Những thuận lợi và thách thức khi ông Donald Trump 'cầm lái' kinh tế Mỹ
Ông Donald Trump nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ cho thấy sự phục hồi khá vững chắc sau đại dịch COVID-19, nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức dai dẳng có thể thử thách những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ tính đến tháng 12/2024 ở mức 2,9% - cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Con số này đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 9,1% ghi nhận vào tháng 6/2022, nhưng vẫn tăng từ mức thấp thấp nhất kể từ tháng 2/2021 là 2,4% hồi tháng 9/2024.
Giá năng lượng đã chiếm 40% mức tăng lạm phát của tháng 12/2024, mặc dù giá loại hàng hóa này hiện vẫn thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2023. Đà tăng này chủ yếu do giá xăng và dầu sưởi đi lên, trùng với thời điểm hóa đơn tiện ích dự kiến tăng do chi phí sưởi ấm gia đình cao hơn.
Chi phí thực phẩm cũng đã tăng nhẹ hàng tháng kể từ tháng 8/2024 sau một thời gian cải thiện. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đặc biệt nhấn mạnh đến giá cả hàng tạp hóa và nói rằng sẽ "rất khó" để giảm chúng xuống thêm.
Trong khi đó, thật trớ trêu khi những nỗ lực nhằm hạ lạm phát có thể bị cản trở bởi sức mạnh tiềm ẩn của thị trường lao động và nền kinh tế nói chung.
Sức mạnh của thị trường lao động vừa là một lợi thế vừa là một trở ngại tiềm tàng. Trong một phân tích gần đây của Bộ Tài chính Mỹ, giới chức nước này cho rằng các chỉ số như tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở độ tuổi chủ chốt (từ 25-54 tuổi), tài sản hộ gia đình trung bình và số lượng doanh nghiệp mới thành lập đều rất khả quan. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế mạnh mẽ này có thể cản trở nỗ lực giảm lạm phát của Fed. Fed thường giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế đang suy yếu, nhưng đang thận trọng không giảm lãi suất quá sớm vì điều này có nguy cơ làm lạm phát tăng trở lại.
Những gì xảy ra tiếp theo cho kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc vào các chính sách mà ông Trump thực hiện ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai.
Chính sách thuế và nhập cư sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ việc cắt giảm thuế và bãi bỏ những quy định kiểm soát. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng kế hoạch trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ của ông Trump có thể ảnh hưởng đáng kể đến các ngành phụ thuộc vào lao động nhập cư, chẳng hạn như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và xây dựng.
Các kế hoạch áp thuế quan lên hàng nhập khẩu cũng tạo thêm sự bất ổn, có nguy cơ gây căng thẳng ngoại giao và tăng chi phí cho những doanh nghiệp.
Những bất ổn liên quan đến chính sách này dưới thời ông Trump đang khiến các chuyên gia thị trường hạ thấp kỳ vọng về khả năng Fed hạ lãi suất.
Ngân hàng Wells Fargo tin rằng thị trường lao động mạnh mẽ, lạm phát cao dai dẳng và các chính sách của chính phủ mới sẽ có thể khiến Fed giữ nguyên lãi suất. Tương tự, ngân hàng BNP Paribas dự đoán sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2025 do lạm phát dự kiến tăng mạnh vì các chính sách của chính phủ mới.
Theo ông Greg Valliere, chiến lược gia về chính sách Mỹ tại công ty tư vấn đầu tư AGF Investments, có khả năng xảy ra bất đồng giữa ông Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell nếu Fed không cắt giảm lãi suất như mong muốn của Tổng thống.
Nhà chiến lược đầu tư Kevin Gordon của công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab chỉ ra rằng lạm phát trung bình ở mức 2,9% trong năm 2024, giảm so với mức 3,3% của năm 2023 và thấp hơn mức trung bình dài hạn là 3,5%. Đây là xu hướng đáng mừng, nhưng các số liệu kinh tế dường như chưa được phản ánh vào trải nghiệm và nhận thức hàng ngày của nhiều người dân.
Ông Trump đã giành được sự tin tưởng của cử tri khi vận động tranh cử với lời hứa sẽ "sửa chữa" nền kinh tế. Bốn năm tới, Tổng thống Mỹ sẽ phải tìm cách giải quyết sự mất kết nối giữa các số liệu kinh tế lạc quan và tâm lý lo ngại của người dân trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.