Những khung hình tri ân trên quê hương Bác

Tối 12.5, tại Nhà hát Dân ca Nghệ An (TP Vinh), Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025) đã chính thức khai mạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động điện ảnh đầy xúc cảm trên chính quê hương của Người.

Tuần phim do Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An tổ chức, mang đến cho công chúng những tác phẩm điện ảnh quý giá, không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi tới vị lãnh tụ kính yêu.

Mỗi thước phim là một lát cắt chân thực về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian lắng đọng của Nghệ thuật thứ bảy, người xem như được sống lại những ký ức hào hùng, được tiếp thêm nguồn cảm hứng từ một nhân cách lớn, một tâm hồn vĩ đại.

Tái hiện những dấu mốc trong hành trình vĩ đại của Người

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Trần Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) khẳng định: Tuần phim không chỉ là sự kiện văn hóa - nghệ thuật có ý nghĩa trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2025, mà còn là một hoạt động chính trị - tư tưởng sâu sắc, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước và khát vọng đi lên.

“Thông qua nghệ thuật điện ảnh, sự kiện góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ trách nhiệm công dân và niềm tin vào con đường phát triển của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng”, bà Trần Phương Lan nhấn mạnh.

Những bộ phim được chọn chiếu là những công trình nghệ thuật công phu, nghiêm túc về đề tài lãnh tụ, danh nhân, chiến tranh cách mạng - một mảng đề tài mang lại nhiều cảm hứng sáng tạo, đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng dành được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhất là trong thời gian gần đây.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Đặng Trần Cường cho biết, thông qua những bộ phim giàu cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đề tài chiến tranh cách mạng, BTC mong muốn góp phần làm sâu sắc hơn nữa nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tấm gương đạo đức, lối sống, tư tưởng vĩ đại của Người.

Đây cũng là dịp để khẳng định vai trò tiên phong của nghệ thuật điện ảnh trong sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử trong đời sống đương đại.

Chia sẻ về Bác, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh xúc động cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người yêu nghệ thuật. Bác từng căn dặn: “Điện ảnh là một ngành nghệ thuật quan trọng, có tác dụng to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chính vì vậy, Tuần phim là sự kiện có ý nghĩa chính trị - văn hóa sâu sắc, không chỉ tái hiện sinh động những dấu mốc quan trọng trong hành trình vĩ đại của Bác mà còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cùng suy ngẫm, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

BTC tặng hoa các đoàn phim, nghệ sĩ tham gia Tuần phim

BTC tặng hoa các đoàn phim, nghệ sĩ tham gia Tuần phim

Hồ Chí Minh trong trái tim nghệ sĩ

Khai màn với tác phẩm Vầng trăng thơ ấu của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, bộ phim do Nhà nước đặt hàng, CTCP Phim Giải Phóng sản xuất, công chúng yêu điện ảnh trên quê hương Bác đã được quay về những năm tháng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kinh thành Huế, nơi đã hun đúc tinh thần nhân ái, ý chí tự lập và tư tưởng khai sáng, những giá trị cốt lõi làm nên nhân cách, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, tác phẩm Những nét vẽ từ trái tim do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất đã mang đến cho người xem những xúc cảm sâu lắng, chân thành và thiêng liêng.

Không cần những cảnh quay hoành tráng hay lời thoại cầu kỳ, bộ phim chạm tới trái tim khán giả bằng những hình ảnh hội họa dung dị mà thấm đẫm tình yêu nước, thể hiện qua lăng kính nghệ thuật của các họa sĩ đã dành cả cuộc đời để khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm bất hủ như: Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của cố họa sĩ Văn Giáo, người đã từng theo sát Bác để bắt trọn thần thái, phong cách và tinh thần của Người qua từng nét cọ; bức chân dung vẽ bằng máu của họa sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Duy Ứng giữa chiến khu Đồng Tháp Mười, nơi ông cùng họa sĩ Diệp Minh Châu viết nên bức “huyết thư hội họa” xúc động: “Kính gửi Cha của con” và hành trình trọn đời của họa sĩ Trần Xuân Phúc, người kiên định đi theo một đề tài duy nhất: Vẽ Bác Hồ.

Tác phẩm không chỉ là lời tri ân, mà còn là một hành trình ngược dòng thời gian, đưa khán giả đến gần hơn với những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh, nơi tình yêu, lòng biết ơn và lý tưởng sống của các họa sĩ hội tụ thành hình ảnh vị Bác Hồ kính yêu trong tâm khảm dân tộc.

Biên kịch Nguyễn Mai Anh chia sẻ: “Viết kịch bản Những nét vẽ từ trái tim là hành trình thiêng liêng và đầy cảm xúc. Mỗi họa sĩ vẽ Bác đều gửi gắm một phần hồn dân tộc, một phần khát vọng được sống tử tế và cống hiến”.

Còn đạo diễn Nguyễn Tú Đức, một người trẻ tuổi nhưng đầy tâm huyết, xúc động bày tỏ: “Làm phim về Bác là thử thách lớn. Giữ được sự chân thật mà vẫn tôn kính là điều chúng tôi luôn trăn trở. Nhưng đó cũng là niềm vinh dự lớn lao, nhất là khi bộ phim được trình chiếu trên chính quê hương của Người”.

Cũng trong khuôn khổ Tuần phim, Cục Điện ảnh tổ chức Chương trình giao lưu giữa các nghệ sĩ từng đảm nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh, các nghệ sĩ của đoàn phim Vầng trăng thơ ấu; Đào, Phở và Piano; Những nét vẽ từ trái tim với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu IV (13.5) và với cán bộ, giảng viên, sinh viên tại Trường Đại học Vinh (14.5).

Đoàn nghệ sĩ sẽ đến tham quan và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, tham quan di tích lịch sử Đền Vua Quang Trung…

Các suất chiếu phục vụ miễn phí người dân, cán bộ chiến sĩ và học sinh, sinh viên được tổ chức tại nhiều địa điểm: Nhà hát Dân ca Nghệ An, Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu IV), Trường Đại học Vinh...

PHƯƠNG ANH - PHẠM NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/nhung-khung-hinh-tri-an-tren-que-huong-bac-134514.html
Zalo