Những hành trình vòng quanh thế giới mang dấu ấn phụ nữ
Chuyến đi của Alford bắt đầu vào tháng 9/2023 tại Nice (Pháp). Đây cũng chính là nơi bà Aloha Wanderwell đã khởi hành cách đây 100 năm.
Đi thuyền một mình vòng quanh thế giới
Tháng 3/2024, cô Cole Brauer (29 tuổi) đã trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng thuyền. Với chiều cao 1,6m, nặng 45kg, cô phải điều khiển chiếc thuyền buồm dài hơn 12m, vượt qua quãng đường khoảng 48.280km để hoàn thành thử thách một mình đi vòng quanh thế giới bằng thuyền. "Tất cả công sức đều xứng đáng khi bạn tham gia hành trình. Ngồi trên mũi tàu, phóng tầm mắt ra xa, bạn thấy cảnh biển thật hùng vĩ. Tôi đã có những giây phút tuyệt vời", Brauer chia sẻ.
Cô Brauer bắt đầu hành trình vào ngày 29/10/2023, đi dọc bờ biển phía Tây châu Phi tới Úc và vòng quanh mũi Nam Mỹ trước khi quay trở lại Tây Ban Nha. Trong chuyến đi, Brauer có thể giữ liên lạc thường xuyên với các thành viên nhóm trợ giúp khẩn cấp, đồng thời, giải trí bằng cách xem phim và gọi điện thoại video với gia đình thông qua vệ tinh Starlink.
Người tổ chức cuộc đua Marco Nannini cho biết, đi thuyền một mình không chỉ phải điều khiển con thuyền mà còn phải làm hết các công việc như lên lịch trình, sửa chữa tàu, hiểu về thời tiết, duy trì sức khỏe thể chất... "Đó là cuộc đua mệt mỏi. Có người va phải thứ gì đó khiến thuyền bị ngập, có người phải bỏ tàu sau khi gặp cơn bão khiến cột buồm bị gãy. Đã có hơn một nửa số người tham gia phải bỏ cuộc. Tài sản lớn nhất trong chuyến đi là sức mạnh tinh thần của bạn chứ không phải thể chất. Brauer đã cho mọi người thấy điều đó", Nannini nói.
Trong hành trình kéo dài hơn 4 tháng, cô Brauer phải vòng qua Cape Horn của Nam Mỹ, nơi Đại Tây Dương và Thái Bình Dương gặp nhau. Việc đi qua nơi đây thường được ví như việc leo lên đỉnh Everest bởi sự khó khăn khi phải đối mặt với những cơn bão nguy hiểm. Vùng nước lạnh giá cùng những tảng băng trôi, thời tiết khắc nghiệt khiến khu vực này được mệnh danh là "nghĩa địa của tàu thuyền". Khi đi qua nơi này, chiếc thuyền của Brauer bắt đầu gặp trục trặc với chế độ lái tự động. Cơn bão và những con sóng cao hơn 9m khiến con thuyền chao đảo, làm Brauer văng ra xa, bị thương ở xương sườn. Mọi người lo ngại rằng, cô sẽ phải cập cảng và từ bỏ chuyến đi. Thế nhưng, Brauer đã tự sơ cứu, thực hiện những sửa chữa cần thiết cho chiếc thuyền để tiếp tục ra khơi.
Sau 130 ngày, cô đã cập bến tại A Coruna (Tây Ban Nha), trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên tự mình đi thuyền vòng quanh thế giới. "Thật tuyệt vời khi tôi đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới bằng thuyền. Nhiều người đã hoài nghi về khả năng và phản đối tôi tham gia cuộc đua. Họ coi thường tôi, thậm chí dè bỉu tôi bởi ngoại hình nhỏ bé lại muốn chinh phục biển cả bao la. Tôi thực sự muốn mọi người hiểu rằng, những lời chê bai sẽ mãi ở phía sau nếu bạn luôn tiến về phía trước. Lạc quan và cố gắng hết sức mình, bạn sẽ làm được nhiều điều mà bạn không ngờ tới", Brauer khẳng định.
Đi xe điện xuyên lục địa
100 năm trước, Aloha Wanderwell (người Canada) đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lái xe vòng quanh thế giới trên chiếc Ford Model T. Bà được mệnh danh là "Amelia Earhart của làng xe hơi". Bà đã dành 7 năm để chu du thế giới bắt đầu từ năm 1921, thời điểm cả thế giới đang giữ thái độ chống đối với cả xe hơi và phụ nữ. Bà đã đi 288.000 km, thăm tổng cộng 80 quốc gia và trở thành một nhà thám hiểm nổi tiếng nhờ một loạt tài liệu mà bà đã thực hiện về những chuyến đi của mình.
Vì lẽ đó, việc cô Alexis Alford, người Mỹ, thực hiện chuyến đi tương tự với Ford Explorer EV mang nhiều ý nghĩa. Khi hành trình kết thúc vào tháng 3/2024, Alford trở thành người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe điện.
Chuyến đi của Alford bắt đầu vào tháng 9/2023 tại Nice (Pháp). Đây cũng chính là nơi bà Aloha Wanderwell đã khởi hành cách đây 100 năm. Sau đó, Alexis Alford đi đến Ý, Thổ Nhĩ Kỳ rồi Tbilisi ở Georgia. Chặng châu Phi bắt đầu ở Cape Town (Nam Phi) và tiến về phía Bắc đến Zimbabwe. Lục địa thứ ba trong hành trình của Alford là Úc, nơi cô đi từ Adelaide đến Melbourne, sau đó đến Sydney. Hành trình châu Á bắt đầu ở New Delhi (Ấn Độ) rồi đến Bhutan, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Sau đó, Alford đến Nam Mỹ, từ Chile đến Argentina trước khi ngược lên Los Angeles (Mỹ) để hoàn thành chặng Bắc Mỹ. Hành trình tiếp tục đi về phía đông tới New York và Detroit (Mỹ). Sau đó, Alexis Alford trở lại châu Âu, từ Na Uy trở về điểm xuất phát là Nice.
Chiếc xe mà Alexis Alford sử dụng cho thử thách này là phiên bản tiền sản xuất của Ford Explorer EV. Ford Explorer EV sử dụng chung nền tảng với Volkswagen ID.4, có phạm vi hoạt động 602km và sạc 10% - 80% chỉ trong 26 phút khi sử dụng chức năng sạc nhanh. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có sẵn sạc nhanh để Alford sử dụng. Cô đã sử dụng nhiều giải pháp sạc trong suốt hành trình của mình, từ ổ điện gia đình đến sạc nhanh DC và bình sạc di động. Trong 200 ngày thực hiện chuyến đi, Alexis Alford đã phải vượt qua nhiều khó khăn như thời tiết đóng băng, tình trạng mất điện ở châu Phi hay thiếu cơ sở hạ tầng sạc ở sa mạc Atacama của Chile. Tổng cộng, cô đã lái xe qua 27 quốc gia, trải dài hơn 30.000 km.
Với thành tích này, Alexis Alford đã được Tổ chức RecordSetter, một tổ chức tương tự như Guinness, ghi nhận là kỷ lục thế giới về sử dụng xe điện vòng quanh thế giới. "Tôi không thể nói nên lời. Đây là vinh dự và đặc ân của cuộc đời dành cho tôi khi có thể đi vòng quanh thế giới bằng xe điện. Tôi đã học được rất nhiều điều về cách lái xe điện trong chuyến thám hiểm này và tôi đã tìm thấy mọi thứ - từ các giải pháp sạc độc đáo như sạc điện trong nhà, sử dụng ổ cắm điện gia đình, cho đến tấm pin mặt trời - để có thể đến nơi tôi cần đến. Tôi nghĩ thành tích này đã đẩy lùi những giới hạn có thể làm với xe điện. Tôi hy vọng rằng, hành trình vòng quanh thế giới của mình chứng tỏ rằng, bạn hoàn toàn có thể lái xe điện ở châu Âu", Alexis Alford chia sẻ.
Đây không phải là kỷ lục thế giới đầu tiên của Alexis Alford. Ở tuổi 21, cô đã trở thành Người giữ kỷ lục Guinness thế giới dành cho người phụ nữ trẻ tuổi nhất đi du lịch đến tất cả các quốc gia có chủ quyền trong vòng 177 ngày.
Nguồn: NYT, Telegraph