Những khoảng tối tại V-League 2024-2025
V-League 2024-2025 bước vào lượt về với nhiều kịch tính và hấp dẫn từ cuộc đua vô địch lẫn tranh nhau thoát xuống hạng. Tuy nhiên, công tác trọng tài và cơ sở vật chất phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh của giải đấu.
Những câu chuyện mới mà cũ
V-League 2024-2025 đã đi qua 14 vòng đấu với nhiều trận cầu hấp dẫn, tạo hứng khởi cho người hâm mộ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu chuyện “mới mà cũ” xuất hiện mang đến hình ảnh không đẹp cho bóng đá Việt Nam.
Trải qua 13 trận đấu của lượt đi, 1 trận của lượt về, hình ảnh mang đến nỗi buồn cho khán giả là những mặt sân thi đấu không đảm bảo chất lượng, từ việc sân Mỹ Đình bị các HLV trưởng đội khách phàn nàn cho đến các sân có mặt cỏ xấu của Hà Tĩnh, Bình Định…

Mặt cỏ sân Mỹ Đình của Thể Công Viettel bị các HLV trưởng phàn nàn về chất lượng cỏ. Ảnh: Ngọc Tú
Nhìn vào những tồn tại cũng như kiểm tra trực tiếp tại các mặt sân, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gửi công văn nhắc nhở 2 CLB Hà Tĩnh và Bình Định vì để sân thi đấu xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, hai sân Hà Tĩnh và sân Quy Nhơn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn thi đấu của V-League như: chất lượng mặt sân không tốt, cỏ rất thưa, không đều, mấp mô, mặt sân lầy, gây ảnh hưởng đến chuyên môn thi đấu vào hình ảnh chung của giải đấu. Điều này buộc VPF phải lên tiếng và yêu cầu hai đội bóng tạm thời dừng mọi hoạt động tập luyện để bảo dưỡng mặt sân.
Được biết, phía VPF đưa ra quãng thời gian là 1 tuần để hai CLB cải thiện trước khi VPF tiến hành đánh giá. Nếu không đáp ứng yêu cầu, Hà Tĩnh và Bình Định phải đăng ký tạm thời một sân thi đấu khác đủ tiêu chuẩn, được Ban Tổ chức giải chấp thuận cho đến khi sân chính được khắc phục.
Mới nhất, phía VPF đã có buổi kiểm tra, đánh giá hai sân vẫn không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, hai CLB tiếp tục xin gia hạn thêm 3 ngày. VPF chấp thuận và sẽ đưa ra kết luận cuối, lần lượt vào hôm nay (24/2) với sân Hà Tĩnh và ngày mai (25/2) với sân Quy Nhơn.
Nhìn vào thực tế cho thấy, hai đội bóng đều không thể đáp ứng yêu cầu mà VPF đặt ra. Vì vậy, cả hai đội đối mặt với nguy cơ không thể thi đấu trên sân nhà ở vòng 15 vào ngày 28/2 và 1/3. Được biết, Hà Tĩnh dự tính thuê sân Vinh của SLNA làm sân nhà tạm thời trong cuộc đối đầu với Thanh Hóa tại vòng 15 vào ngày 28/2. Trong khi đó, Bình Định có thể phải chọn sân Pleiku của HAGL để tiếp Bình Dương vào ngày 1/3.
Ngoài việc mặt sân không đảm bảo, V-League 2024-2025 cũng hứng chịu nhiều tai tiếng trong công tác trọng tài. Những sai sót của trọng tài khiến các CLB không thể ngồi yên, những công văn phàn nàn buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải lên tiếng thừa nhận.
Một lần nữa lại dấy lên hoài nghi về năng lực của "vua áo đen" và chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện, tăng cường chuyên môn trọng tài Việt Nam, dù VFF và VPF liên tục tổ chức triển khai công tác tập huấn cho giám sát, trọng tài để rà soát lực lượng, chuẩn bị trước thềm các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam.
Để V-League ngày càng chuyên nghiệp hơn
Vấn đề sân xuống cấp, mặt cỏ thi đấu không bảo đảm và công tác trọng tài sai sót không còn là câu chuyện mới của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, nhiều năm qua công tác trọng tài tại Việt Nam luôn là vấn đề nóng. Những quyết định gây tranh cãi của người cầm còi mùa giải nào cũng có, thậm chí có thời điểm giới mộ điệu còn gọi là “vấn nạn”.
Trên thực tế, sai lầm của trọng tài là điều không thể tránh khỏi, các giải đấu hàng đầu thế giới như ở Anh, Tây Ban Nha, Pháp… cũng xảy ra nhưng việc sai liên tục theo “hệ thống” cũng cần nên xem xét lại.
Trong khi đó, việc cơ sở vật chất xuống cấp là điều không thể chấp nhận khi đây là yếu tố tiên quyết để có thể vận hành cũng như thi đấu đối với bất cứ đội bóng nào. Ở các mùa giải trước, Ban Tổ chức phần nào có thể hiểu và đồng cảm, tìm giải pháp khắc phục nhưng ở mùa giải năm nay đã nghiêm khắc và quyết liệt hơn. Rõ ràng, việc sát sao và quyết liệt mang đến tích cực trong việc ảnh hưởng đến hình ảnh của giải đấu.
Bóng đá Việt Nam bước sang hơn 20 năm lên chuyên nghiệp, những cột mốc được thiết lập nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Nhìn chung, V-League đã hấp dẫn khi VAR được sử dụng, các đội có sự đầu tư về chất lượng cầu thủ. Dù vậy, hình ảnh các sân không đảm bảo và công tác trọng tài càng khiến các khán đài vắng khán giả nay càng vắng hơn.
Theo thống kê của Ban Tổ chức, ngoài sân Thiên Trường và sân Lạch Tray còn sức hút trên 6.000 khán giả/trận thì các sân còn lại hiếm khi leo lên con số 5.000 khán giả/trận. Thậm chí có những sân chỉ có hơn 2.000 khán giả, điều nay cho thấy khán giả đắn đo và chưa hứng thú với giải đấu hàng đầu Việt Nam.