Những mô hình HTX do phụ nữ làm chủ ở Lào Cai

Mô hình kinh tế HTX do phụ nữ đứng đầu ở Lào Cai đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho nhiều lao động, góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao của xã Tả Ngài Chồ, từng trải qua tuổi thơ cơ cực, đã khiến cô gái Mông Ma Thị Chú quyết tâm vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng công nghệ số

Vốn là học viên trung cấp y, cũng đã từng công tác ở bệnh viện, nhưng rồi Ma Thị Chú xin nghỉ vì nhận thấy đó không phải đam mê của mình, chị đã quyết định bỏ việc để quay lại với nghề buôn bán thổ cẩm tại các điểm du lịch và xuất khẩu sang nước ngoài. Sau đó, chuyển sang buôn bán các mặt hàng nông sản.

Thời điểm những năm 2018-2019, thấy các thương lái Trung Quốc tìm thu mua chuối với số lượng lớn, Chú cũng tìm các mối hàng để giao dịch, đổ buôn. Bắt đầu từ đây, Chú bước chân sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Cô cùng vài người nữa lập nên HTX Châu Thịnh Phong, chuyên về trồng chuối và sản xuất cây con giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân.

Ma Thị Chú thường xuyên livestream để bán hàng trực tiếp luôn tại vườn, tiêu thụ hiệu quả các mặt hàng nông sản như quýt, mận...

Ma Thị Chú thường xuyên livestream để bán hàng trực tiếp luôn tại vườn, tiêu thụ hiệu quả các mặt hàng nông sản như quýt, mận...

Không chỉ buôn chuối, mà "mùa nào thức nấy", bất cứ loại nông sản nào thương lái Trung Quốc có nhu cầu, chị đều tìm mối cung cấp số lượng lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc buôn bán cũng thuận buồm xuôi gió, có khi lượng nông sản tồn kho nhiều hơn cả đơn hàng xuất đi.

Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, việc làm ăn, kinh doanh của Ma Thị Chú cũng gặp không ít khó khăn, với tố chất nhanh nhạy, chị chuyển sang bán online. Chú thường xuyên livestream để bán hàng trực tiếp tại vườn, tiêu thụ hiệu quả các mặt hàng nông sản như quýt, mận...

Không chỉ trực tiếp bán hàng online, mà Chú còn hướng dẫn cho các chị em trong bản học cách bán hàng online. Chú bắt đầu lập “zoom” để tổ chức trao đổi và truyền đạt lại cách bán hàng, mỗi buổi hướng dẫn cho khoảng 20 chị em.

Tuy nhiên, đối với người nông dân, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi, việc tiêu thụ nông sản không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Khi thấy những hàng hóa nông sản bà con vất vả làm ra không tiêu thụ được, bị thối hỏng, phải đổ bỏ, Ma Thị Chú lại trăn trở suy nghĩ làm sao để giúp bà con tiêu thụ hết nông sản. Nghĩ là làm, Chú tập hợp những người bạn của mình để thành lập HTX thứ 2 - HTX Cộng đồng Mường Khương chuyên chế biến sâu và làm Phó Giám đốc chuyên thu mua nông sản từ các loại quýt, chuối, mận để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đa dạng như: rượu, siro, tinh dầu.

Hàng năm, HTX của Chú sản xuất được 200 nghìn lít rượu, trong đó có 70 nghìn lít rượu chuối, 50 nghìn lít rượu mận, 80 nghìn lít rượu quýt. Mỗi năm HTX tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương làm việc theo mùa vụ, 12 công nhân với độ tuổi thanh niên làm việc theo hợp đồng với mức lương từ 8 triệu đồng/tháng.

Nói về những nỗ lực tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân của cô gái Mông Ma Thị Chú, lãnh đạo UBND thị trấn Mường Khương cho biết: HTX của chị Ma Thị Chú không chỉ giúp người dân liên kết trồng và tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất theo vùng mà còn tạo việc làm cho các lao động là người DTTS, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đi lên làm giàu.

Thành công từ "Dám nghĩ dám làm"

Cũng như chị Ma Thị Chú, là người năng động, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ dám làm là những lời khen mà nhiều người dành cho Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX cộng đồng Dao đỏ tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Từ khi thành lập HTX, chị đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và tạo việc làm, tăng thu nhập cho 100% thành viên là đồng bào DTTS người Dao.

Với phương châm phát triển bền vững và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách trồng mới, khoanh vùng diện tích đang có và liên kết với các hộ gia đình vệ tinh.

Cách làm này tạo ra vùng nguyên liệu gần 18 ha. Ngoài ra, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc khai thác cây thảo dược tự nhiên với diện tích hơn 11.000 ha rừng, có trên 2.000 hộ dân sinh sống là DTTS.

Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu Atiso, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và bền vững. Cao mềm Atiso là sản phẩm chủ lực của HTX. Hiện nay, ngoài cung ứng ra thị trường bán lẻ, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất.

Còn tại huyện Bắc Hà, người con dân tộc Phù Lá - Sải Thị Bích Huế nhận thức được việc đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp hiệu quả, căn cơ nhất để nâng tầm giá trị nông sản. Chị đã mạnh dạn thành lập HTX Quang Tom, với 7 thành viên, xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP 3 sao gồm mận tam hoa sấy dẻo và trà shan tuyết cổ thụ, góp phần đưa nông sản vùng cao Bắc Hà bay xa.

HTX Quang Tom dần trở thành biểu tượng của sự sáng tạo và phát triển trong ngành nông nghiệp Bắc Hà, tạo ra một loạt thương phẩm chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương.

HTX Quang Tom giúp nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương.

HTX Quang Tom giúp nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương.

Nhờ tinh thần cầu thị, luôn sẵn sàng tiếp thu và thay đổi, mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường vài chục nghìn sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

"HTX Quang Tom đã và đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương, đồng thời thể hiện rõ tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của người dân miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp", lãnh đạo địa phương đánh giá.

" Góp sức" giảm tỷ lệ hộ nghèo

Theo thống kê, phụ nữ chiếm 49,07% dân số, 47,84% lực lượng lao động toàn tỉnh Lào Cai. Những năm qua, nhân tố này đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển mọi mặt của địa phương.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chủ động tham gia sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đã cho thấy sự nhanh nhạy, vươn lên của chị em khi biết tích cực ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 638 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh. Lĩnh vực chủ yếu là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương.

Các HTX đang hoạt động hằng năm đều tạo việc làm cho lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Những HTX này luôn năng động, sáng tạo và đều hoạt động hiệu quả, vừa tạo việc làm cho cho bà con, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Đại diện Hội LHPN tỉnh Lào Cai cho biết, dù số lượng phụ nữ làm chủ HTX chưa phải nhiều, nhưng đó là bước tiến vượt bậc tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lào Cai.

Hằng năm, Hội đều phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, chị em đã thay đổi rõ rệt về nhận thức. Mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, chị em chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, thu nhập đã dần ổn định và đời sống chị em từng bước vươn lên.

“Các nữ giám đốc đã và đang đưa các HTX của mình phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, các HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo nên vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, đưa các sản phẩm vươn xa”, vị này chia sẻ.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 cho thấy, có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.

Trong 09 địa phương, thành phố Lào Cai có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp nhất với 718 hộ (chiếm 1,76%) và huyện Mường Khương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất với 7.823 hộ (chiếm 54,66%).

04 huyện nghèo tỉnh Lào Cai đều có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 44%. Trong đó huyện Mường Khương 54,66%; huyện Si Ma Cai 53,75%; huyện Bắc Hà 50,17% và huyện Bát Xát 44,23%.

Các địa phương còn lại có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo lần lượt: thị xã Sa Pa 23,02%; huyện Văn Bàn 12,87%; huyện Bảo Yên 11,31%; huyện Bảo Thắng 6,64%.

Giang Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhung-mo-hinh-htx-do-phu-nu-lam-chu-o-lao-cai-1106683.html
Zalo