Những ngày đi xách cầu ong

Nhà tôi ở Nông trường Cà phê 706 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Sau Tết Nguyên đán, những vườn cà phê lại bung hoa trắng đồi nương, tỏa hương thơm ngây ngất thu hút đàn ong tìm đến hút mật.

Đó cũng là lúc người nuôi ong di chuyển đàn ong của mình đến đây cho chúng hút mật. Tuổi thơ tôi gắn liền với vườn cà phê của bố mẹ và những ngày rảnh rỗi đi xách cầu ong.

 Ảnh minh họa: N.V

Ảnh minh họa: N.V

Thông thường, người nuôi ong chọn những bờ lô bằng phẳng, tương đối rộng rãi ở vườn cà phê, rồi đến nửa đêm là bốc đàn ong chở đến địa điểm đã chọn. Sau đó, họ đóng cọc hoặc kê kệ rồi đặt thùng ong lên đó.

Thùng ong thường đóng bằng gỗ, kích thước khoảng 55x44x25 cm. Phía trong thùng chứa khoảng 10 cầu ong. Cầu ong được đóng bằng gỗ, hình chữ nhật có gờ gác phía trong thùng. Ở giữa cầu ong, người ta dùng khoảng 4 sợi thép nhỏ căng ngang hoặc nẹp vào đó một khung cầu bằng nhựa mỏng để ong tạo tổ sáp. Thùng ong có cửa chính cao khoảng 1,5 cm, dài khoảng 10 cm để ong ra vào.

Hàng ngày, người nuôi ong tỉ mẩn coi sóc đàn ong, xem chúng lấy phấn hoa, lấy mật. Tôi nghe người chú nuôi ong kể lại rằng: Muốn lấy phấn hoa, chú sẽ đặt trước cổng chính của tổ một dụng cụ chắn, có lỗ nhỏ, để khi ong chui vào thì phấn ở chân nó sẽ rơi lại vào một cái phễu để sẵn trước cửa tổ. Quy trình tạo ra mật ong cũng qua nhiều giai đoạn.

Khi tìm được nguồn mật, ong sẽ dùng vòi dài để hút từng giọt từ tuyến mật của hoa vào dạ dày. Ong thợ trở về tổ rồi chuyển mật này cho con khác gọi là ong nhai. Các “đồng đội” này tiếp tục thu thập mật hoa và nhai trong 30 phút.

Enzyme trong tuyến nước bọt của chúng sẽ biến mật hoa thành chất chứa mật ong cùng với nước trong lúc nhai. Sau đó, ong sẽ đem mật hoa phân phối vào những lỗ sáp hình lục giác, rồi liên tục quạt cánh khiến nước bay hơi để mật ong chứa ít nước hơn.

Khi mật đủ đặc, chúng sẽ đóng những lỗ chứa mật bằng một lớp sáp tươi, giúp lỗ sáp trở thành một lọ mật tí hon. Người ta ước tính 1 con ong cần phải bay hết 88.000 km và dùng đến 2 triệu bông hoa để sản xuất 500 gram mật.

Nghề nuôi ong di động này hầu như chỉ hợp với đàn ông, bởi phải di chuyển nhiều theo mùa hoa, theo vùng. Phần lớn họ vui tính, hòa đồng. Khi có các trại ong về đóng ở những vườn cà phê gần nhà, chúng tôi thường lân la đến chơi. Hào hứng nhất là được họ nhờ đi xách cầu ong.

Cầu ong là nơi con ong xây tổ để chứa mật. Cầu ong còn giúp cho người nuôi ong dễ dàng di chuyển, kiểm tra, tách đàn, gộp đàn. Khi nhận thấy mật đã nhiều, họ sẽ nhờ thêm người giúp quay ong thu mật.

“Chạy cầu ong” nghĩa là cầm cái cầu ong từ tổ mang đến chỗ quay và trả lại cầu ong cho đúng tổ. Việc này không diễn ra thường xuyên nên càng khiến chúng tôi thích thú.

Khi nhận cầu ong, họ sẽ dùng một con dao nhỏ, sắc, giống như cái bay của thợ xây để cắt lớp nắp sáp mà ong thợ đã dùng để bảo vệ mật. Phần sáp này bao giờ cũng dính mật. Bỏ cái nắp sáp dày vào miệng mà nhai thì không gì ngọt bằng. Đó chính là thứ được trả công trực tiếp, hữu ích nhất dành cho lũ trẻ chúng tôi những năm 90 của thế kỷ trước.

Khi quay ong thu mật, người ta cũng thường đốt ít củi, giẻ để tạo khói nhằm xua ong quay lại cướp mật. Có khi chúng tôi cũng bị một vài chú ong đốt nhưng không đáng kể. Người nuôi thường dùng một cái thùng ly tâm bằng tôn hoặc inox, bên trong có khung, đảm bảo bỏ vào được từ 2 đến 4 cầu ong. Khi khung quay tròn, mật sẽ văng ra khỏi lỗ sáp.

Ở đáy thùng, họ làm sẵn một cái rumine có miệng hướng xuống cái can 20 lít. Cứ thế, mỗi đợt quay, tùy số lượng đàn ong mà họ thu được hàng chục can mật. Mật hoa cà phê thường có màu vàng nhạt, sóng sánh, ngọt thanh, thơm nhẹ. Nhiều khi chúng tôi được các chú cho một vài lít mật mang về dùng.

Sau này lớn lên, đi học, đi làm xa nhà, tôi không còn được nhìn thấy những thùng ong di động nữa. Trải nghiệm xách cầu ong cùng bạn bè thuở nhỏ luôn là kỷ niệm đẹp trong tôi với vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió này.

DƯƠNG TUẤN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-ngay-di-xach-cau-ong-post317369.html
Zalo