Những khó khăn của Mỹ trong việc giải quyết xung đột tại Trung Đông
Nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông đang phải đối mặt với những khó khăn lớn khi thời gian cạn dần đối với Tổng thống Joe Biden.
Gần một năm trôi qua kể từ khi xung đột bùng nổ tại Gaza, các nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn vẫn chưa thành công. Trong khi đó, phiến quân Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn tiếp tục gây ra các vụ tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, còn căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện trong khu vực.
Theo giới phân tích, khủng hoảng tại Trung Đông có thể làm xấu đi các "di sản" chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden nếu không được giải quyết triệt để trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1. Trong suốt năm qua, nhã lãnh đạo Mỹ đã cố gắng cân bằng việc bảo vệ quyền tự vệ của Israel trước Hamas và Hezbollah, đồng thời hạn chế thương vong dân sự và ngăn chặn một cuộc chiến tranh lớn hơn ở Trung Đông. Tuy nhiên, chính quyền của ông liên tục gặp phải những trở ngại đáng kể, đặc biệt là từ phía Israel.
Mới đây, chính quyền Biden đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày giữa Israel và Lebanon với hy vọng giảm căng thẳng và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Israel từ chối. Thay vào đó, quốc gia của người Do Thái tiếp tục tiến hành các cuộc không kích, gây thương vong lớn cho người dân Lebanon.
Jonathan Panikoff, cựu Phó giám đốc tình báo quốc gia Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông, nhận định việc Israel từ chối đề xuất này cho thấy “giới hạn quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ” trong khu vực, khi Washington không thể gây sức ép hiệu quả lên các đồng minh của mình như Israel.
Một điểm đáng chú ý trong chính sách của Tổng thống Biden là sự thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy ngoại giao mạnh mẽ của Washington đối với Israel. Dù Mỹ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và là lá chắn ngoại giao chủ chốt của Israel tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Biden vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuân theo hướng dẫn từ Washington. Điều này được thể hiện rõ qua sự thất bại trong việc đàm phán một thỏa thuận chấm dứt giao tranh giữa Israel và Hamas, cũng như việc giải cứu các con tin bị bắt giữ sau vụ tấn công xuyên biên giới hồi tháng 10 năm ngoái.
Mỹ có thể gây áp lực mạnh mẽ hơn nhờ vào mối quan hệ đặc biệt với Israel, song chính quyền Biden dường như đã không tận dụng tối đa khả năng này, dẫn đến những khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu ngoại giao quan trọng.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã thực hiện 9 chuyến thăm tới khu vực kể từ khi xung đột nổ ra, song sự đồng thuận giữa Mỹ và các lãnh đạo Israel vẫn chưa được thiết lập. Một ví dụ tiêu biểu là khi ông Blinken kêu gọi Israel tạm dừng chiến dịch quân sự tại Gaza để cho phép viện trợ nhân đạo đến với người dân Palestine, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ngay lập tức bác bỏ lời kêu gọi này trong một tuyên bố trên truyền hình, khẳng định Israel sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự với “toàn lực”. Sự bất đồng này cho thấy những thách thức mà chính quyền Biden phải đối mặt trong việc điều phối các hành động của Israel, ngay cả khi lợi ích nhân đạo và sự ổn định của khu vực đang bị đe dọa.
Uy tín của Mỹ bị thử thách
Tổng thống Biden đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các đồng minh phương Tây về việc khôi phục các liên minh quan trọng, bao gồm NATO và các đối tác châu Á, sau giai đoạn căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, sự can thiệp của ông vào cuộc xung đột ở Gaza lại gây ra nhiều nghi ngờ từ cộng đồng ngoại giao quốc tế. Một quan chức phương Tây thậm chí nhận định rằng sai lầm của ông Biden nằm ở tuyên bố rằng Mỹ sẽ "luôn ủng hộ Israel bất kể điều gì xảy ra", khiến vị thế của Washington trên trường quốc tế bị suy yếu.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đã phản bác lại những chỉ trích này, khẳng định rằng ngoại giao của họ đã giúp ngăn chặn xung đột Gaza lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực. Tuy nhiên, một số chuyên gia, như Jonathan Panikoff, bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch thay thế rõ ràng khi chiến lược ban đầu không mang lại kết quả như mong đợi.
Thách thức đối với người kế nhiệm
Xung đột tại Lebanon đang diễn biến phức tạp khi Israel đe dọa tiến hành các cuộc tấn công lớn hơn vào nhóm vũ trang Hezbollah, trong khi hàng ngàn người dân phía bắc Israel đã được sơ tán. Nếu tình hình tiếp tục leo thang, không chỉ chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden bị ảnh hưởng, mà cả chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris cũng có thể đối mặt với khó khăn. Một số cử tri Dân chủ tiến bộ đã bày tỏ sự không hài lòng với cách chính quyền Mỹ xử lý xung đột, đặc biệt là lập trường ủng hộ Israel.
Trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa là nhiệm kỳ của Tổng thống Biden kết thúc, ông có thể tránh được những chỉ trích lớn vì tiếp tục nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng, những cuộc khủng hoảng hiện tại ở khu vực này sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm. Đây sẽ là một thách thức đáng kể cho chính quyền mới của Mỹ.
Việc đối phó với các cuộc xung đột kéo dài và ngày càng phức tạp ở Trung Đông sẽ đòi hỏi một chiến lược rõ ràng và hiệu quả hơn, điều mà nhiều người cho rằng chính quyền Biden chưa thực sự đạt được.