào tin nhắn. Thứ năm, không lưu trữ thông tin IP của người dùng hoặc thu thập tài liệu về các cuộc trò chuyện, giúp người dùng ẩn danh và tránh bị theo dõi. Thứ sáu, thường xuyên được cập nhật với các bản vá và bảo mật các tính năng bảo mật mới.

Tối 28/8, Công tố viên Laure Beccuau thông báo Tòa án Paris quyết định truy tố Pavel Durov vì những cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức, bao gồm đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, lừa đảo; từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức; rửa tiền; cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm. Quyết định này không đồng nghĩa Durov bị coi là có tội hoặc sẽ bị xét xử mà chỉ chứng tỏ các thẩm phán tin rằng có đủ bằng chứng để tiếp tục điều tra. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc hủy bỏ. Durov được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh 5 triệu euro. Ông cũng chịu hình thức giám sát tư pháp, bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần.

Nghi vấn động cơ chính trị

Việc bắt giữ ông Durov đã hướng sự chú ý của dư luận tới vai trò của ứng dụng nhắn tin này trong cuộc chiến Nga – Ukraine, đồng thời đặt ra câu hỏi về tương lai của một nền tảng mạng xã hội đóng vai trò định hình nhận thức của công chúng về cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo trung tâm Levada, công ty thăm dò ý kiến độc lập của Nga, hiện nay cứ 2 công dân Nga thì có một người sử dụng Telegram, để lấy thông tin hoặc để giao tiếp với người khác, trong khi trước đó chỉ có khoảng 38% sử dụng ứng dụng này. Cứ 4 người Nga thì có 1 người đọc các bản tin công khai của Telegram về cuộc chiến ở Ukraine, trong khi 5 năm trước, số người đọc tin trên Telegram chỉ là 1%.

Lý do người Nga chuyển sang dùng Telegram một phần là vì Nga cắt hầu hết các mạng xã hội lớn của phương Tây ở các nước này, trong đó có Facebook và Instagram. Mặt khác, Telegram cũng được cho là trở thành nguồn thông tin chiến sự nổi bật ở Ukraina. Vì thực tế cho thấy, nhiều người Nga chuyển sang Telegram để cảnh báo không kích ngoài các ứng dụng chính thức của chính phủ. Điều đáng chú ý hơn được tờ New York Times đề cập là các binh sĩ trên thực địa đã chuyển sang Telegram để ghi lại những thời khắc trong chiến đấu và nó làm thay đổi bản chất của cách thông tin lan truyền trong thời chiến. Quân đội, binh sĩ, các nhà hoạt động của cả Nga, Ukraine được cho là đều sử dụng nền tảng này để trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu, đăng hình ảnh, video về hoạt động quân sự trên chiến trường mà không phải lo ngại nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu, do Telegram đặt trụ sở tại Dubai và gần như không chịu ảnh hưởng của phương Tây.

Đặc biệt, việc không hạn chế nội dung bạo lực cho phép ứng dụng này trở thành cổng thông tin cho các video chiến đấu trần trụi nhất, phơi bày thực tế của một cuộc chiến tranh thế kỷ 21 mà ở đó máy bay không người lái và camera đeo trên người đã ghi lại và phát tán những cảnh giết chóc tàn bạo. Thậm chí, cũng theo New York Times, một nhóm các nhà phân tích quân sự Nga còn viết trên Telegram rằng cho đến nay, ứng dụng này có lẽ đã trở thành phương tiện chính để chỉ huy và kiểm soát các đơn vị chiến đấu, đồng thời nhận định việc ông Durov bị bắt giữ càng cho thấy nhu cầu của Nga trong việc phát triển các kênh liên lạc quân sự an toàn hơn.

Bản thân Nga cũng từng tìm cách kiểm soát Telegram nhưng không thành công. Năm 2015, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Alexander Ageyev đã yêu cầu Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) hạn chế người dùng Nga truy cập Telegram vì cho rằng đây là ứng dụng được phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng. Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nga Nikolai Nikiforov lúc đó phản đối, cho rằng chặn Telegram vì nó được IS sử dụng chẳng khác nào cấm dùng xe Toyota ở Nga, vì phiến quân cũng rất hay dùng xe bán tải của hãng này.

Năm 2017, giới chức Nga yêu cầu Telegram đăng ký ở nước này. Alexander Zharov, giám đốc Cục Quản lý Truyền thông Liên bang (Roskomnadzor), viết thư ngỏ gửi Durov, đe dọa sẽ chặn Telegram nếu ông không đáp ứng yêu cầu này. Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết ông Durov rời khỏi Nga vì muốn trở thành "người đàn ông toàn cầu, có thể sống tốt mà không cần quê hương" và vụ bắt giữ là lời cảnh tỉnh đối với CEO Telegram. Cho rằng Durov đã tính toán sai, ông Medvedev nói: "Với tất cả kẻ thù chung của chúng tôi, ông ấy là người Nga, không có chung dòng máu, do đó là kẻ nguy hiểm và khó đoán".

Chính phủ Pháp phủ nhận việc bắt giữ ông Durov vì lý do chính trị. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/8 công khai cho biết, đây không phải là động thái chính trị mà nằm trong khuôn khổ một cuộc điều tra độc lập, đồng thời nhấn mạnh Pháp “cam kết sâu sắc với quyền tự do ngôn luận nhưng quyền tự do được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, cả trên mạng xã hội và ngoài đời thực, để bảo vệ công dân và tôn trọng các quyền cơ bản của công dân".

Trong thông cáo sau khi CEO Durov bị bắt, Telegram khẳng định tuân thủ luật pháp EU và việc kiểm duyệt của ứng dụng này nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện, đồng thời lên án các chính phủ phương Tây thường chỉ trích Telegram vì thiếu kiểm duyệt nội dung đã dẫn tới việc ứng dụng này bị sử dụng cho mục đích rửa tiền, buôn bán ma túy, chia sẻ tài liệu liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Telegram khẳng định trong một tuyên bố phát đi trên kênh Telegram News vào ngày 26/8 rằng: "Telegram tuân thủ đầy đủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). Các quy trình kiểm duyệt của chúng tôi tuân theo các tiêu chuẩn ngành và không ngừng được cải thiện. Giám đốc điều hành Pavel Durov thường xuyên công tác tại châu Âu và không có gì phải giấu giếm". Phía Nga phản ứng dữ dội sau khi nhận được thông tin về vụ việc. Đại diện Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov và một số chính trị gia Nga khác đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Pháp. Đại sứ quán Nga tại Paris cũng cho biết, các viên chức lãnh sự đã bị từ chối tiếp cận ông Durov vì giới chức Pháp coi quốc tịch Pháp của Durov là quốc tịch chính.

Trong khi đó, các nhà hoạt động chống kiểm duyệt mạng xã hội mô tả vụ bắt giữ Durov là một phần của chiến dịch chống lại quyền tự do ngôn luận do các chính phủ phương Tây tiến hành.

Cộng đồng mạng đưa ra nhận định rằng Pháp và đồng minh có thể khai thác nhiều tin tình báo giá trị liên quan đến Nga sau khi bắt Durov, người nắm giữ chìa khóa của Telegram. Vì theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, tình báo Nga cũng được cho là đã sử dụng các kênh Telegram để tuyển mộ đặc vụ ở châu Âu mà giới chức Pháp cho biết nước này đã trở thành mục tiêu của một số chiến dịch phá hoại từ Nga trong những tháng gần đây. Họ cho rằng sự hoảng loạn đang bao trùm các kênh Telegram ủng hộ Nga vì vụ bắt giữ là một phần trong cuộc chiến chống Nga của Mỹ và đồng minh.

Chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở Mỹ Rob Lee dẫn lời một tài khoản Nga cho biết tình báo phương Tây sẽ thu được thông tin nhạy cảm về quân đội nước này nếu có được quyền truy cập vào dữ liệu của Telegram. Điều này khiến nhiều quan chức, bloger quân sự Nga đã hối thúc binh sĩ ngừng sử dụng Telegram và xóa các thông tin nhạy cảm, thậm chí hủy tài khoản để ngăn chặn nguy cơ bị lộ thông tin mật. Không dừng lại ở binh sĩ Nga mà theo nguồn tin của Baza, các quan chức chính phủ, nhất là lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, nhân viên một số cơ quan hành pháp và doanh nhân lớn Nga đã được yêu cầu hủy tài khoản chính thức trên Telegram, nhưng một số quan chức khác cho rằng họ chưa nhận được chỉ thị, song nhận định cấp trên sẽ sớm đưa ra yêu cầu này.

Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cũng đưa ra phản ứng mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ đóng băng hợp đồng trị giá 10 tỉ Euro để mua 80 máy bay chiến đấu Dassault Rafale và cân nhắc dừng hoàn toàn hợp tác quân sự và kỹ thuật với Pháp. Tờ EADaily ngày 27/8 dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao UEA cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ trường hợp công dân Durov của UAE bị bắt giữ đồng thời gửi yêu cầu tới Chính phủ Pháp để cung cấp tất cả các dịch vụ lãnh sự cần thiết theo hình thức khẩn cấp.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-nghi-ngo-dang-sau-vu-ceo-telegram-bi-bat-i743546/
Zalo