Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

VACOD-HBA dự kiến sẽ phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề vào đầu tháng 6/2025 tại Bình Thuận. Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân một cách hiệu quả nhất…

Tham gia chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 19/4 có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đỗ Văn Vẻ, Ủy viên thường vụ VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Ủy viên thường vụ VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên; ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA cùng đông đảo doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA…

VACOD-HBA GÓP SỨC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN DỰA TRÊN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

Mở đầu chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn tiếp tục đề cập đến những vấn đề nóng nhất, mang tính thời sự nhất, đặc biệt liên quan chặt chẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tiếp nối mạch thảo luận sôi nổi từ các tuần trước về những vấn đề mang tính cách mạng đối với sự phát triển của đất nước, người đứng đầu VACOD-HBA đặc biệt nhấn mạnh đến hai trọng tâm then chốt đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ nhất, sự quyết liệt trong việc triển khai cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, một chủ trương được chỉ đạo sát sao theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Thứ hai, nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược được đề ra trong Nghị quyết 10/2017. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dồn toàn lực để đưa những nghị quyết này vào cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả, tạo động lực và định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.

Để tập trung nguồn lực chuẩn bị cho những nội dung quan trọng này, hai hiệp hội dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch, tạm dừng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại các địa phương trong năm nay. Thay vào đó, VACOD-HBA dự kiến sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức một hội nghị chuyên đề sâu rộng. Hội nghị này sẽ tập trung thảo luận về vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân một cách hiệu quả nhất.

Chủ tịch Sơn khẳng định đây là một sự kiện quan trọng, kết hợp cả hai nghị quyết then chốt và hướng đến việc xây dựng những giải pháp thiết thực hỗ trợ sự phát triển cho doanh nghiệp.“Chúng tôi đang trong quá trình xin ý kiến Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương để cùng phối hợp tổ chức sự kiện này, dự kiến vào ngày 5 - 6/6 tới. Địa điểm dự kiến tổ chức là tại Mũi Né, tỉnh Bình Thuận”, Chủ tịch Sơn thông tin thêm.

Ngay đầu tuần, văn phòng hiệp hội sẽ chính thức gửi văn bản báo cáo và đề nghị Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phối hợp triển khai hội nghị chuyên đề này. Liên quan đến sự kiện này, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết VACOD-HBA đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức nhiều cuộc tọa đàm xoay quanh hai nội dung trọng tâm.

Ông nhấn mạnh, tại các chương trình Bữa sáng Doanh nhân gần đây các nhà quản lý, chuyên gia, khách mời đã nhiều lần cùng nhau trao đổi, tọa đàm sâu rộng về hai nội dung cốt lõi: Ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những ưu tiên hàng đầu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt chú trọng song song với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, với mục tiêu thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, một mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn hiện nay.

BÀI HỌC TỪ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA UAE

Chủ tịch Sơn cũng thông tin về sự kiện PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đã cùng đoàn công tác của Chính phủ tham dự Hội nghị Đầu tư Thường niên 2025 (AIM Congress) tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Đích thân Chủ tịch AIM Congres đã mời Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và VACOD-HBA cử đoàn công tác tham dự Hội nghị, tuy nhiên do thời gian quá gấp nên VACOD-HBA không chuẩn bị kịp. Trong 5 ngày lưu lại UAE, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã có nhiều buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo và các doanh nghiệp của khu vực Trung Đông nên Chủ tịch Sơn đã mời Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chia sẻ những trải nghiệm và thông tin thu hoạch sau chuyến công tác để các doanh nghiệp nắm bắt.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, dù chỉ có khoảng hơn 10 triệu dân, đa số là người nước ngoài (chiếm tới 90%), UAE lại sở hữu một nền kinh tế đáng ngưỡng mộ với GDP bình quân đầu người rất cao, khoảng trên 50.000 USD.

Ấn tượng của ông về UAE không chỉ dừng lại ở sự giàu có thể hiện qua GDP bình quân đầu người mà còn ở những chính sách phúc lợi xã hội đáng mơ ước dành cho người dân như: Cấp đất miễn phí, hỗ trợ nhà ở, giáo dục và y tế miễn phí, thậm chí chi trả cho việc chữa bệnh ở nước ngoài. Chuyến đi đầu tiên đến UAE đã mang đến cho PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cảm nhận sâu sắc về một đất nước hiện đại hóa với tốc độ xây dựng chóng mặt, lấn biển để tạo nên những kỳ quan mới với phương châm luôn là số 1. Điều đặc biệt là sự hòa quyện độc đáo giữa vẻ hiện đại, không hề thua kém phương Tây, với những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc, thể hiện rõ nét qua kiến trúc và quy định tại các nhà thờ Hồi giáo, như nhà thờ Sheikh Zayed với sức chứa khổng lồ.

Tận mắt chứng kiến sự lớn mạnh, xa hoa của UAE, nhà hoạch định chiến lược đã phải đặt ra câu hỏi là làm thế nào một vùng đất toàn sa mạc, chủ yếu dựa vào đánh bắt cá, khai thác ngọc trai và thương mại hàng hải, trước những năm 1960, lại có thể vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ đến vậy?

Trước kia, có lẽ nhiều người nghĩ rằng sự giàu có của UAE đơn thuần đến từ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào. PGS. Sơn cũng tự nhận bản thân ông cũng từng có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, sau 5 ngày trải nghiệm thực tế, ông đã có một góc nhìn sâu sắc hơn, UAE giống như một "cậu ấm" giàu có nhưng không hề "hư hỏng".

Từ khi phát hiện ra dầu mỏ vào năm 1960, quốc gia này đã xây dựng những chiến lược phát triển dài hạn, liên tục được định hình và mở rộng, từ tầm nhìn bắt đầu từ giai đoạn đa dạng hóa nền kinh tế 1990-2010 cho đến tầm nhìn 2021 và tầm nhìn đến năm 2071 - kỷ niệm 100 năm thành lập UAE. Bảo tàng Tương lai mà đoàn công tác có dịp tham quan đã phần nào hé lộ những khát vọng vươn tới tương lai của họ. Theo ông, yếu tố then chốt tạo nên sự phát triển vượt bậc này chính là tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư thông minh. Ông đặc biệt khuyến nghị mọi người nên tìm đọc cuốn sách "My Vision - Tầm nhìn thay đổi quốc gia" của Quốc vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng UAE để hiểu rõ hơn về điều này.

UAE, đặc biệt là Dubai có thể phát triển được như bây giờ bởi lẽ họ có tầm nhìn rất dài hạn và luôn luôn thay đổi tầm nhìn đó của mình theo từng giai đoạn phát triển”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nêu bật điểm cốt lõi đầu tiên ông đúc kết sau chuyến công tác.

Điểm thứ hai ông nhận ra rằng, từ việc tận dụng nguồn lực dầu mỏ, UAE đã có những bước đi khôn ngoan khi tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng hiện đại, khoa học và công nghệ, giáo dục chất lượng cao và hệ thống y tế tiên tiến - những nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai và khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia này đã chủ động chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế; thu hút các nhà đầu tư toàn cầu và bắt kịp với nhịp độ phát triển của thế giới. Điều đáng chú ý là sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong giao tiếp, khi tiếng Anh được sử dụng trực tiếp trong mọi cuộc làm việc. Chính sách thu hút đầu tư của UAE rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, một số người Việt Nam hiện cũng đang hướng tới thị trường này để đầu tư.

Nói sâu hơn về lĩnh vực đầu tư, ông chỉ ra rằng, với nguồn tài chính dồi dào, các quỹ đầu tư của UAE, điển hình như Quỹ ADIA (Abu Dhabi Investment Authority), một quỹ đầu tư quốc gia của UAE, hiện đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ lên đến khoảng hơn 800 tỷ đô la Mỹ, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các thị trường lớn sang các quốc gia nhỏ hơn và năng động, trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến tiềm năng. Họ đang tích cực tìm kiếm các đối tác và lĩnh vực đầu tư phù hợp.

Qua những buổi làm việc với lãnh đạo UAE và trao đổi cùng các doanh nghiệp đầu tư, có thể thấy rõ định hướng đầu tư mới của UAE. Họ không chỉ tập trung vào các ngành khai thác truyền thống mà còn đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục và y tế, mong muốn hợp tác với các quốc gia có thế mạnh liên quan. Minh chứng cho điều này là hai hội nghị lớn vừa được tổ chức, bao gồm hội nghị kết nối đầu tư quốc tế do chính UAE khởi xướng và hội nghị xúc tiến đầu tư do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp tổ chức. Thêm vào đó, một hội nghị quan trọng khác dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10 tới cũng là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của UAE đến cơ hội đầu tư và tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

Mặc dù cho rằng đây mới chỉ là những cảm nhận ban đầu và cần có sự nghiên cứu sâu hơn nhưng PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhận định, thị trường Trung Đông nói chung và thị trường Halal nói riêng là những thị trường đầy tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, UAE còn sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác trong khu vực. Với chính sách ngoại giao mềm dẻo, UAE duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác, đặc biệt coi trọng tiềm năng và mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam.

“Đây là cơ hội quý báu để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, kết nối và mở rộng thị trường sang Trung Đông, một khu vực đầy tiềm năng trong bối cảnh đa dạng hóa thị trường hiện nay. Dù yêu cầu về sản phẩm và dịch vụ tại đây khá cao, thị trường Halal vẫn được đánh giá là một hướng đi đầy hứa hẹn nếu khai thác hiệu quả”, PGS đặc biệt nhấn mạnh.

GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ XUNG ĐỘT THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU

Tiếp mạch với các vấn đề nóng hổi đang chiếm sóng thời sự, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nói về điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với chính sách thuế quan và biến động của thị trường toàn cầu.

Ông Tích thẳng thắn phân tích vấn đề vì sao Mỹ lại khơi dậy cuộc chiến thương mại trên diện rộng mà không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, PGS.TS Vũ Văn Tích lý giải căn nguyên hành động này nằm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái. Sự suy thoái này xuất phát từ tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu, lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra vượt xa nhu cầu thực tế của thị trường.

Trong bối cảnh đó, việc Mỹ áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại lên nhiều quốc gia có thể được hiểu là một nỗ lực nhằm giảm bớt áp lực từ nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Bằng cách hạn chế nhập khẩu từ nhiều phía, Mỹ có thể đang cố gắng bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh gay gắt do hàng hóa nước ngoài giá rẻ tràn vào, và từ đó ổn định hoặc thúc đẩy nhu cầu nội địa. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại trên diện rộng có thể là một phản ứng của Mỹ đối với tình trạng mất cân bằng cung cầu toàn cầu, nhằm tìm cách tái cân bằng nền kinh tế của chính mình trong bối cảnh suy thoái chung.

Theo ông Tích, bản chất của xung đột thương mại không phải là vấn đề về quan hệ hợp tác, mà bản chất là quá trình suy thoái toàn cầu và nhiều khả năng sẽ diễn ra dai dẳng chứ khó có thể kết thúc sau một cuộc đàm phán của bất cứ quốc gia nào. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu.

Tình hình thương mại toàn cầu hiện nay không chỉ đơn thuần là hệ quả từ quyết định của một quốc gia, mà còn phản ánh một quy luật kinh tế mang tính chu kỳ, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mỹ với vai trò là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, có những động thái riêng trong bối cảnh này. Một xu hướng đáng chú ý khác là sự thay đổi trong tiến trình toàn cầu hóa, khi các cường quốc kinh tế như Mỹ đang có những điều chỉnh trong chính sách của mình, tập trung vào quyền lợi của quốc gia họ.

Vấn đề tiếp theo được PGS Tích đặc biệt nhấn mạnh là sự thay đổi trong mô hình kinh tế toàn cầu, khi chủ nghĩa bảo hộ đang dần thay thế cho nền kinh tế thị trường tự do. Mỹ vốn là quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy tự do thị trường, hiện lại đang sử dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ từ Chính phủ. Điều tương tự cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác. Như vậy, nền kinh tế thị trường thuần túy đang dần nhường chỗ cho sự điều hành và can thiệp ngày càng lớn của các chính phủ, tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khiến các quy luật cung cầu truyền thống không còn hoàn toàn chi phối.

Những thay đổi trong chính sách kinh tế toàn cầu đang tạo ra những hệ lụy không nhỏ, trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận ra 4 tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp.

Thứ nhất, đáng chú ý nhất là sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại có nhiều lợi thế hơn. Bên cạnh việc áp đặt thuế, các quốc gia còn dựng lên những hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe, tạo thêm thách thức cho hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ hai, một hệ lụy nghiêm trọng khác là cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính, thể hiện rõ qua sự đình trệ trong luân chuyển dòng tiền. Mỹ đang có xu hướng tập trung dòng tiền quay trở về quốc gia, và hệ thống SWIFT (thanh toán quốc tế) cũng gặp nhiều trở ngại. Khối BRICS đang nỗ lực xây dựng một hệ thống thanh toán riêng. Tình trạng này dẫn đến những khó khăn lớn, kéo theo sự mất giá đồng tiền ở nhiều quốc gia. Tốc độ tăng giá chóng mặt và sự mất giá của đồng tiền đang gây ra những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.

Thứ ba, diễn ra tình trạng sa thải hàng loạt nhân viên tại nhiều công ty do sự đổ vỡ, thu hẹp sản xuất kinh doanh, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ tư, một thách thức lớn nữa đối với Việt Nam là sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế phát triển theo hướng xuất khẩu gia công. Tương tự, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động theo hình thức gia công, chưa tạo ra được công nghệ dẫn dắt thị trường. Mà thực chất giá trị cao nhất của sản phẩm nằm ở công nghệ, yếu tố chi phối toàn bộ hệ thống thị trường. Do đó, các quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất gia công và công nghệ thấp sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Đây là một hệ quả mang tính quy luật khách quan, không xuất phát từ sự đối địch giữa các quốc gia.

Vậy đâu là những giải pháp cho Việt Nam và các doanh nghiệp trong bối cảnh đầy áp lực này? Sau quá trình phân tích những ảnh hưởng, PGS.TS Tích đưa ra một số khuyến nghị sau:

Đầu tiên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu bị phân mảnh, việc tập trung phát triển đa dạng các thị trường trở nên cấp thiết. Sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất tiềm ẩn nhiều rủi ro, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra và yêu cầu các cấp, các ngành cũng như doanh nghiệp cần chủ động thích ứng và linh hoạt trong triển khai tìm kiếm các thị trường mới. Ông Tích đồng tình với quan điểm của PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn cần khai thác tiềm năng lớn tại các thị trường như Halal của UAE và khu vực Trung Đông, nơi có nguồn lực tài chính dồi dào.

Đặc biệt nhấn mạnh, thị trường Halal với quy mô nhập khẩu khổng lồ, thậm chí lớn hơn cả Mỹ và châu Âu (chỉ sau Trung Quốc) lên tới 2.700 tỷ USD, mở ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, việc định hướng và chủ động tìm kiếm, xây dựng thị trường mới, cùng với sự năng động của từng doanh nghiệp trong chiến lược kinh doanh chính là chìa khóa để vượt qua những thách thức hiện tại.

Giải pháp cho vấn đề này là cần áp dụng công nghệ để vượt qua khó khăn: Thứ nhất, thông qua chuyển đổi số, đưa các sản phẩm lên nền tảng số, tham gia nền kinh tế số từ đó mở ra thị trường mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp đó, là sự thay đổi trong tư duy hoạt động của nhà nước, Chính phủ và chính doanh nghiệp, hướng tới mô hình "thích ứng chính sách sang kiến tạo". Thay vì thụ động chạy theo các chính sách của một quốc gia khác, chúng ta cần chủ động xây dựng những chiến lược riêng, phù hợp với sản phẩm và năng lực của mình. Ví dụ điển hình là việc chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường, đồng thời tạo ra những "chính sách" nội tại giúp doanh nghiệp tự chủ và phát triển bền vững. Đây là một sự chuyển đổi tư duy cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Giải pháp thứ ba đặc biệt quan trọng mang tính cốt lõi cần được áp dụng là doanh nghiệp cần sớm chuyển đổi các mô hình kinh doanh phù hợp. Thay vì tiếp tục mô hình kinh doanh dựa trên gia công và nhân lực giá rẻ, đã đến lúc chuyển sang một mô hình mới, nơi doanh nghiệp chủ động kiến tạo thị trường hoặc phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ví dụ như UAE, họ không chỉ sản xuất hàng tiêu dùng mà còn tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh đa dạng, từ thương mại điện tử đến các sự kiện trực tiếp, thu hút nhân tài, nhà đầu tư và trở thành một trung tâm kinh tế khu vực. Mặc dù xuất phát điểm là một vùng sa mạc với nhiều khó khăn nhưng họ đã thành công nhờ tư duy kiến tạo. Việt Nam cũng cần hướng tới sự thay đổi này. Ông Tích đề xuất: “Theo tôi, Hiệp hội và Bộ Công Thương cần nhanh chóng xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về hàng hóa xuất nhập khẩu, các phương thức thích ứng thị trường, đồng thời tạo ra một thị trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư”.

Việc phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, rất cần ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong mỗi sản phẩm. Để thuận lợi thực hiện những giải pháp này, ông Tích gợi mở các doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn quỹ hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là từ Bộ Khoa học - Công nghệ, như quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, quỹ đổi mới sáng tạo và các quỹ khoa học công nghệ khác, bao gồm cả các quỹ dành cho doanh nghiệp.

“Việc tiếp cận được những nguồn quỹ này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống lại những biến động bất ngờ của thị trường tài chính. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà các hiệp hội, như hiệp hội của chúng ta, cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để có thể giành được sự hỗ trợ cần thiết từ các quỹ quốc gia, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, PGS-TS Vũ Văn Tích nêu định hướng.

CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG ĐỂ “VƯỢT BÃO”

Chủ tịch Sơn nhận định những nghiên cứu, đặc biệt các ứng dụng thực tiễn với cộng đồng doanh nghiệp, cùng những giải pháp được PGS.TS Vũ Văn Tích đề xuất đã cho thấy sự thiết thực và tầm quan trọng của các giải pháp mà các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.

Mặc dù bối cảnh chiến tranh thương mại và xu hướng tái cấu trúc hậu toàn cầu hóa có thể dẫn đến những thách thức về việc làm ở nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào dự đoán được tình hình này. Bên cạnh yếu tố tái cấu trúc, việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giảm nhu cầu nhân sự ở những vị trí có thể được tự động hóa.

Chủ tịch Sơn phân tích, Việt Nam đang đồng thời triển khai hai nghị quyết quan trọng, có tác động lớn đến vấn đề công ăn việc làm. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số rõ ràng sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, nhưng cũng có thể dẫn đến giảm thiểu một số vị trí công việc. Tuy nhiên, Trung ương đã nhận thức rõ điều này nên song song thúc đẩy mạnh mẽ Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, sắp tới Bộ Chính trị tiếp tục ban hành nghị quyết riêng về vấn đề này. Mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho những người lao động có thể chuyển đổi từ vị trí làm thuê sang khởi nghiệp, từ khu vực công sang khu vực tư, tự tạo việc làm thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Tôi tin rằng đây là một hướng đi tích cực, vừa tạo cơ hội mới cho những người chưa có việc làm, vừa phát huy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp của người Việt, giúp chúng ta tự tin vượt qua những thách thức trong bối cảnh hiện tại”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhìn nhận.

Ngay lúc này, giải pháp cấp thiết của các doanh nghiệp để cải thiện mọi trở ngại là chủ động ứng dụng đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số. Ông Sơn cho rằng, việc áp dụng càng sớm sẽ giúp doanh nghiệp ổn định và làm chủ tình hình, ngược lại, chậm chân sẽ đồng nghĩa với việc tụt hậu. Chủ tịch Sơn khuyến khích tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ nhỏ đến lớn, và đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ, cần nhanh chóng tích hợp những yếu tố này vào hoạt động kinh doanh của mình. Ông dẫn chứng sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường vận tải truyền thống dưới tác động của taxi và xe ôm công nghệ, cho thấy việc thích ứng nhanh chóng thực sự là yếu tố sống còn trong bối cảnh kinh doanh hiện nay.

Người đứng đầu VACOD-HBA nêu minh họa rõ nét tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ bằng ví dụ thành công từ Tập đoàn Hồ Gươm của Phó Chủ tịch HBA Ninh Thị Ty. Ông cho biết thêm, VACOD-HBA đã chủ động kết nối và mời các chuyên gia từ Đại học Quốc gia, các đơn vị chuyên sâu về công nghệ và chuyển đổi số đến trao đổi thông tin, đề xuất giải pháp. Thậm chí, đã có nhiều buổi làm việc, thuyết trình về quản trị thông minh với cộng đồng doanh nghiệp.

Tiếp lời Chủ tịch Sơn, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ một số kinh nghiệm của doanh nghiệp mình. “Thông tin về áp thuế đối ứng do Tổng thống Mỹ công bố ngày 2/4 vừa qua thực sự là một cú sốc lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam chịu tác động nặng nề nhất với mức thuế lên đến 46%. Ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi năm 2024 xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đã chiếm tới 38% tương đương gần 18 tỷ USD”, bà Ty thẳng thắn đánh giá.

Trước những con số thống kê thực tế, bà Ninh Thị Ty lưu ý cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn nhận vấn đề một cách thực tế, dù cần giữ vững sự tự tin và quyết liệt hành động. Thay vì phân tích dài dòng, bà mong muốn phác họa một bức tranh tổng quan không chỉ có màu hồng, giúp các doanh nghiệp chủ động ứng phó với những khó khăn tiềm ẩn.

Bà Ty chỉ ra thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng trực tiếp chịu tác động từ chính sách áp thuế, đặc biệt là những đơn vị không hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, bản thân bà và cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang cảm nhận rõ ràng cú sốc này. Nên việc doanh nghiệp cần làm là sớm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào. Vừa qua, Tập đoàn Hồ Gươm cũng đã cử nhân sự sang UAE khai thác thị trường và đã sớm có tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Đông đầy tiềm năng này.

Liên quan chủ đề đang được các chuyên gia và khách mời thảo luận rất sôi nổi, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình không khỏi cảm khái về những hành động nhanh chóng của hai hiệp hội VACOD-HBA nhằm ứng phó với thông tin bất lợi từ thị trường Mỹ.

Theo ông Vẻ, ngay sau khi có thông tin về việc Mỹ áp thuế quan, hiệp hội đã khẩn trương trao đổi, gửi thông điệp cảnh báo đến các doanh nghiệp về những ảnh hưởng lớn, đồng thời khuyến nghị họ cần hết sức bình tĩnh và chủ động tìm kiếm các giải pháp mới. Cụ thể, hiệp hội định hướng các doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, tăng cường đối thoại với các đối tác liên quan và kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ.

Trước thực tế hiện nay, ông Vẻ nhấn mạnh sự cần thiết của việc các doanh nghiệp liên kết, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất lao động để đối phó với thách thức này. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã tổ chức một cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như da giày, gỗ, điện tử…để ghi nhận nhiều ý kiến, bàn bạc, trao đổi giải pháp vượt qua khó khăn.

Ông Vẻ tiếp tục phân tích về bức tranh vĩ mô, nêu quan điểm cần xem xét lại một số vấn đề chưa thực sự phù hợp trong phát triển kinh tế. Ông nhận định, những vấn đề này sẽ còn kéo dài và dự báo tình hình kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ riêng chính sách thuế quan của Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ bình tĩnh và kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành đánh giá tổng thể về mức độ tổn thương của từng ngành hàng, ví dụ như dệt may, thủy sản, điện tử, da giày, gỗ… để từ đó có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời.

“Trong tình hình hiện tại, điều quan trọng nhất là giữ vững sự bình tĩnh. Kinh nghiệm từ những giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19 cho thấy, sự linh hoạt và khả năng thích nghi sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua mọi thử thách. Vì vậy, thay vì lo lắng, cộng đồng doanh nghiệp cần giữ một tinh thần lạc quan và chủ động tìm kiếm giải pháp”, ông Đỗ Văn Vẻ kết luận.

CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG SẴN SÀNG HỢP LỰC SAU SÁP NHẬP

Một nội dung cũng rất quan trọng được Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề cập ngay từ đầu chương trình đó là thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố. Đặc biệt, sau khi hoàn tất việc sáp nhập tỉnh, xã phường theo chỉ đạo của Trung ương, dự kiến các đơn vị hành chính mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7 và quá trình sáp nhập sẽ hoàn thành trong khoảng hai tháng sau đó. Cụ thể, Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến hợp nhất một số tỉnh, thành phố, trong đó hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, lấy tên Hưng Yên, trung tâm hành chính đặt tại Hưng Yên hiện nay.

Nhận thấy đây là một vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đã nhanh chóng mời Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đến tham gia chương trình Bữa sáng Doanh nhân để cùng nhau thảo luận, trao đổi định hướng hoạt động sắp tới.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình ông Đỗ Văn Vẻ cho biết, cả Hưng Yên và Thái Bình đều vừa có cuộc họp chuẩn bị triển khai công tác sáp nhập, tập trung vào công tác nhân sự và xây dựng chiến lược phát triển sau sáp nhập. Ông Vẻ nhìn nhận việc cả hai Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của hai tỉnh có mặt trong buổi gặp mặt vừa là hữu duyên, nhưng đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược của nguyên Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VACOD-HBA có ý nghĩa kết nối rất lớn.

Ông tin tưởng rằng, việc sáp nhập giữa Thái Bình, Hưng Yên sẽ mang lại những kết quả tích cực, giúp các tỉnh mạnh hơn. Về mặt văn hóa và con người, ông nhận thấy sự tương đồng lớn giữa Thái Bình và Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập. Đặc biệt, trong lĩnh vực hiệp hội doanh nghiệp, ông đánh giá cao sự đồng điệu và dễ dàng cảm thông giữa các thành viên, với sự lãnh đạo của nữ chủ tịch tỉnh bạn hứa hẹn sự hợp tác suôn sẻ và hiệu quả.

Ông Vẻ cũng mong muốn Trung ương sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức xã hội về việc định hướng hoạt động trong quá trình sáp nhập, bao gồm cả vấn đề trụ sở, nhân sự và chiến lược phát triển. Nếu có hướng dẫn rõ ràng, việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Trước mắt, ông đề xuất một cuộc gặp gỡ giữa hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình và Hưng Yên để trao đổi thông tin và tìm ra những phương án hợp nhất tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần hai hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ những khó khăn và nắm bắt thời cơ cùng nhau phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên bà Nguyễn Thị Thanh Hà, cũng thể hiện rõ niềm tin rằng việc sáp nhập tỉnh và hợp nhất hai hiệp hội doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Bà cho rằng, sự hợp nhất này sẽ giúp lãnh đạo hiệp hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.

“Hy vọng sự hợp tác giữa Thái Bình và Hưng Yên sẽ làm cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Các hội viên sẽ hiểu và đồng thuận với việc này, để cùng nhau xây dựng Hiệp hội Doanh nghiệp của tỉnh Hưng Yên (sau sáp nhập) ngày càng phát triển và có những đóng góp giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc”, bà Hà bày tỏ.

Đánh giá cao sự đồng lòng của Chủ tịch hai hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình và Hưng Yên, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn khích lệ, ủng hộ mạnh mẽ đối với quá trình hợp nhất đầy ý nghĩa này. Không chỉ vậy, bằng kinh nghiệm dày dặn của mình, TS Nguyễn Hồng Sơn còn đưa ra một số gợi ý, khuyến khích lãnh đạo hai hiệp hội nhanh chóng hoàn thiện các công tác nhân sự, tổ chức hoạt động, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay khi hoàn thành đề án sáp nhập hai tỉnh.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định việc kiện toàn bộ máy và nhanh chóng ổn định các hoạt động của hiệp hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Một tổ chức vững mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những biến động, thay đổi kinh tế có thể xảy ra sau quá trình sáp nhập hai tỉnh. Sự ổn định này sẽ tạo niềm tin, giảm thiểu những xáo trộn không đáng có và giúp doanh nghiệp tập trung hiệu quả hơn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này còn có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch THB Group cùng cộng sự là bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc THB Development. THB Group được biết đến là đơn vị truyền thông uy tín được biết đến với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia như Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Carnaval Hạ Long và Festival Hoa Đà Lạt. Đây là lần đầu tiên bà Tâm tham dự chương trình Bữa sáng Doanh nhân của VACOD-HBA và cảm kích sâu sắc khi được lắng nghe những chia sẻ thiết thực từ các chuyên gia, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch THB Group (áo đen) và bà Nguyễn Thị Thanh Hải

Ngay tại sự kiện, Chủ tịch THB Group bày tỏ mong muốn chính thức gia nhập cả hai hiệp hội. Bà Tâm quả quyết, việc trở thành thành viên sẽ tạo cơ hội để bà và THB Group được tham gia sâu rộng hơn vào các chương trình hoạt động của VACO-HBA, tiếp thu nhiều thông tin giá trị, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Thảo Huyền

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/hoi-nghi-thuc-day-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-se-duoc-to-chuc-dau-thang-62025-post559467.html
Zalo