Những lý do để lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ trong năm 2025

Theo hãng CNN, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội khi bước vào năm 2025.

Được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng không ngừng sau đại dịch Covid-19, Mỹ đã thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế vào năm 2024.

Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục duy trì ở nền kinh tế Mỹ. Mặc dù chi phí sinh hoạt vẫn cao nhưng tiền lương cũng tăng nhanh hơn so với giá cả. Ảnh: Victor J. Blue/Bloomberg/Getty Images

Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục duy trì ở nền kinh tế Mỹ. Mặc dù chi phí sinh hoạt vẫn cao nhưng tiền lương cũng tăng nhanh hơn so với giá cả. Ảnh: Victor J. Blue/Bloomberg/Getty Images

Năm 2024, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã duy trì xuyên suốt cả năm, bất chấp những lo ngại về lạm phát và lãi suất cao. Nền kinh tế số một thế giới đã vượt qua các dự báo bi quan, duy trì tăng trưởng ổn định ngay cả trong bối cảnh thị trường tài chính biến động và lãi suất tăng cao.

Dù việc tuyển dụng có dấu hiệu chậm lại nhưng tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp nên vẫn ổn định cho thị trường lao động.

Bước vào năm 2025, có rất nhiều lý do để lạc quan về kinh tế Mỹ.

Ông David Kelly, chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết như đã từng diễn ra trong nhiều năm, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ rất ổn định.

Tín hiệu vượt qua suy thoái

Các chuyên gia từng dự đoán về cuộc suy thoái gần như chắc chắn xảy ra vào năm 2022. Tuy nhiên, rất may là cuộc suy thoái đó chưa xảy ra.

Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã làm chậm tăng trưởng kinh tế, và kịch bản suy thoái diễn ra không nghiêm trọng như dự đoán. Thị trường tài chính có xảy ra suy yếu, nhưng không sụp đổ. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối thấp.

Không giống như thời điểm này vào năm 2021 và 2022, các chuyên gia hiện đang xem xét các yếu tố tác động đến nền kinh tế Mỹ và không thấy tác động mạnh mẽ nào dẫn đến suy thoái vào năm 2025.

Tất nhiên, vẫn còn những rủi ro bên ngoài đang rình rập, bao gồm cả cuộc chiến thương mại có khả năng gây ra thảm họa.

Giá xăng dầu bình ổn

Giá xăng dầu thường là một yếu tố dẫn đến suy thoái, nhưng may mắn thay, giá năng lượng hiện tại vẫn ổn định.

Xe đầu kéo xếp hàng dài tại cửa khẩu Cầu quốc tế Ysleta-Zaragoza ở biên giới Mỹ - Mexico ở Juarez, tiểu bang Chihuahua, Mexico. Ảnh: David Peinado/Bloomberg/Getty Images

Xe đầu kéo xếp hàng dài tại cửa khẩu Cầu quốc tế Ysleta-Zaragoza ở biên giới Mỹ - Mexico ở Juarez, tiểu bang Chihuahua, Mexico. Ảnh: David Peinado/Bloomberg/Getty Images

Giá xăng tăng đột biến chưa từng có lên trên 5 đô la một gallon vào giữa năm 2022 đã gây ra mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với nền kinh tế Mỹ.

Rất may là giá xăng dầu hiện nay đã thấp hơn nhiều. Tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông hoặc ở Nga vẫn chưa xảy ra.

Năm 2025, giá xăng trung bình được dự báo là 3,22 đô la một gallon, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp giá xăng giảm. Điều này giúp củng cố niềm tin cho người tiêu dùng và giảm áp lực lạm phát.

Tiền lương tăng

Nhiều người dân Mỹ từng bày tỏ thất vọng vì họ phải trả nhiều tiền hơn khi mua đồ ở cửa hàng tạp hóa, bảo hiểm ô tô và tiền thuê nhà so với trước đại dịch Covid-19.

Mặc dù mức giá có thể không quay trở lại mức năm 2019, nhưng tốc độ tăng giá đã chậm lại đáng kể.

Bên cạnh đó, tiền lương tăng sẽ giúp người dân Mỹ có thể bắt kịp mức giá cao hơn và cảm thấy tự tin hơn về chi phí sinh hoạt.

"Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là đưa lạm phát trở lại mục tiêu và duy trì ở mức đó, giúp mọi người có cơ hội nhận được mức tăng lương thực tế cao hơn. Điều đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và là mục tiêu chúng ta đang hướng tới ", Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 12/2024.

FED hạ lãi suất

Để ứng phó với tình trạng lạm phát, năm 2024, FED đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Hiện tại, khi lạm phát đã hạ nhiệt, FED đã thông báo cắt giảm lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp vừa qua. Mặc dù chi phí vay thế chấp vẫn cao nhưng sự điều chỉnh này đã giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

"Sẽ còn bao nhiêu đợt cắt giảm lãi suất nữa sẽ diễn ra vào năm 2025. Và hiện tại, chi phí vay thế chấp vẫn chưa giảm. Tuy nhiên, việc FED bắt đầu quá trình hạ lãi suất là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới", các chuyên gia nhận định.

Chính sách ủng hộ doanh nghiệp

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tập trung cao độ vào việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Một số nhà kinh tế bày tỏ phấn khích trước viễn cảnh cải cách thuế và lời hứa cắt giảm thủ tục hành chính của ông Trump.

Tuy nhiên, các chính sách thương mại của ông Trump cũng khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại, cụ thể là việc áp đặt thuế quan mới, có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và gây ra lạm phát.

"Thuế quan không tốt cho nền kinh tế. Tôi lo ngại về điều đó", Stephanie Roth, nhà kinh tế trưởng tại Wolfe Research, cho biết.

Trong khi đó, David Kelly của JPMorgan nhận định: "Chúng ta không nên lo lắng quá nhiều về những rủi ro đã biết. Thay vào đó, hãy chú ý đến những điều không ngờ tới."

Những yếu tố như tấn công mạng, thiên tai hoặc các đại dịch mới cũng có thể gây ra các cú sốc bất ngờ cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng lời hứa thực hiện trục xuất hàng loạt của ông Trump cũng sẽ khiến các ngành công nghiệp thiếu hụt lao động, đẩy tiền lương và giá cả lên cao./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-ly-do-de-lac-quan-hon-ve-nen-kinh-te-my-trong-nam-2025-20250102112249504.htm
Zalo