Những giấc mơ ám ảnh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Khi đứng trước những lò mổ và hình ảnh từng con bò bị giết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đặt ra câu hỏi: 'Đời sống tôi đang sống có thực sự là một đời sống?'.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc trường ca Lò Mổ tại buổi lễ ra mắt. Ảnh: Đức Huy.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc trường ca Lò Mổ tại buổi lễ ra mắt. Ảnh: Đức Huy.

Trong nhiều năm, hình ảnh về những lò mổ đã luôn ám ảnh nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chúng thậm chí đã đi vào cả trong những giấc mơ của ông. Tại các lò mổ đó, số phận những con bò đã khiến ông đặt câu hỏi: “Đời sống tôi đang sống có thực sự là một đời sống?”.

Nỗi niềm đó trở thành khởi nguồn cho trường ca Lò Mổ. Tại buổi ra mắt tác phẩm sáng 15/2, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ về trải nghiệm thực tế và cả những cơn ác mộng chồng chéo trong tâm trí về số phận con người, thi ca.

Hình ảnh ẩn dụ từ lò mổ

Theo chia sẻ từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, giấc mơ về những con bò trong lò mổ không phải ngẫu nhiên. Nó xuất phát từ ký ức tuổi thơ của ông khi cùng cha ghé qua một lò mổ ở ngoại ô Hà Đông. Đó là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh những con vật bị giết thịt, cảm nhận được nỗi sợ hãi của chúng, đồng thời nhận ra sự khốc liệt của đời sống.

Từ đó, hình ảnh lò mổ ám ảnh trong giấc mơ, trở thành biểu tượng cho một thực tại rộng lớn hơn, nơi con người cũng bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt của xã hội, nơi mà những thân phận thấp bé luôn bị đẩy về phía tận cùng của sự sống.

 Nhà thơ Bruce Weigl cùng nhà thơ Hữu Việt chia sẻ về cuốn sách.

Nhà thơ Bruce Weigl cùng nhà thơ Hữu Việt chia sẻ về cuốn sách.

“Trong cơn ác mộng của mình, tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết. Tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết. Tôi nhìn thấy máu chảy xối xả, tôi nghe tiếng bầy ruồi đồng ca, tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ lò mổ về phía cánh đồng trên cao. Có gì đó đau đớn, bi thương, kỳ vĩ xuất hiện. Rồi tôi nhận ra đó là thi ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói về trường ca Lò Mổ.

Không dừng lại ở khía cạnh sinh tồn của loài vật, hình ảnh những con bò trong lò mổ còn đặt ra câu hỏi về đạo đức và nhân sinh. Con người có đang đẩy nhau vào những "lò mổ" vô hình của cuộc đời, nơi sự tàn nhẫn, thù hận và những quy luật vô cảm chi phối? Tác phẩm không đưa ra câu trả lời, mà để độc giả tự chiêm nghiệm, tự đối diện với trăn trở của chính mình. Đó chính là giá trị của nghệ thuật - không áp đặt, không dẫn dắt, mà mở ra những không gian suy tư rộng lớn.

Cũng tại sự kiện, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl - người dịch trường ca Lò Mổ sang tiếng Anh - nhận xét tác phẩm giống như một bản cáo trạng của những sai trái trong thế kỷ XX. Trường ca cho thấy thử nghiệm trong nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tác phẩm giúp người đọc cảm nhận được thế giới trong hình thức gan góc nhất, sự thô ráp của hiện thực.

“Trong 50 năm viết và suy nghĩ về thi ca, tôi chỉ dùng từ ‘kiệt tác’ một vài lần, nhưng tôi dùng từ đó ở đây vì tôi tin vào sức mạnh của trường ca này và tôi tin là độc giả cũng sẽ tìm được sức mạnh đó ở đây”, ông Bruce Weigl chia sẻ.

Tiếng vọng của sự sống từ nơi chết chóc

Đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trường ca Lò Mổ không phải là tác phẩm đầy u ám, đau thương. Đằng sau những thủ pháp và hình ảnh bạo liệt là tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống. Mỗi con người trong đó, dù ở trong cảnh tối tăm, uất ức, họ vẫn cố gắng giữ lại chút nhân bản, niềm tin.

Ngay từ chương mở đầu, trường ca Lò Mổ đã phá vỡ ranh giới giữa cái đẹp và cái ác. Số phận con bò và kẻ giết bò không đơn thuần là nạn nhân và hung thủ, mà cùng bị cuốn vào vòng xoáy của định mệnh. Nhân vật gã đồ tể, trong sự giằng xé nội tâm, là một con người khắc khoải, đầy tổn thương. Hắn muốn được giải thoát, muốn hoán đổi số phận với chính con bò mình giết, muốn tìm lại bản thể con người trong chính mình.

Nhân vật chủ lò mổ được nhà thơ Mai Văn Phấn ví như một thực thể ma quái, tượng trưng cho quyền lực vô hình, xuất hiện như một bóng đen bao trùm, nhấn chìm mọi thứ vào sự suy tàn. Những hình ảnh đó tạo nên một thế giới lưỡng cực, nơi cái chết và sự sống đan xen, nơi sự tuyệt vọng không đồng nghĩa với kết thúc.

 Trường ca Lò Mổ.

Trường ca Lò Mổ.

Tác giả Nguyễn Quang Thiều không dùng máu để làm yếu tố gây sốc, đó là phương tiện để soi rọi hiện thực. “Trong dòng chảy của máu, người ta không chỉ thấy sự hủy diệt mà còn thấy sự tái sinh. Kết thúc trường ca là hình ảnh một chú bê con, trái tim rung vang như "quả chuông lớn nhất thế gian", đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, một hy vọng mới”, nhà thơ Mai Văn Phấn chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Nhìn rộng hơn, trường ca Lò Mổ là phép ẩn dụ về thế giới mà con người đang vật lộn với chính bản ngã của mình. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã nhận định rằng tác phẩm là minh chứng cho thấy thơ là phương tiện giúp con người phục hồi từ chấn thương. Còn nhà thơ Trần Lê Khánh viết: “Tác phẩm này không dành cho những ai chưa sẵn sàng bước ra khỏi góc nhìn quen thuộc của mình. Nó là bản bi hùng ca, là nghi lễ thi ca, nơi cái ác bị bóc trần và cái đẹp được tái sinh trong chính sự đau khổ”.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-giac-mo-am-anh-cua-nha-tho-nguyen-quang-thieu-post1531734.html
Zalo