Những nghề bội thu dịp Tết
Dịp Tết, cũng là lúc nhiều nghề kinh doanh, dịch vụ, như: Hớt tóc, kinh doanh đồ gỗ, buôn bán quần áo… 'lên ngôi', với doanh thu và lợi nhuận tăng so với ngày thường. Các cửa hàng đã có sự chuẩn bị chu đáo về hàng hóa, vật tư và nhân lực để đáp ứng nhu cầu của người dân…
Thời điểm này, cùng với việc sắm sửa quần áo mới, trang trí nhà cửa, nhu cầu làm đẹp cũng tăng cao. Khách hàng, đặc biệt là chị em phụ nữ, đang tranh thủ đến các salon tóc, tiệm nail và spa để chăm sóc nhan sắc đón Tết. Ghi nhận tại nhiều salon tóc đã trong tình trạng kín lịch từ sáng đến tối muộn, đa phần khách đều phải gọi điện trước để tiện bố trí thời gian phục vụ cho phù hợp, đỡ phải chờ đợi quá lâu. Nhiều chủ tiệm cho biết lượng khách tăng gấp 2 - 3 lần so ngày thường. Theo một số chủ salon tóc, khách hàng đến làm tóc chủ yếu là các chị em công chức, nội trợ, sinh viên... với những xu hướng, yêu cầu làm đẹp khác nhau.
Theo anh Quốc, chủ tiệm salon tóc trên đường Võ Thị Sáu (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), từ đầu tháng 12 âm lịch, khách đến tiệm làm tóc tăng dần cho đến cận Tết. Để phục vụ nhu cầu làm đẹp tăng cao, anh đã phải tuyển thêm thợ phụ để phục vụ khách hàng tốt nhất, không để khách hàng phải đợi lâu. Anh Quốc cho biết: Cắt uốn tóc không khó, nhưng đòi hỏi người làm nghề phải có kỹ năng, tỉ mỉ và tính thẩm mỹ, nên dù khách đông, thì người thợ vẫn phải tận tình tư vấn khách kiểu tóc, cắt tóc phù hợp với khuôn mặt.
Thông thường, đối với khách nam chỉ mất tầm khoảng 100.000 - 400.000 đồng là có thể sở hữu mái tóc ưng ý và một số dịch vụ kèm theo giúp cho họ có một sự thay đổi vào dịp đầu năm. Còn đối với khách nữ, thì giá sẽ dao động từ 600.000 đến hơn 2 triệu đồng, thậm chí cao hơn, tùy theo yêu cầu của khách hàng, vì phụ nữ thường công phu hơn trong việc làm đẹp và cũng phải mất nhiều giờ. “Dù cận Tết khách đông, nhưng không vì thế mà mình có thể làm ẩu được. Chúng tôi luôn chú trọng đến việc đào tạo nhân viên, cập nhật những kỹ thuật làm đẹp mới và sử dụng các sản phẩm chất lượng cao. Dịch vụ tốt mới có thể khiến khách hàng quay lại với mình trong những lần tiếp theo” - anh Quốc chia sẻ.
Để tránh tình trạng quá tải và phải chờ đợi lâu vào những ngày cận Tết, chị Nguyễn Thúy Hà (Phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) đã chủ động lên lịch làm đẹp từ đầu tháng 12 âm lịch. Chị Hà chia sẻ “Nếu để đến sát Tết mới đi làm đẹp rất dễ bị chờ đợi lâu và không được ưng ý vì thợ có thể làm ẩu, không chỉn chu bằng ngày thường”...
Những ngày giáp Tết, các cơ sở làm nghề trang trí nội thất hoạt động hết công suất, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng cao. Các sản phẩm trang trí nội thất rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại theo yêu cầu, thị hiếu của khách hàng. Giá của từng loại sản phẩm từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, tùy vào chất liệu gỗ cũng như độ tinh xảo, kích thước... Ông Trần Văn Hiếu, chủ cơ sở trang trí nội thất ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết, các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 5 - 6 âm lịch và phải hoạt động liên tục mới kịp giao cho khách hàng. Bàn thờ, tủ trang trí, bàn ghế... là những sản phẩm bán chạy nhất trong dịp này”.
Tết Nguyên đán là thời điểm các chủ xe máy muốn tân trang lại “xế cưng” của mình, sau một thời gian dài vận hành, nên đây là mùa “bội thu” của các cửa hàng sửa xe. Anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên sửa xe (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) cho biết, từ đầu tháng 12 âm lịch đến nay, anh cùng 3 thợ chỗ anh làm đều làm việc hết công suất, với lượng khách sửa, bảo dưỡng xe máy tăng cao. Thông thường, cửa hàng tiếp khoảng 10 - 20 xe/ngày, thì nay tăng lên 30 - 40 xe/ngày. Khách thông thường thì hay bảo dưỡng các bộ phận vận hành hoặc thay nhiên liệu, sơn lại áo xe, thay bóng đèn, bố thắng… “Mấy hôm nay, anh em thợ phải làm việc đến 8 giờ tối mới được nghỉ. Ngày thường thì chỉ 5 giờ chiều đã tan làm. Vậy mà, nhiều khi vẫn làm không kịp, phải để sang hôm sau mới trả xe cho khách” - anh Nam chia sẻ.
Vào những ngày giáp Tết, hầu hết các cửa hàng bán quần áo từ thành thị đến nông thôn đều tất bật người mua. Nhiều người tranh thủ buổi trưa hay sau giờ làm việc để mua sắm quần áo cho mình và gia đình. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều người kinh doanh quần áo đã nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường và có chiến lược bán hàng thích hợp để “bung hàng” dịp Tết, nhằm tận dụng tối đa thời điểm để tăng doanh thu.
Chị Lý Hồng Hoa, chủ cửa hàng thời trang, chợ Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên) cho biết: “Bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, chúng tôi đã phải nhập hàng với nhiều mẫu mã cũng như màu sắc theo thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài việc kinh doanh tại cửa hàng, chúng tôi còn thường xuyên “livetream” trên facebook, tiktok, bán hàng qua mạng xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng không có thời gian đến cửa hàng. Cận Tết, lượng khách đặt mua sản phẩm tăng cao hơn ngày thường 2 - 3 lần…”.