Lâm Đồng kiến nghị 2 vấn đề lớn khi sáp nhập với Đắk Nông, Bình Thuận

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các tuyến giao thông và có cơ chế đặc thù về khoáng sản để giúp Lâm Đồng vươn lên.

Theo Đề án hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất trong 34 tỉnh, thành (diện tích 24.233,07 km²), tuy nhiên hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều trở ngại.

 QL28B nối Bình Thuận với Lâm Đồng đang khẩn trương thi công. Ảnh PHƯƠNG NAM.

QL28B nối Bình Thuận với Lâm Đồng đang khẩn trương thi công. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Kiến nghị cơ chế đặc thù

Do đó, Đề án kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch hiện hữu như Quốc lộ 20, 27, 28, 28B, 55... tạo điều kiện giao thông thuận lợi nội tỉnh và giao thương ngoại tỉnh.

Hỗ trợ địa phương trong thẩm định, phê duyệt, thu hút đầu tư các tuyến cao tốc theo trục Bắc - Nam (cao tốc Dầu Giây - Liên Khương), Đông - Tây (cao tốc Nha Trang - Đà Lạt; Bình Thuận - Đắk Nông...) nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế địa - kinh tế, lợi thế kết nối vùng của tỉnh Lâm Đồng mới.

Bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ địa phương xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiệu quả khi địa bàn tỉnh rộng, có đến 124 xã.

“Ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các nhóm tỉnh đặc thù như Lâm Đồng (diện tích rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc cao, đóng góp ngân sách hạn chế nhưng có tiềm năng tài nguyên đất đai canh tác, trữ lượng khoáng sản lớn....), cơ chế chính sách thông thoáng trong phê duyệt các dự án, kêu gọi đầu tư...

 Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Ảnh PN.

Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Ảnh PN.

Hoặc có chính sách, cơ chế đặc thù tài chính - ngân sách cho phép tỉnh giữ lại tối thiểu 50% nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản và năng lượng để tái đầu tư hạ tầng. Qua đó, tạo đòn bẩy để tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ, phát huy mọi nội lực đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước và vươn lên thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, Đề án nêu.

Tiềm năng khoáng sản cực lớn

Theo Đề án, tỉnh Lâm Đồng có nguồn tài nguyên khoáng sản gồm bauxite, đá granite, than bùn, trong đó, nổi bật nhất là quặng bauxite với trữ lượng trên một tỉ tấn. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 381 điểm quặng và các mỏ vàng, 7 điểm saphi, 38 điểm mỏ nước khoáng tại các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và Đạ Huoai…

Đắk Nông sở hữu khoảng 1,784 tỉ tấn bô xít, chiếm khoảng 57% tổng trữ lượng bô xít Việt Nam, với diện tích quy hoạch khai thác bô xít tại tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là hơn 179.597 ha, chiếm gần 27% diện tích tự nhiên của tỉnh.

 Trữ lượng titan sa khoáng ở Bình Thuận chiếm khoảng 92% ở Việt Nam. Ảnh PN.

Trữ lượng titan sa khoáng ở Bình Thuận chiếm khoảng 92% ở Việt Nam. Ảnh PN.

Riêng Bình Thuận là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại và nguồn gốc như: Titan sa khoáng, thiếc, vàng, bauxite, cát thủy tỉnh, than bùn, bentonit, soda, nước khoáng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng... trong đó, trữ lượng và tài nguyên titan được đánh giá lớn nhất cả nước với tổng tài nguyên và trữ lượng khoảng 599 triệu tấn (chiếm khoảng 92% lượng titan sa khoáng ở Việt Nam).

 Nước khoáng Đa Kai.

Nước khoáng Đa Kai.

Nước khoáng thiên nhiên bicarbonat hơn 10 mỏ trữ lượng cao, chất lượng (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700°C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm. Trong đó, 2 mỏ đang được khai thác và kinh doanh là Vĩnh Hảo và Đa Kai.

Cát thủy tinh có 4 mỏ ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân với trữ lượng trên 500 triệu m³, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phù hợp sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thủy tinh; đá granít trữ lượng rất lớn, phân bố khắp nơi; sét bentonit dùng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, trữ lượng khoảng 20 triệu tấn.

 Đá granit trữ lượng lớn, phân bố khắp nơi. Ảnh PN.

Đá granit trữ lượng lớn, phân bố khắp nơi. Ảnh PN.

Quặng Sa khoáng nặng để sản xuất titan, zircon, trữ lượng khoảng một triệu tấn. Tại Vĩnh Hảo có diện tích trên 1.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm... Zircon 4 triệu tấn dẫn đầu cả nước về trữ lượng này.

“Dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế của tỉnh Bình Thuận, với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn đã được phát hiện cách đất liền 60 km; có 6 mỏ dầu Rạng Đông, Sư Tử Đen, Rubi, Sư Tử Trắng và Sư Tử Vàng đang khai thác. Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đang quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp dầu khí tại Bình Thuận để hình thành trung tâm dự trữ dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu”, Đề án nhấn mạnh.

 Mỏ dầu Sư Tử Trắng khai thác ngoài khơi Bình Thuận. Ảnh ĐỖ HỮU TUẤN.

Mỏ dầu Sư Tử Trắng khai thác ngoài khơi Bình Thuận. Ảnh ĐỖ HỮU TUẤN.

Với những kiến nghị này, tỉnh Lâm Đồng mới không chỉ kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ Trung ương mà còn mong muốn tạo ra một tương lai phát triển bền vững, không chỉ cho tỉnh mà còn cho toàn vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Chỉ khi các cơ chế đặc thù được áp dụng và nguồn lực được phân bổ hợp lý, tỉnh Lâm Đồng mới có thể khai thác tối đa tiềm năng kinh tế, xây dựng một tương lai thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển khá của cả nước.

PHƯƠNG NAM-VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-dong-kien-nghi-2-van-de-lon-khi-sap-nhap-voi-dak-nong-binh-thuan-post849702.html
Zalo