Những kẽ hở trong cơ chế bán hàng miễn thuế của Nhật Bản
Hệ thống miễn thuế tiêu dùng không chỉ có mặt tích cực. Có không ít khách du lịch quốc tế lợi dụng hệ thống này, trong đó có những trường hợp mua hàng với mục đích bán lại và 'né' thuế tiêu dùng.
Năm 2024 là một năm bùng nổ của ngành du lịch Nhật Bản. Theo tạp chí JB Press, tận dụng lợi thế từ việc đồng yen giảm giá, số lượng người nước ngoài đến Nhật Bản với mục tiêu “mua hàng Nhật giá rẻ” đã tăng mạnh, vượt mốc 30 triệu người, mức cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê vào năm 1964. Vấn đề miễn thuế cho khách du lịch quốc tế cũng đã trở thành một chủ đề nóng.
Các cửa hàng miễn thuế tăng gấp 10 lần trong 10 năm gần đây
Sau đó, hệ thống được mở rộng dần để phát triển ngành du lịch. Các mặt hàng được miễn thuế dần nhiều hơn, bao gồm cả các sản phẩm tiêu dùng (năm 2014) và số tiền tối thiểu để được miễn thuế cũng đã được giảm từ 10.000 yen (63,94 USD) xuống còn 5.000 yen (năm 2017), với tổng cộng 7 lần nới lỏng các điều kiện và mở rộng hệ thống.
Số lượng các cửa hàng miễn thuế tại Nhật Bản đã tăng lên mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây, nhờ các cải cách trong hệ thống. Vào năm 2012, toàn quốc chỉ có 4.173 cửa hàng miễn thuế, nhưng đến năm 2022, con số này đã lên đến 52.227 cửa hàng, tăng hơn 10 lần chỉ trong vòng 10 năm.
Chỉ trong 6 tháng từ tháng 3-9/2023, khoảng 3.000 cửa hàng bán lẻ mới đã trở thành cửa hàng miễn thuế. Đặc biệt, ngay cả các khu vực ngoài đô thị cũng đã chứng kiến sự gia tăng đồng đều của các cửa hàng miễn thuế, ví dụ tỉnh Shimane có ít nhất 88 cửa hàng.
Tiêu dùng của khách du lịch quốc tế đạt 5.300 tỷ yen
Mặt trái của vấn đề
Hệ thống miễn thuế tiêu dùng không chỉ có mặt tích cực. Có không ít khách du lịch quốc tế lợi dụng hệ thống này, trong đó có những trường hợp mua hàng với mục đích bán lại và “né” thuế tiêu dùng.
Một ví dụ nổi bật gần đây liên quan đến việc truy thu thuế đối với Apple Japan, chi nhánh Nhật Bản của Apple, là một trường hợp điển hình. Trong hai năm tính đến tháng 9/2021, Apple Japan đã bị truy thu khoảng 14 tỷ yen thuế tiêu dùng. Tại các cửa hàng chính hãng của Apple, nhiều khách hàng người Trung Quốc đã lặp đi lặp lại việc mua Iphone và các sản phẩm khác với hình thức miễn thuế.
Thuế tiêu dùng là thuế đánh vào việc tiêu dùng trong nước và nguyên tắc là không áp dụng thuế khi hàng hóa được tiêu dùng ở nước ngoài. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được bán lại trong nước hoặc được mang ra nước ngoài với mục đích bán lại, giao dịch miễn thuế sẽ không được công nhận.
Sau cuộc điều tra, Cục Thuế Tokyo đã phát hiện tại các cửa hàng chính hãng của Apple ở Nhật Bản, có nhiều giao dịch mua bán rõ ràng có dấu hiệu của việc bán lại trong nước. Tổng giá trị của các giao dịch này lên tới khoảng 1.400 tỷ yen và những giao dịch này không đáp ứng các yêu cầu miễn thuế. Theo các báo cáo, số tiền truy thu thuế tiêu dùng từ các giao dịch miễn thuế này là vụ việc lớn nhất từ trước đến nay.
Cuộc điều tra của Cục Thuế Tokyo cho biết có trường hợp một người mua hàng trăm chiếc Iphone miễn thuế. Giá iPhone ở Nhật Bản thấp hơn so với các quốc gia khác và những người mua đã trả một phần thù lao cho khách du lịch quốc tế để nhờ họ mua hàng miễn thuế sau đó bán lại ở nước ngoài để kiếm lợi nhuận.
Ngoài Iphone, còn có các sản phẩm như mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của thương hiệu nổi tiếng cũng được mua miễn thuế và bán lại trong nước, nhằm thu lợi từ khoản chênh lệch thuế tiêu dùng.
Khi khách du lịch quốc tế rời Nhật Bản, họ sẽ phải chịu kiểm tra các mặt hàng mua miễn thuế và nếu không thể xuất trình các mặt hàng này, họ sẽ bị yêu cầu nộp thuế tiêu dùng. Theo kết quả kiểm tra của Cục Kiểm toán Nhật Bản, trong năm tài chính 2023, tại sân bay Haneda và Narita, đã có 9 người mua hàng miễn thuế trị giá hơn 100 triệu yen tại Nhật Bản nhưng không thể chứng minh các sản phẩm này được mang khỏi Nhật Bản. Tổng giá trị mua sắm của 9 người này cho đến thời điểm kiểm tra lên đến khoảng 3,4 tỷ yen. Do các nhân viên hải quan không thực hiện thủ tục thu thuế, kết quả là Nhật Bản đã thất thu 340 triệu yen thuế tiêu dùng.
Các nghi ngờ đang được đặt ra rằng những người này có thể đã bán lại các sản phẩm mua miễn thuế cho các nhà buôn trong nước và thu lợi từ khoản chênh lệch. Không chỉ có vậy, tại cả hai sân bay, đã có 367 trường hợp vào năm 2022 mà khách du lịch quốc tế không mang theo hàng hóa miễn thuế khi xuất cảnh, dẫn đến việc thu thuế tiêu dùng bổ sung đối với họ.
Ở một số quốc gia khác, để ngăn chặn việc bán lại trái phép, các mặt hàng miễn thuế không được bán trực tiếp tại các cửa hàng trong thành phố. Thay vào đó, họ áp dụng phương thức hoàn thuế khi khách du lịch rời khỏi quốc gia và xác nhận rằng họ mang theo hàng hóa, sau đó sẽ hoàn trả thuế. Tuy nhiên, Nhật Bản không áp dụng phương thức này.
Có thể nói, những kẽ hở trong hệ thống miễn thuế của Nhật Bản đã bị lợi dụng. Theo ước tính của một viện nghiên cứu tại Nhật Bản, số vụ gian lận thuế tiêu dùng kiểu này trong năm tài chính 2022 đã lên đến gần 1.000 vụ, và tổng số tiền truy thu thuế lên tới khoảng 15 tỷ yen.
Khắc phục thất thu thuế bằng phương thức hoàn thuế
Hệ thống miễn thuế tiêu dùng cho khách du lịch quốc tế vẫn đang trong quá trình cải cách không ngừng. Các cải cách trước đây chủ yếu nhằm mục đích tăng số lượng khách du lịch, và cơ bản là theo hướng nới lỏng nhưng một dự luật mới được thảo luận sẽ có những thay đổi.
Chính phủ và các đảng cầm quyền đã quyết định sẽ tiến hành cải cách thuế trong năm tài chính 2025, sẽ áp dụng phương thức hoàn thuế khi khách du lịch xuất cảnh. Để áp dụng phương thức hoàn thuế, sẽ cần cải tiến hệ thống, vì vậy dự kiến phương thức này sẽ được triển khai từ năm tài chính 2026.
Nếu phương thức hoàn thuế được áp dụng, việc mua hàng với mục đích bán lại sẽ có thể được ngăn chặn, và tình trạng thất thu thuế tiêu dùng sẽ được khắc phục dù ảnh hưởng phần nào đến số lượng khách du lịch nước ngoài chọn Nhật Bản là điểm đến lý tưởng của mua sắm.