Lễ hội đình Yên Thái kỷ niệm 981 năm ngày sinh Nguyên phi Hoàng thái hậu Ỷ Lan

Ngày 4/4 (tức ngày 7/3 âm lịch), Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức Lễ hội kỷ niệm 981 năm ngày sinh của Hoàng thái hậu-Nguyên phi Ỷ Lan và kỷ niệm 30 năm đình Yên Thái được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Nét đẹp cổ kính của đình Yên Thái, Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

Nét đẹp cổ kính của đình Yên Thái, Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

Tọa lạc ở nơi giao nhau giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đình Yên Thái - là nơi thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan, Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông, mẹ của vua Lý Nhân Tông.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày mồng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi (nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

Trong hơn nửa thế kỷ (1063-1117) là Nguyên phi, rồi Hoàng hậu, Nhiếp chính Triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ ra là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, coi trọng nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý đại mẫu nghi”.

Để tưởng nhớ công ơn của bà, hằng năm, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hàng Gai tổ chức lễ hội nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân với Đức thánh mẫu Ỷ Lan.

Nơi thờ Nguyên phi Hoàng thái hậu Ỷ Lan tại đình Yên Thái.

Nơi thờ Nguyên phi Hoàng thái hậu Ỷ Lan tại đình Yên Thái.

Đình Yên Thái được xây dựng từ rất sớm, mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Trải qua bao cuộc hưng phế, đình đã được tôn tạo và tu sửa nhiều lần. Hiện nay, đình còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị. Ngày 16/1/1995, đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Trong khuôn khổ lễ hội, Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai phối hợp với họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, giảng viên đại học nghệ thuật-Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhóm nghệ sĩ trẻ “từ truyền thống tới truyền thống” tổ chức trưng bày triển lãm nghệ thuật “Sắc lụa”, tôn vinh giá trị nghề dệt lụa do công đức truyền dạy của Nguyên phi Ỷ Lan cho dân làng Yên Thái xưa kia.

Hoạt động này cũng nhằm cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một số hình ảnh công tác chuẩn bị lễ hội của người dân và cán bộ Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai:

Năm nay, đội ngũ lãnh đạo cán bộ công chức và cán bộ cơ sở phường đều phát huy mọi nguồn lực để tổ chức lễ hội.

Năm nay, đội ngũ lãnh đạo cán bộ công chức và cán bộ cơ sở phường đều phát huy mọi nguồn lực để tổ chức lễ hội.

Người dân phường Hàng Gai phát tâm làm xe kiệu và trang trí xe rước kiệu.

Người dân phường Hàng Gai phát tâm làm xe kiệu và trang trí xe rước kiệu.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội của cán bộ Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội của cán bộ Ủy ban nhân dân phường Hàng Gai.

Lễ hội nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân.

Lễ hội nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân.

HẰNG NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-hoi-dinh-yen-thai-ky-niem-981-nam-ngay-sinh-nguyen-phi-hoang-thai-hau-y-lan-post869504.html
Zalo