Những khu vực nắng nóng chạm ngưỡng 40 độ hôm nay
Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... xuất hiện nắng nóng gay gắt, có nơi nền nhiệt đạt mức 40 độ, cùng với độ ẩm trong không khí thấp gây nóng bỏng rát, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi tiếp xúc và làm việc ngoài trời.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 8/5, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biển 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ như: Phù Yên (Sơn La) 39.4 độ, Quỳ Châu (Nghệ An) 40.0 độ,… Độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 50-55%.

Nắng nóng bỏng rát, nhiều khu vực có mức nhiệt chạm ngưỡng 40 độ C. Ảnh: Tuấn Anh
Ngày 9/5, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Ở phía Đông Bắc Bộ (ngoại trừ khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng) có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50- 55%.

Những khu vực có nhiệt độ cao nhất ngày 8/5.
Từ ngày 10/5 nắng nóng diện rộng kết thúc ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Giới chuyên gia khí hậu nhận định, việc xuất hiện nhiều đợt nắng nóng cực đoan là tín hiệu rõ rệt cho thấy biến đổi khí hậu. Đợt nắng nóng kéo dài hiện nay một lần nữa nhấn mạnh tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các nghiên cứu khí hậu đã chỉ ra, số ngày nắng nóng cực đoan tại Việt Nam có xu hướng gia tăng trong vòng 50 năm qua. Nếu không kiểm soát được lượng khí nhà kính, các đợt nắng nóng như hiện tại có thể trở nên thường xuyên và kéo dài hơn trong tương lai.
Việc nền nhiệt liên tục duy trì ở mức cao gây ra hàng loạt hệ lụy đáng lo ngại. Đầu tiên là tác động đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và người lao động ngoài trời – nhóm đối tượng dễ bị say nắng, đột quỵ nhiệt hoặc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp.
Tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng không chỉ là vấn đề thời tiết ngắn hạn mà phản ánh rõ xu thế dài hạn về biến đổi khí hậu. Trước thực tế này, cần đẩy mạnh các giải pháp giảm phát thải, tăng cường phủ xanh đô thị, tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng lực cảnh báo sớm. Đồng thời, từng người dân cũng cần chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh tiếp xúc với ánh nắng gay gắt vào giờ cao điểm và bổ sung đầy đủ nước, dinh dưỡng trong những ngày nhiệt độ cao kỷ lục.