Những ngày ở Lệ Giang

Có những ngày nắng ngọt tôi nhớ Lệ Giang…

Những ngôi nhà cổ san sát từ triền đồi trải dài xuống cổ thành. (Ảnh: HN)

Những ngôi nhà cổ san sát từ triền đồi trải dài xuống cổ thành. (Ảnh: HN)

Tôi nhớ cái nắng, cái gió cao nguyên vờn mái tóc, vờn đôi má hồng thiếu nữ. Nhớ những mái nhà cổ, những vườn hoa trái ngọt và những dây leo thả dáng trên chiếc cổng phủ đầy rêu phong.

Lệ Giang đẹp, vẻ đẹp vừa êm đềm, cổ kính, vừa rực rỡ, sôi động của thanh xuân.

Chúng tôi khởi hành từ chuyến tàu Hà Nội-Lào Cai rồi xuất cảnh sang Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sự hồi hộp của lần đầu tiên sang nước bạn tăng lên khi chúng tôi chọn đi đường núi, qua một quãng đường lên tàu xuống xe khá nhiều chặng trong khi không ai trong đoàn biết tiếng Trung.

Gần chín giờ sáng, chúng tôi lên chuyến tàu Hà Khẩu-Côn Minh rồi chuyển tiếp tàu đêm đến Lệ Giang. Tàu sạch sẽ và chạy khá êm. Tôi khá vui khi thấy mình đang băng qua màn đêm đến rất gần Lệ Giang, nơi mà từ rất lâu tôi đã ấp ủ một hành trình hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Bản tình ca trên phố

Lệ Giang đón chúng tôi vào một buổi sớm cuối Thu đầu Đông khi mặt trời còn chưa ló rạng. Cái lạnh và hanh hao của vùng cao nguyên tháng 11 như thấm vào da thịt.

Lệ Giang có ba cổ trấn và thành: Đại Nghiên cổ thành, vẫn hay được gọi là Lệ Giang cổ thành, Thúc Hà cổ trấn và Bạch Sa cổ trấn. Từ sân ga, chúng tôi đi xe ghép để về Đại Nghiên trong khi trời vẫn tối đen như mực, rồi tiếp tục kéo vali trên những con đường đá cổ.

Lác đác một vài ngôi nhà trong thành đã sáng đèn. Qua những ô cửa sổ, khói nghi ngút trên những nồi hấp bánh bao làm bụng tôi cồn cào. Chúng tôi như lạc vào màn đêm trong một bộ phim cổ trang, cứ đi đến phía trước và không biết điều gì đang chờ đợi. Chúng tôi mất nhiều giờ quẩn quanh kiếm tìm khách sạn là một ngôi nhà cổ trong vô vàn những ngôi nhà giống nhau ở đây. Chỉ đến khi đã thấm mệt, và cũng là lúc mặt trời đã hừng lên phía xa xa cổ thành, chúng tôi mới tìm thấy đích. Những cây rẻ quạt vàng óng, lấp lánh dưới ánh mặt trời sớm mai, soi bóng xuống hồ nước trong xanh ngay trước cửa căn nhà.

Quên đi những mệt nhọc, tôi hít một hơi thật sâu cảm nhận buổi sáng tinh khôi, rạng rỡ dưới ánh mặt trời đầu tiên ở Đại Nghiên. Sau này nghĩ lại, tôi quý trọng hơn những giây phút lạc đường ấy vì đó là buổi sáng duy nhất tôi có thể thưởng thức sớm Đại Nghiên đẹp đến nao lòng.

Chúng tôi dạo khắp các con phố trong thành, men theo những dòng nước nhỏ, qua các điểm quen thuộc như các cây cầu đá cổ, quảng trường Tứ Phương, guồng nước, đồi Sư Tử và Mộc Phủ là nơi ở của thổ ty nhà họ Mộc cai quản vùng đất này được xây dựng mô phỏng theo Tử Cấm Thành từ thời nhà Nguyên. Đại Nghiên với những mái nhà âm dương cổ kính, phủ màu thời gian nhưng không chút trầm mặc mà luôn vui tươi, quyến rũ.

Trước mỗi cổng nhà phủ đầy hoa lá, những hàng cúc rực rỡ trong nắng Thu, soi bóng xuống dòng kênh xanh, hàng dương liễu thả dáng trước nắng gió cao nguyên càng làm khung cảnh nơi đây trở nên ngọt ngào.

Bất kỳ góc phố nào cũng văng vẳng thanh âm khúc Tiểu Bảo Bối, vừa êm dịu vừa sôi động mà có lẽ ai từng đặt chân đến không thể nào quên được. Khúc nhạc dường như chỉ dành riêng cho nơi đây. Rồi cả giai điệu bài Tích Tắc trầm buồn, kể về cô gái đem lòng yêu một chàng trai tình cờ gặp, ngày ngày mong ngóng người ấy ghé qua.

Lang thang khắp các con phố, chúng tôi đi men theo những lối nhỏ lên đồi Sư Tử ngắm toàn cảnh thành cổ và dừng chân ở một quán cafe, nơi treo rất nhiều những chiếc chuông gió ước nguyện đặc trưng của văn hóa Đông Ba, mang lời cầu nguyện của mọi người gửi vào trong gió và hòa vào những bản tình ca trên khắp các con phố.

Cho đến tận bây giờ, buổi chiều hôm ấy vẫn còn ngân vang mãi trong tôi. Chúng tôi ngồi sưởi ấm trong nắng Thu, ngắm ngọn núi xanh mướt xa xa và hàng ngàn mái nhà cổ trong thành, hưởng thụ không khí trong lành vùng cao nguyên nắng gió, thu vào tầm mắt một Lệ Giang rạng rỡ, ngọt ngào như cô gái thanh xuân mà tôi chưa rõ đến khi nào mới có thể gặp lại.

Một góc phố Lệ Giang. (Ảnh: HN)

Một góc phố Lệ Giang. (Ảnh: HN)

Thúc Hà cổ trấn nên thơ

Rời Đại Nghiên, chúng tôi ghé Thúc Hà cổ trấn. Thúc Hà nằm trên con đường Trà Mã cổ dài hơn 4000km vượt những ngọn núi tuyết để trao đổi trà và ngựa Tây Tạng. Nếu Đại Nghiên là nhà gỗ, mái ngói âm dương san sát, cảnh sắc vui tươi, những bài hát và tiếng trống vang vọng khắp nơi, không khí sôi động và nhộn nhịp người qua lại thì Thúc Hà cổ trấn chỉ cách thành cổ hơn 7km mang một âm hưởng khác, một nốt trầm xao xuyến với những khu vườn nên thơ và lời ca tiếng hát ở đây cũng dịu dàng và trầm lắng hơn.

Chúng tôi ăn sáng ngay ở khách sạn bằng món bún qua cầu nổi tiếng ở Vân Nam, thưởng trà, sưởi nắng trên chiếc ghế mây trong khu vườn giữa căn nhà cổ, xung quanh là những bông cúc muôn màu rung rinh trong nắng sớm. Những cây dây leo từ trên mái nhà buông mái tóc dài lả lướt trước gió. Đâu đó xen kẽ là những thanh âm xào xạc của bóng trúc.

Sau những chuyến đi, tôi nhận ra những phút chậm rãi như vậy dường như để lại dư âm sâu đậm hơn cả.

Thúc Hà có hàng cây lao xao, phủ xanh những khu vườn khiến nơi đây cho cảm giác như một khu nghỉ dưỡng thời cổ. Dường như Thu đến Thúc Hà muộn hơn những nơi khác.

Chúng tôi đã gặp được mỹ cảnh Thúc Hà với những dãy nhà cổ ven sông không bóng người, những cây cầu cong cong duyên dáng và hàng phong nghiêng nghiêng bên mái nhà cổ, trổ sắc đỏ rực rỡ soi bóng xuống dòng nước. Hóa ra Thúc Hà có một góc Thu thật là Thu như vậy.

Ngọc Long tuyết sơn soi bóng hồ Hắc Long. (Ảnh: HN)

Ngọc Long tuyết sơn soi bóng hồ Hắc Long. (Ảnh: HN)

Ngọc Long Tuyết Sơn và “Ấn tượng Lệ Giang”

Những ngày ở Lệ Giang, chúng tôi mua vé tham quan Ngọc Long tuyết sơn (núi tuyết Ngọc Long), chỉ cách thành cổ hơn 10km.

Đó là một quần thể các thắng cảnh nằm trong khuôn viên của dãy núi Ngọc Long, gồm 13 đỉnh núi cao trên 5.000m, tạo thành một dãy núi tuyết uốn lượn có thể nhìn thấy từ thành cổ Lệ Giang.

Sắc xanh của hồ Lam Nguyệt, sắc trắng của những dãy núi tuyết với những thảm thực vật xanh mướt, trải dài hai bên đường khiến tôi hình dung ra cảnh thường thấy ở châu Âu, nhưng ấn tượng nhất ở Ngọc Long là chương trình “Ấn tượng Lệ Giang”.

Chương trình biểu diễn ngoài trời của đạo diễn Trương Nghệ Mưu lồng ghép các câu chuyện dân gian và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc hiện sinh sống ở Vân Nam như người Nạp Tây, Bạch, Di, Tạng, Mouso… ca ngợi nền văn hóa ngàn năm của Lệ Giang nói riêng và Vân Nam nói chung.

“Quốc sư” của nền điện ảnh Trung Hoa luôn tận dụng màu sắc của thiên nhiên và ánh sáng trong những thước phim. Đây là kỹ nghệ tạo nên tên tuổi của ông trong các chương trình giới thiệu văn hóa bản địa tại một số điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc.

Ông đã sử dụng nền núi tuyết Ngọc Long phía sau để tạo nên không gian tự nhiên hùng tráng. Chúng tôi đã ngồi ngay tại Ngọc Long tuyết sơn và xem những người dân tộc trình diễn câu chuyện của họ qua những bản hùng ca. Những hình ảnh về cuộc sống vùng sơn cước phóng khoáng, những bản nhạc lồng ghép sống động khiến niềm xúc động lẫn đồng cảm dâng trào.

Thời khắc tạm biệt Ngọc Long tuyết sơn cũng là lúc chúng tôi sắp rời Lệ Giang. Ánh hoàng hôn trải dài trên con đường từ núi tuyết về thành cổ càng làm da diết nỗi niềm thương nhớ.

Dẫu tuổi đời hàng trăm năm rêu phong cổ kính, Lệ Giang vẫn trong trẻo, vui tươi, như thiếu nữ đôi mươi khiến chúng tôi rời đi mà lòng vương vấn bóng hồng ấy mãi không nguôi.

Nguyễn Hồng Nhung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-ngay-o-le-giang-204559.html
Zalo