Vì sao phim Công tử Bạc Liêu gây tranh cãi?
Sau khi bộ phim Công tử Bạc Liêu được công chiếu tại rạp, nhà văn Phan Trung Nghĩa – tác giả của cuốn 'Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại', đã có những ý kiến không đồng tình với cách làm bộ phim.
Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, một nhà văn Nam Bộ dành nhiều thời gian khảo cứu về Công tử Bạc Liêu, ông xem phim với tâm thế là người viết sách “Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại” nên cũng muốn xem người ta dựng lại bằng phim ảnh nhân vật chính trong quyển sách của mình mặt mũi tròn méo thế nào. Ông cũng cho biết trước khi làm bộ phim này, đoàn làm phim đã có cuộc gặp gỡ để nghe ông nói thêm về hình tượng nhân vật Công tử Bạc Liêu mà ông chưa viết trong sách. Ông đã rất nhiệt tình cung cấp thêm các thông tin cho đoàn làm phim.
Theo đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, “Công tử Bạc Liêu” vấp phải tranh luận bởi nó chạm đến một nhân vật đã trở thành biểu tượng văn hóa quen thuộc của vùng Nam Bộ.
“Hôm đó, tôi nói với họ rằng: Tôi là người Bạc Liêu, với tôi, câu chuyện về gia tộc Trần Trinh, nhân vật đặc biệt Trần Trinh Huy đã được kết tinh thành văn hóa. Lối sống của ông phản ánh tính cách hào sảng của người Bạc Liêu và Nam Bộ. Di sản cụm nhà Công tử Bạc Liêu hiện là di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Danh từ Công tử Bạc Liêu là thương hiệu của Bạc Liêu, đã và đang góp phần phát triển Bạc Liêu, nhất là kinh tế du lịch, đây là tài sản, là vốn văn hóa quý của Bạc Liêu.” – nhà văn Phan Trung Nghĩa kể.
Vì lẽ đó, khi biết nhà sản xuất làm phim về Công tử Bạc Liêu, ông hoàn toàn ủng hộ, nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng nhắc nhớ, hâm nóng lại và phát triển "văn hóa Công tử Bạc Liêu".
Sau khi xem bộ phim Công tử Bạc Liêu đã ra rạp, nhà văn Phan Trung Nghĩa bày tỏ sự thất vọng vì mặc dù tên phim như vậy, nhưng trong bộ phim không có tên nhân vật Công tử Bạc Liêu (tức ông Trần Trinh Huy). Nhân vật ở trong phim là công tử Ba Hơn và hội đồng Lịnh. Theo ông Phan Trung Nghĩa, điều này là khá khó hiểu. “Đạo diễn đã công khai lấy cảm hứng từ những giai thoại truyền miệng trong dân gian về Công tử Bạc Liêu, phim lấy bối cảnh quay ở nhà Công tử Bạc Liêu, sử dụng những giai thoại về Công tử Bạc Liêu, tên phim là Công tử Bạc Liêu thì người ta hiểu là chỉ đích danh Trần Trinh Huy. Cớ sao lại né tránh đổi tên nhân vật, rất dễ làm cho người ta hiểu "treo đầu dê bán thịt chó"?” – ông Phan Trung Nghĩa đặt câu hỏi. Và cho rằng, đây là một thái độ không nghiêm túc với văn hóa Công tử Bạc Liêu.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa bày tỏ: “Xem phim tôi rất thất vọng. Mặc dù những người làm phim nói rằng đây là phim hư cấu, hư cấu thì ai cũng hiểu rằng muốn tưởng tượng gì thì tưởng tượng. Nhưng phim đã lấy tên Công tử Bạc Liêu. Từ đó, xuất hiện yêu cầu là phải "tính đúng, tính đủ". Những người xem phim bị đưa vào cái thế hiểu rằng nhân vật Ba Hơn của họ là Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, hội đồng Lịnh là hội đồng Trần Trinh Trạch. Thế nhưng với tôi là hoàn toàn không phải.”
“Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của phát triển, chúng ta huy động văn hóa lịch sử để làm kinh tế thì phải biết phát triển văn hóa, còn nếu làm hư hỏng văn hóa thì chúng ta thủ tiêu nguồn thu của mình, là "ăn xổi ở thì" với tâm hồn đất đai Bạc Liêu.”
(Nhà văn Phan Trung Nghĩa)
Nhà văn Phan Trung Nghĩa cũng cho rằng, nhân vật Công tử Bạc Liêu trong bộ phim có tên là Ba Hơn là “một gã choai choai, ca hát nhảy múa liên hồi... trong một câu chuyện huy động toàn bộ những giai thoại về thói ăn chơi của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy như: đốt tiền nấu chè, thi hoa hậu (việc này dính tới bản quyền của một nhà văn vì nó không phải là giai thoại mà do nhà văn sưu tầm), đi thăm ruộng bằng máy bay...”.
Hơn nữa, phim đã cắt bỏ những phần thể hiện sự nhân bản nhất trong cuộc đời Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Đó là Công tử Bạc Liêu là một người vui vẻ, phóng khoáng, lịch lãm sang trọng và ông rất nhân hậu. Là một người Tây học, trải nhiều khúc quanh lịch sử thăng trầm, từng là hội đồng trong chính quyền thuộc Pháp, kết giao với giới quý tộc, con nhà quyền quý... nên tư duy, cốt cách có chiều sâu nội tâm, sang trọng chứ không phải nhảy nhót như nhân vật Ba Hơn. Ngoài việc ăn chơi thì Ba Huy có nhiều đức tính đẹp. Khi được cha giao cai quản điền Bào Sàng, dân nghèo đến xin lúa ông đều cho hết. Bà con, láng giềng đến nhà, ông đều cho tiền mỗi lần tết nhứt, giỗ chạp.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa kể: Hồi kháng chiến chống Pháp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã mời ông lên đặt hai vấn đề: giảm tô giảm tức cho nông dân, ủng hộ cách mạng. Ba Huy sốt sắng làm ngay, ông không đi thu lúa ruộng mà mua vải vóc, thuốc men... ủng hộ mặt trận Việt Minh. Phần tốt đẹp này trên phim không có.
“Mặc dù nhân vật của phim tên Ba Hơn nhưng vì nó lấy giai thoại Công tử Bạc Liêu, di sản Công tử Bạc Liêu để làm phim nên rất dễ gây ngộ nhận, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo ra hiệu ứng làm méo mó hình ảnh nhân vật, hạ thấp giá trị văn hóa của Bạc Liêu.” – nhà văn của Bạc Liêu bày tỏ quan điểm. Ông cũng cho rằng: “Thú thật xem phim Công tử Bạc Liêu tôi rất chán, cứ xèo xèo đùng đùng bề nổi, thiếu một phút lắng lòng để gửi vào lòng khán giả một ít tâm tư, suy nghĩ như những tác phẩm nghệ thuật hay ho. Không thấy đời sống của Bạc Liêu vào đầu thế kỷ 20, ngay cả lời thoại cũng ít bắt gặp ngôn ngữ của thời điểm này.”
Công tử Bạc Liêu không phải là bộ phim đầu tiên về văn hóa, con người của vùng đất Nam Bộ gặp phải sự phản ứng của khán giả của chính vùng đất ấy. Điều này cho thấy dòng phim này vẫn là một thách thức với các nhà làm phim hiện nay.