Những lợi ích của việc ngủ trưa mỗi ngày khiến bạn bất ngờ
Ngủ trưa không chỉ giúp giải tỏa mệt mỏi mà còn cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ tim mạch và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Những lợi ích bất ngờ này chắc chắn sẽ khiến bạn duy trì giấc ngủ trưa mỗi ngày.

Ngủ trưa mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. (Ảnh: iStock)
Dù là vì kiệt sức sau một đêm mất ngủ, mệt mỏi vì áp lực công việc hay đơn giản chỉ muốn tạm gác lại những bộn bề, nhiều người tìm đến giấc ngủ trưa như một cách nạp lại năng lượng.
Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ), một giấc ngủ trưa hợp lý không chỉ giúp bạn lấy lại tỉnh táo mà còn đem đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, ngủ trưa cũng giống như một nghệ thuật: nếu thực hiện đúng cách, nó rất tốt cho cơ thể. Ngược lại, ngủ quá ít hoặc quá lâu có thể gây ra những tác động tiêu cực. Dưới đây là những gì thực sự xảy ra với cơ thể bạn khi duy trì thói quen ngủ trưa mỗi ngày.
Bớt cáu kỉnh, tinh thần sảng khoái hơn
Khi mệt mỏi, mọi thứ xung quanh trở nên dễ khiến bạn khó chịu, từ tiếng nhai thức ăn cho đến một câu nói vô tình. Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, chỉ một giấc ngủ ngắn từ 10-20 phút có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm cáu kỉnh và mang lại cảm giác dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, nếu ngủ quá 30 phút, cơ thể dễ rơi vào trạng thái uể oải khi tỉnh dậy do bước vào giai đoạn ngủ sâu, khiến tâm trạng càng thêm nặng nề. Vì thế, các chuyên gia khuyên nên đặt báo thức và chợp mắt trong khoảng thời gian ngắn.
Tăng sự tỉnh táo và khả năng ghi nhớ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngủ trưa giúp cải thiện khả năng tập trung, tỉnh táo và tăng cường trí nhớ. Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Sleep khẳng định, những người ngủ trưa thường ghi nhớ thông tin tốt hơn so với nhóm chỉ học liên tục mà không nghỉ.

Một giấc ngủ ngắn giúp não bộ củng cố ký ức và xử lý dữ liệu hiệu quả hơn. (Ảnh: iStock)
Đặc biệt, với sinh viên, người làm việc văn phòng hay bất kỳ ai cần tiếp nhận lượng lớn thông tin, một giấc ngủ ngắn giúp não bộ củng cố ký ức và xử lý dữ liệu hiệu quả hơn.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp
Ngủ trưa không chỉ giúp thư giãn mà còn có tác dụng tích cực đối với tim mạch. Nghiên cứu của Học viện Tim mạch Hoa Kỳ chỉ ra rằng, những người ngủ trưa khoảng một giờ mỗi ngày có thể giảm huyết áp trung bình 5 mmHg — tương đương hiệu quả của việc giảm muối hoặc dùng thuốc liều thấp.
Tiến sỹ Manolis Kallistratos, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: "Chúng tôi không khuyến khích mọi người ngủ nhiều giờ trong ngày, nhưng một giấc ngủ ngắn hoàn toàn không có gì phải áy náy, bởi những lợi ích sức khỏe rõ ràng."
Giảm căng thẳng, hỗ trợ kiểm soát lo âu
Áp lực từ công việc, tài chính, gia đình hay các mối quan hệ đều có thể bào mòn sức khỏe tinh thần. Theo Hiệp hội Não bộ Hoa Kỳ, căng thẳng mãn tính là "kẻ giết người thầm lặng", có thể dẫn đến kiệt sức và nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Một nghiên cứu đăng tải trên Healthbeat của Harvard cho biết, ngủ trưa giúp hạ huyết áp, từ đó giảm mức độ căng thẳng. Việc duy trì giấc ngủ trưa hằng ngày chính là cách tự nhiên giúp tinh thần thư giãn và ổn định hơn.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng và cảm giác thèm ăn
Giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với cân nặng. Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia, thiếu ngủ làm rối loạn hormone kiểm soát cảm giác đói (ghrelin) và no (leptin), khiến bạn dễ thèm ăn và chọn thực phẩm kém lành mạnh.
Một nghiên cứu năm 2014 cũng chỉ ra rằng, thiếu ngủ khiến cơ thể ưu tiên những món ăn giàu đường và chất béo. Vì vậy, một giấc ngủ trưa chất lượng sẽ giúp điều hòa hormone và hạn chế cảm giác thèm ăn vô tội vạ.
Tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể ít ốm vặt

Giấc ngủ trưa đóng vai trò như một biện pháp "bù giấc" hiệu quả. (Ảnh: iStock)
Theo nghiên cứu trên Brain, Behavior, and Immunity, ngủ trưa có thể giúp củng cố hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và hỗ trợ phục hồi nhanh hơn khi ốm. Đặc biệt với những người thiếu ngủ, ngủ trưa đóng vai trò như một biện pháp "bù giấc" hiệu quả.
Nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề
Nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu trên Scientific Reports, cho thấy ngủ trưa giúp tăng khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết các vấn đề phức tạp. Giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) giúp não bộ sắp xếp thông tin và tạo ra các liên kết mới, rất có lợi cho công việc đòi hỏi tư duy, ý tưởng.
Cải thiện hiệu suất thể thao
Không ít vận động viên nổi tiếng duy trì thói quen ngủ trưa trước khi thi đấu. Nghiên cứu đăng trên Frontiers in Physiology cho thấy, giấc ngủ ngắn 25-45 phút giúp tăng sức bền, tốc độ và khả năng phản xạ của vận động viên — kể cả khi họ đã ngủ đủ ban đêm.
Tác động đến trầm cảm và sức khỏe tâm thần
Ngủ trưa có thể vừa là biểu hiện của trầm cảm, vừa là cách giúp giảm triệu chứng. Theo nghiên cứu trên BMC Public Health, giấc ngủ trưa giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, nhất là với những người thiếu ngủ kéo dài.
Tuy nhiên, nếu ngủ quá nhiều để né tránh áp lực hoặc vì chán nản, đó có thể là dấu hiệu của vấn đề tâm lý cần can thiệp.
Tốt cho sức khỏe đường ruột

(Ảnh: iStock)
Giấc ngủ và hệ vi sinh đường ruột có mối liên hệ hai chiều. Nghiên cứu đăng trên Frontiers in Psychiatry cho thấy ngủ kém làm giảm sự đa dạng của hệ vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến tiêu hóa và tâm trạng. Ngược lại, ngủ đủ và chất lượng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Ngủ trưa bao lâu là tốt nhất?
Dù ngủ trưa có nhiều lợi ích, nhưng nếu ngủ quá lâu (trên 30-60 phút) có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học, giảm chất lượng giấc ngủ đêm và tăng nguy cơ tiểu đường type 2.
Một nghiên cứu trên Sleep cho thấy, những người ngủ trưa dài thường có nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa cao hơn nhóm không ngủ hoặc chỉ chợp mắt ngắn.
Ngoài ra, nghiên cứu trên Journal of the American Heart Association cảnh báo, ngủ quá nhiều ban ngày cũng liên quan đến béo phì, trầm cảm và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Theo khuyến nghị từ Quỹ Giấc ngủ Quốc gia, thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa là 10-20 phút. Thời gian này đủ để làm mới cơ thể, cải thiện tỉnh táo mà không gây uể oải. Người già, trẻ nhỏ hoặc người bệnh có thể ngủ lâu hơn, tùy vào thể trạng và nhu cầu.
Ngủ trưa nếu được thực hiện đúng cách sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, hãy cân nhắc thời gian và mục đích mỗi lần chợp mắt để tránh những tác dụng phụ không mong muốn./.