Những ngày 30-4 còn lắng đọng
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ HÀ HUY THÔNG đã dành cho Báo ĐTTC cuộc trò chuyện về những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp, đặc biệt là trong tiến trình thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

Nhân dân thành phố Sài Gòn míttinh chào mừng Ủy ban Quân quản Thành phố ra mắt 7-5-1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời liên quan đến ngày 30-4 đáng nhớ nhất đối với ông sau này?
Nguyên Đại sứ HÀ HUY THÔNG: - Ngày 30-4 năm nào cũng là dịp kỷ niệm quan trọng có nét riêng, nhất là vào những năm chẵn. Tôi nêu 3 dịp có ấn tượng ở những thời điểm khác nhau, để lại những cảm xúc qua quá trình phát triển đất nước và cải thiện quan hệ Việt - Mỹ qua từng thập kỷ.
Lần thứ nhất vào dịp 30-4-1985. Khi ấy kỷ niệm 10 năm kết thúc chiến tranh. Tôi may mắn được tham dự các cuộc họp báo quốc tế, các cuộc phỏng vấn phía đại diện Việt Nam của các phóng viên quốc tế từ Anh, Pháp, Nhật, các nước ASEAN. Nhưng đông nhất vẫn là phóng viên Mỹ, họ đến từ các báo lớn như The Washington Post, The New York Times, các kênh truyền hình lớn như CNN, CBS, ABC, NBC… Họ đến Việt Nam để xem tình hình Việt Nam như thế nào sau 10 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc.

Chủ trì và trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo hôm ấy chính là Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân Dân. Là người trực tiếp tham dự và phiên dịch cho toàn bộ cuộc họp báo hôm ấy, tôi thấy đó là một cuộc họp báo tương đối cởi mở.
Phóng viên nước ngoài hỏi nhiều câu hỏi về các vấn đề “gai góc”: Sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; Mùa hè đỏ lửa” năm 1972; Điện Biên Phủ trên không năm 1972; Hiệp định Paris 1973; và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Thiếu tướng Trần Công Mân đã trả lời tất cả các câu hỏi rất đĩnh đạc, mạch lạc, có dẫn chứng cụ thể, khiến các phóng viên nước ngoài không thể tìm cách “hỏi xoáy” thêm.
Tôi còn nhớ một phóng viên Mỹ hỏi: Là vị tướng, ngài nghĩ gì về các lính Mỹ thời chiến tranh ở Việt Nam? Thiếu tướng Trần Công Mân đáp: Bộ đội Việt Nam và lính Mỹ đều yêu đất nước mình, phải cố gắng hết sức thừa hành, thực thi nhiệm vụ được cấp trên chỉ thị. Họ đều là những người yêu hòa bình nhất. Và tôi bất giác nhìn thấy sự bất ngờ trên mặt của nhiều người có mặt trong khán phòng.
Lần thứ 2 là đúng ngày 30-4-1995, vừa tròn 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh, sau khi Mỹ bỏ cấm vận (ngày 3/2/1994) và lập quan hệ với Việt Nam ở cấp Cơ quan liên lạc. Đúng ngày 30-4 năm ấy, phía Bộ Ngoại giao Mỹ mời Trưởng đại diện Cơ quan liên lạc Việt Nam đi dự một hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Bang California, một bang đông người Việt ở nước ngoài sinh sống nhất trên thế giới và cũng rất phức tạp.
Sau khi nhận lời mời của Ban tổ chức hội thảo, Đại sứ Lê Văn Bàng, khi đó là Trưởng Cơ quan liên lạc, đã cử cấp phó là tôi đi dự.
Tham dự có nhiều người Mỹ và bà con người Việt hỏi về tình hình trong nước sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, quan hệ Việt Nam và Mỹ… Nhưng khi đó quan hệ Việt - Mỹ đang có sự tiến triển để chuẩn bị đi đến bình thường hóa quan hệ, nên hội thảo được cơ quan an ninh Mỹ bảo vệ rất nghiêm ngặt, không xảy ra tình trạng lộn xộn.
Đa số những người tham dự đều phát biểu vui mừng vì quan hệ Việt Nam và Mỹ đã cải thiện quan hệ. Và sau cuộc hội thảo ấy, không ai ngờ chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 12-7-1995, quan hệ Việt - Mỹ đã nâng từ Cơ quan liên lạc lên cấp Đại sứ quán.
Lần thứ 3 vào dịp 30-4-2015, khi đó tôi được mời thăm TPHCM nhân dịp 40 năm kết thúc chiến tranh. Khi ấy Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010, và vừa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), Quốc hội vừa sửa Hiến pháp năm 2013, Việt Nam và Mỹ đang trao đổi thúc đẩy triển khai Sáng kiến của Mỹ về hạ lưu Mekong LMI (Lower Mekong Innitiative) sao cho hiệu quả…
Qua 3 sự kiện liên quan đến ngày 30-4, tôi muốn nói rằng cái giá phải trả cho chiến tranh, rồi công cuộc hàn gắn lại vết thương chiến tranh sau khi cuộc chiến kết thúc là quá lớn. Dân tộc ta, đất nước ta phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Tôi cho rằng, lịch sử không thể bị lãng quên, song theo thời gian thì nỗi đau cần phải được hàn gắn.
Chúng ta hàn gắn vết thương, đoàn kết cùng nhau để xây dựng đất nước, hướng về tương lai phía trước. Theo nghĩa đó, ngày 30-4 có thể nên được xem là Ngày hòa bình và Thống nhất đất nước
- Còn dịp 30-4 sau 50 năm đối với ông thì sao?
- Năm 2025 là dịp đặc biệt khi kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn, như 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước và ngành ngoại giao, 50 năm kết thúc chiến tranh, khôi phục hòa bình, thống nhất tổ quốc, 30 năm lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, 30 năm tham gia ASEAN.
Quan hệ Việt - Mỹ cũng đang chịu tác động của nhiều biến động trên thế giới. Nhưng nay cũng là dịp nhìn lại và chia sẻ những câu chuyện liên quan theo phương châm: “Không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể học từ quá khứ” và cùng “ôn cố, tri tân” (ôn chuyện cũ để hiểu chuyện mới), từ đó tin tưởng và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Ông Hà Huy Thông nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan (2006-2010); nguyên Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Vụ trưởng Vụ Tây Á - châu Phi của Bộ Ngoại giao; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton dỡ bỏ cấm vận và lập quan hệ với Việt Nam ở cấp Cơ quan liên lạc vào đầu năm 1994, ông Hà Huy Thông được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn tiền trạm mở Cơ quan liên lạc tại Washington D.C. Ông được xem là một trong những “kiến trúc sư” trong quá trình thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.