Những 'kiệt tác' tự phong
Năm 2024 chứng kiến một làn sóng mới tại phòng vé phim Việt Nam. Từ sau đại dịch Covid-19, ngành điện ảnh có vẻ đã tìm lại ánh hào quang khi liên tiếp phá vỡ các kỷ lục doanh thu. Tuy nhiên, đằng sau những con số đẹp là một câu chuyện khác: phần lớn các bộ phim dù chạm mốc doanh thu khủng nhưng chất lượng nghệ thuật lại không tương xứng.
Kỷ lục mới được thiết lập
Năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ của điện ảnh Việt Nam với nhiều bộ phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, Mai của Trấn Thành thu về hơn 551 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử. Ngoài ra, Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải cũng đạt hơn 482 tỷ đồng, khẳng định sức hút mạnh mẽ với khán giả.
Việc các bộ phim đạt doanh thu “trăm tỷ” là một tín hiệu đáng mừng, nhưng doanh thu cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng nghệ thuật vượt trội. “Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà sản xuất đang chạy theo thị hiếu nhất thời, tạo ra các bộ phim công thức hóa: cốt truyện đơn giản, nhân vật thiếu chiều sâu, và các yếu tố giải trí rập khuôn. Những bộ phim như vậy có thể thắng lớn tại phòng vé, nhưng chúng không đủ sức để trở thành biểu tượng văn hóa hay để lại dấu ấn lâu dài” giảng viên Phương Dung (Đại học SKĐA) nhận xét.
Đầu tiên, hãy nhìn vào Công Tử Bạc Liêu, một bộ phim được mong chờ nhất năm nhờ quảng bá rầm rộ với hơn 300 bộ trang phục hoài cổ lộng lẫy. Thế nhưng, dù phần hình ảnh và câu chuyện xoay quanh vị đại phú nổi danh, bộ phim lại nhận phản ứng trái chiều. Nhiều khán giả nhận xét kịch bản thiếu chất đời sống, nhân vật thiếu chiều sâu, và nhắc nhở nhiều tới phong cách kể chuyện như các bộ phim truyền hình dài tập.
Tương tự, Mai, một tác phẩm được cho là chạm đến các vấn đề xã hội nhạy cảm như bất bình đẳng giới, khát vọng cá nhân trong bối cảnh gia đình truyền thống, và những thay đổi của xã hội đương đại, nhưng khán giả và giới phê bình lại cho rằng kịch bản, diễn xuất, và cả nhịp phim đều thiếu tính sáng tạo và có phần dựa dẫm vào công thức quen thuộc của dòng phim giải trí: “Cố gắng hài hước thành thất bại; những biên cảnh đề tài xã hội của phim như những mảng văn gây tranh cãi hơn là chuyển tải một thông điệp”…
Lật mặt 7, Một điều ước là một ví dụ khác. Mặc dù phim thu về hơn 482 tỷ đồng, nhưng bị giới phê bình ví cốt truyện “mỏng như tờ giấy”, phi logic và diễn xuất thiếu thuyết phục, cho thấy sự thiếu đầu tư vào chất lượng nghệ thuật.
Dù doanh thu đạt 127 tỷ đồng, Ma Da cũng bị đánh giá là có chất lượng khiêm tốn, với kịch bản rời rạc và kỹ xảo kém, nhưng vẫn “hốt bạc” nhờ đề tài kinh dị hợp thị hiếu.
Vẫn là những “kiệt tác” tự phong
“Chiến lược PR hiện nay không khác gì màn ảo thuật: biến một bộ phim trung bình thành “hiện tượng” chỉ bằng vài câu chuyện giật gân hoặc scandal hậu trường. Những hình ảnh hào nhoáng, những đoạn trailer cắt ghép khéo léo, cùng với đội ngũ KOLs hết lời ca ngợi đã khiến khán giả lầm tưởng rằng họ sắp được xem một kiệt tác. Nhưng khi đèn rạp tắt, tất cả những gì còn lại chỉ là sự thất vọng. Truyền thông không còn là cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả, mà trở thành một cỗ máy tạo nên ảo giác, đẩy khán giả vào vòng xoáy của sự đánh tráo khái niệm”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khoa nhận xét.
Một lỗi khác khiến mâu thuẫn giữa doanh thu và chất lượng của phim Việt bị nới rộng được cho là thuộc về giới phê bình điện ảnh. “Thay vì đóng vai trò “người gác cổng” để giúp khán giả phân biệt giữa vàng thật và vàng giả, những cây viết này lại thường xuyên trở thành công cụ quảng bá trá hình cho nhà sản xuất. Những bài viết tâng bốc vô tội vạ, những lời khen “có cánh” cho các bộ phim tầm thường không chỉ đánh lạc hướng khán giả mà còn làm suy yếu vai trò của phê bình nghệ thuật. Đáng buồn hơn, một số phê bình còn bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, biến ngòi bút trở thành thứ hàng hóa mua bán dễ dàng”, giảng viên Phương Dung nói thêm.
Ông Nguyễn Khoa cũng cho rằng: đã đến lúc các nhà sản xuất và đạo diễn cần nhìn xa hơn những con số doanh thu ngắn hạn. Một bộ phim thành công thực sự không chỉ nằm ở việc thu hút đông đảo khán giả, mà còn ở khả năng đặt ra những câu hỏi lớn, chuyển tải thông điệp ý nghĩa, và góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Việt. Điều này đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc từ kịch bản, diễn xuất, đến cách kể chuyện và khả năng đột phá trong tư duy làm phim.
Khán giả cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình chất lượng điện ảnh. Nếu khán giả chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ các bộ phim dễ dãi, thì nhà làm phim sẽ không có động lực để nâng cao tiêu chuẩn nghệ thuật.
“Điện ảnh Việt cần nhiều hơn những con số doanh thu. Khán giả xứng đáng được thưởng thức những tác phẩm không chỉ làm đầy túi tiền nhà sản xuất mà còn làm giàu giá trị văn hóa và cảm xúc”, ông Khoa kết luận.