Những kịch bản nào cho Chính phủ Pháp sắp tới?

Cuộc bầu cử mới đây của Pháp đã dẫn đến một 'quốc hội treo', với 3 khối riêng biệt và khó hợp tác với nhau. Mặc dù liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới giành chiến thắng với 182 ghế nhưng không có đa số tuyệt đối, gây ra sự không chắc chắn về cơ cấu của Chính phủ Pháp trong tương lai.

Trong vòng bầu cử quốc hội thứ hai của Pháp vào ngày 7/7, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) - một liên minh rộng rãi của đảng cực tả La France Insoumise (LFI), cùng với Đảng Xã hội, Đảng Xanh và Đảng Cộng sản Pháp - đã giành chiến thắng.

Điều này khiến NFP trở thành lực lượng chính trị lớn nhất trong Quốc hội Pháp, nhưng không có đa số tuyệt đối. Với 182 ghế cho liên minh cánh tả, 168 ghế cho phe trung dung của Tổng thống Macron và 143 ghế cho Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (RN), Quốc hội Pháp hiện được chia thành 3 khối riêng biệt.

Nước Pháp đang phải đối mặt với bối cảnh chính trị chưa từng có kể từ khi thành lập nền Đệ ngũ Cộng hòa vào năm 1958. Và dưới đây là những kịch bản có thể xảy ra với Chính phủ Pháp sắp tới.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Kịch bản 1: Sống chung với NFP

NFP có 182 ghế, trở thành nhóm nghị viện lớn nhất, nhưng vẫn chưa đạt được con số 289 ghế cần thiết để chiếm đa số trong Quốc hội Pháp gồm 577 ghế. Mặc dù không giành được đa số tuyệt đối, các nhà lãnh đạo liên minh NFP vẫn kêu gọi ông Macron bổ nhiệm một thủ tướng từ hàng ngũ của họ.

Ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo Đảng La France Insoumise (Nước Pháp bất khuất) theo đường lối cực tả, cho biết ông Macron "có nhiệm vụ kêu gọi Mặt trận Bình dân Mới lên nắm quyền".

Trong trường hợp bổ nhiệm thủ tướng thuộc Đảng NFP, nước Pháp sẽ bước vào giai đoạn được gọi là chung sống hòa bình – khi tổng thống mất đi thế đa số cầm quyền trong Quốc hội và buộc phải bổ nhiệm thủ tướng từ một đảng khác.

Được thành lập vội vã sau khi Quốc hội giải tán, NFP hiện đang phải đối mặt với thách thức là quyết định chọn người làm thủ tướng. Các cuộc thảo luận đã bắt đầu vào tối 7/7.

Nếu một chính phủ do NFP lãnh đạo được thành lập, họ có thể cố gắng thúc đẩy luật thông qua Quốc hội bằng sắc lệnh. Hiến pháp Pháp cho phép thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu, một thủ tục từng bị cả cánh hữu và cánh tả phản đối khi được ông Macron sử dụng, đặc biệt kế hoạch cải cách lương hưu.

Kịch bản 2: Thủ tướng Attal đứng đầu chính phủ lâm thời

Sau khi đảng của ông Macron thất bại hôm 7/7, Thủ tướng Attal tuyên bố sẽ đệ đơn từ chức theo truyền thống. Tuy nhiên, đơn từ chức của ông đã bị ông Macron từ chối vì "sự ổn định của đất nước".

Ông Attal vẫn sẽ là Thủ tướng trong một thời gian không xác định. Ông đã nói rằng đã chuẩn bị ở lại "miễn là nhiệm vụ yêu cầu", bao gồm cả trong Thế vận hội Olympic, bắt đầu vào ngày 26/7.

Kịch bản 3: Liên minh theo kiểu Đức

Kịch bản khác là một "liên minh lớn" giữa các nhóm chính trị khác nhau sẽ được hình thành. Đây là sự kiện thường xuyên xảy ra ở các nền dân chủ nghị viện như Đức và Ý. Tuy nhiên, cách tiếp cận đồng thuận này chưa bao giờ được áp dụng ở nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp.

Ý tưởng này cũng vấp phải phản đối ở cả hai bên. Vào tối 7/7, cả nhà lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure và lãnh đạo Mélenchon của LFI đều lặp lại sự phản đối của họ đối với lựa chọn này, nói rằng họ phản đối "một liên minh của những phe đối lập".

Đảng của ông Macron cũng nhiều lần loại trừ bất kỳ khả năng liên minh nào với Đảng LFI – đảng lãnh đạo của liên minh cánh tả với 74 ghế đại diện.

Ý tưởng về một liên minh giữa phe trung dung và phe bảo thủ dường như cũng không có khả năng xảy ra.

Kịch bản 4: Một chính phủ thiểu số

Về mặt lý thuyết, một chính phủ có thể được bổ nhiệm mà không cần đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp.

Hai chính phủ trước, dưới thời Thủ tướng Borne và Attal từ năm 2022 - 2024, chỉ có đa số tương đối là 246 ghế trong số 577 ghế (chiếm 43% số ghế) tại Quốc hội. Phe trung dung của ông Macron có thể nắm quyền vì phe đối lập ở cả cánh hữu và cánh tả đều không thể hợp lực để giành chiến thắng.

Về mặt lý thuyết, NFP có thể thành lập một chính phủ thiểu số, nhưng sẽ cần sự ủng hộ ngầm của các đại diện được bầu của các đảng phái chính trị khác. Đảng của Tổng thống Macron cũng có thể thành lập một chính phủ mới nhưng sẽ phải đối mặt với yêu cầu tương tự.

Trong mọi trường hợp, một chính phủ thiểu số như vậy sẽ phải tồn tại cùng với rủi ro liên tục từ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội, điều có thể buộc thủ tướng phải từ chức. Chính phủ sẽ phải điều hành một cách khó khăn và buộc phải tìm kiếm đa số cho mỗi dự luật.

"Một chính phủ thiểu số có thể hoạt động nếu không quá xa so với đa số. Nhưng sau đó phải có một thỏa thuận ngầm với các lực lượng chính trị khác", chuyên gia luật hiến pháp Didier Maus lưu ý.

Kịch bản 5: Một chính phủ 'kỹ trị'

Nếu tình hình vẫn bế tắc, có thể cần phải bổ nhiệm một chính phủ "kỹ trị". Điều này sẽ bao gồm việc bổ nhiệm các bộ trưởng phi đảng phái – các chuyên gia kỹ trị – để quản lý công việc hàng ngày của chính phủ và thực hiện các cải cách đồng thuận. Điều này chưa bao giờ được thử nghiệm dưới nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp.

Các chính phủ "kỹ trị" từng được áp dụng ở Ý, đặc biệt là với Thủ tướng Mario Draghi trong giai đoạn 2021 - 2022. Nhưng giải pháp này thường chỉ mang tính ngắn hạn. Sẽ rất khó để một chính phủ như vậy có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian dài nếu không có tính hợp pháp từ hòm phiếu.

Kịch bản 6: Tổng thống Macron từ chức

Sau khi ông Macron kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 9/6, việc quay lại bỏ phiếu để làm rõ tình hình chính trị là điều không thể trong năm tới, theo Hiến pháp Pháp. Nhiệm kỳ của Quốc hội mới sẽ tiếp tục ít nhất cho đến mùa hè năm 2025.

"Nếu không có đa số, giải pháp cho bế tắc là ông Emmanuel Macron phải từ chức", ông Mélenchon nói trước vòng bỏ phiếu thứ hai. "Điều đó là bình thường, ông ấy là người chịu trách nhiệm cho sự hỗn loạn này".

Việc Tổng thống Macron từ chức có vẻ rất khó xảy ra. Một ngày sau khi ông giải tán Quốc hội Pháp để kêu gọi bầu cử sớm, ông tuyên bố sẽ vẫn tại vị "bất kể kết quả" của cuộc bỏ phiếu.

Ngọc Ánh (theo France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-kich-ban-nao-cho-chinh-phu-phap-sap-toi-post302743.html
Zalo