Những đứa con nuôi

Đứa con nuôi vừa qua đời. Nó còn thơ dại quá, chưa đầy một tuổi mà đã đoản mệnh. Ngày đem chôn nó, ông Năm khóc hết nước mắt. Mới hôm kia còn tung tăng bơi lội, vậy mà... Cũng như số phận của những anh chị nó được nuôi trước đây, tất cả đều lần lượt bỏ ông mà ra đi.

Nhóc, đó là tên đứa con nuôi của ông Năm vừa mất. Ông mua nó về từ lò ấp vịt. Đó là một con vịt đực dễ thương, mến người nên ông gọi nó là con. Sở dĩ ông đặt cho nó cái tên ấy là vì ông cưng, quý nó hơn tất cả những người con ruột của mình. Tại sao ư? Hai cậu con trai và một cô con gái của ông đã bỏ ông đi biền biệt.

Hồi lúc vợ ông qua đời, ba đứa còn thơ dại. Ông gạt qua những đau buồn, cố gắng nuôi chúng khôn lớn nên người, giờ thì chúng đi mất dạng. Thằng lớn nhất làm ăn ở Campuchia, hình như là cưới vợ bên đó luôn, làm ăn cũng khá lắm. Rồi nó kéo em trai qua bên đấy, chỉ dẫn cách kinh doanh hàng điện máy. Cô con gái út lấy chồng ở miền Bắc, nghe đâu gia đình bên đó cũng khá giả. Vậy mà nhiều năm trời chẳng thấy đứa nào về thăm ông già một lần.

Thời đại bây giờ công nghệ cũng phát triển, điện thoại kết nối mọi miền, mọi quốc gia nhưng có thấy đứa nào a-lô hỏi han ông đâu. Thành ra, cái lý do cách trở địa lý coi bộ khó chấp nhận. Mà lý do lý lẽ cái gì đi nữa cũng chỉ là ngụy biện. Đó là cha, người đã rứt ruột đẻ ra mình, nuôi mình khôn lớn thì dù có nghèo xơ xác, làm ăn thất bại, cách trở xa xôi thì cũng phải một lần về thăm quê, thăm nhà, thăm cha già, đốt nén nhang trong ngày giỗ mẹ mới là đạo lý. Đằng này chẳng đứa nào còn nhớ nguồn cội là gì.

Ngày giỗ vợ ông, nhà nghèo, tiền lương hưu ít ỏi, nhưng ông vẫn làm một mâm cơm khá thịnh soạn cúng vợ. Đứng trước di ảnh của người bạn đời vắn số, ông ủ rũ tâm sự:

- Bà à, tôi với bà thật vô phước! Nhà có ba đứa con mà chẳng đứa nào nhớ đến tôi, đến ngày giỗ của bà... Giờ tôi chỉ thui thủi một mình thế này. Nhớ cái ngày bà mất, bà trăng trối lại kêu tôi ráng nuôi ba đứa nhỏ nên người. Tôi nghe lời bà, lo cho chúng đầy đủ, khỏe mạnh, ăn học đàng hoàng nhưng khi đủ lông đủ cánh thì chúng bay đi biền biệt... Tôi đau lắm...

Ông khóc, nấc thành từng tiếng nghẹn ngào. Bao giờ cũng vậy, ông đứng ngây dại trước bàn thờ vợ mình hồi lâu, khi nén nhang đã tàn phân nửa thì ông mới chợt tỉnh. Rồi ông chạy qua nhà mấy người hàng xóm mời mấy ông bạn già qua dùng bữa cơm đạm bạc. Ông Tư sát vách nhà hỏi ông:

- Thế mấy đứa nhỏ đâu mà giờ này nó chưa về?

Thoáng bối rối vài giây, ông giả lả:

- À, đứa nào cũng bận việc suốt. Hai thằng con trai thì đi buôn hàng bên Thái Lan, về không kịp. Con nhỏ út thì bụng mang dạ chửa, đâu có ra khỏi nhà được.

- Bận việc cách mấy thì cũng phải nhớ đến ngày giỗ của mẹ mình mà về chứ - ông Tám góp ý.

- Ờ... bọn trẻ mà ông! Tụi nó sống theo kiểu phương Tây, còn trẻ là cố gắng làm kiếm tiền để lo cho cuộc sống mà mua đất cất nhà, có tài khoản ngân hàng, lo cho con cái học hành đàng hoàng. Chứ để già như tụi mình thì còn làm được gì nữa. Đánh rơi tuổi trẻ là lãng phí thời gian đấy!

- Nhưng đã nhiều năm rồi tôi có thấy bọn trẻ về đâu? - ông Tám truy vấn đến cùng của sự việc.

Ông Tư chen vào:

- Thôi bỏ đi, chuyện nhà ông Năm mà. Mình dùng cơm đi. Khi nào chúng đi mỏi chân rồi thì sẽ quay về thôi. Lá rụng cũng về cội mà.

Không biết đã bao nhiêu lần ông phải nói dối về điều này. Chẳng những ngày giỗ mà ngay cả ngày lễ, Tết, hàng xóm cũng hỏi. Ông xấu hổ, vội chạy xe đạp gần ba cây số qua nhà người em trai để “lánh nạn”. Nhưng rồi sợ không ai đốt nhang cho vợ, sợ con cái nó về không biết tìm chỗ nào nên ông lại thui thủi quay về nhà ăn Tết một mình. Hàng xóm đến chúc Tết, họ hỏi han về những đứa con của ông, ông buộc lòng phải nói dối. Cũng từ đó ông trở thành kẻ nói dối bất đắc dĩ.

Ông cũng dằn vặt về chuyện này nhiều lắm, nhưng nghĩ lại nói dối mà không ảnh hưởng đến ai thì chắc không sao. Cho nên từ chuyện đó trở thành thói quen. Cứ hễ thấy hàng xóm qua thăm là ông phải chuẩn bị tâm lý để nói dối tốt đẹp về con mình. Dù biết rằng họ rất rõ về gia cảnh của ông nhưng nếu không nói dối thì bối rối khó xử. Còn nếu gặp hàng xóm ở ngoài đường, nhất là những bà lắm chuyện, ông nhanh bước về nhà để né tránh những câu hỏi khó trả lời. Thành ra ông rất ít bạn, chỉ vài người thỉnh thoảng dùng trà tâm sự chuyện đời.

Nhàn rỗi, lại trống trải, ông nghĩ đến việc trồng cây ăn quả, trồng rau để khỏa lấp nỗi cô đơn. Nhưng rồi ông lại chán vì cây cỏ chỉ im lặng đứng yên. Nhạt nhẽo vô cùng. Bầu bạn với người thì đào sâu vấn đề tế nhị nhiều quá, mà cây cỏ thì lại không biết nghĩ suy, không biết cử động, thành ra ông quyết định nuôi động vật. Ông xin bên nhà vợ một cặp chó béo tròn. Hàng ngày ông đều nấu cơm chắt lấy nước cho chúng uống. Một con Mực, một con Cò đều lớn nhanh như thổi. Chó là loài vật có nghĩa có tình, gần gũi với con người nên chúng rất quý ông, hiền lành, chẳng sủa tí nào. Mà cũng chính vì điều đó đã khiến cho sinh mạng của chúng bị đe dọa.

Một buổi tinh mơ, như thường lệ ông dậy uống trà. Ông bước xuống giường xách ấm đi nấu nước pha trà. Chợt ông nghe có tiếng bước chân, mạnh, rõ. Theo quán tính, ông la lên: “Ai đó?”. Rồi ông chạy ra sau hè xem. Hai chú chó tơ của ông nằm sóng soài ói mửa. Ông đoán là bị bọn trộm thuốc nên chạy vào nhà cắt chanh vắt vào họng chúng cho ói ra giải độc nhưng quá muộn. Chó chết, ông buồn thiu. Mấy gã thanh niên trong xóm xin ông cặp chó về làm thịt nhưng ông không cho. Ông mang chúng ra sau vườn nhà chôn rồi ngồi cả buổi ngoài đó suy tư. Ông thút thít:

- Mực ơi, Cò ơi, sao nỡ bỏ cha ra đi!

Từ đó ông quyết định không nuôi chó nữa. Ông mua một cặp gà trống - mái, về nuôi. “Với đôi cánh chắc khỏe, chúng có thể thoát được những cạm bẫy của xã hội”, ông nghĩ thế. Nhưng độ chừng một tháng, khi đôi gà đã trưởng thành, sinh cho ông được chục quả trứng thì cũng là lúc vận xui lại đến. Nhà ông trong con đường làng, dù được bê-tông hóa nhưng bé xíu, chỉ đủ hai làn xe gắn máy. Hai con gà xấu số lao ra đường bị xe ba gác máy cán chết. Ông nghe tiếng kêu thất thanh, bỏ dở luống rau đang tỉa, vội chạy ra xem thì chúng đã ngắc ngoải. Ông khóc:

- Tụi bây sao vậy? Có cánh mà sao không chịu bay để thiệt mạng thế này. Còn mười trứng đang chờ con ấp kìa gà mái ơi...

Rồi ông lại mang chúng đi chôn, bán luôn cả 10 quả trứng cho bà Sáu đầu xóm để bà bỏ vào tổ cho gà mái ấp. Bà có gợi ý cho ông mượn tổ để gà mái của bà ấp giùm nhưng ông không muốn thế.

- Tôi không muốn nuôi gà nữa, bà ạ!

Ông nảy ra ý tưởng mua một chú vịt về nhà nuôi, do một lần nhìn thấy bầy vịt xiêm của ông Tám hàng xóm tung tăng dưới nước. Có lẽ ông nghĩ vịt là loài gia cầm sống trên cạn, dưới nước và bay được thì mạng sống sẽ được bảo toàn cao hơn. Chỉ mới mua về vài ngày mà con Nhóc, tên chú vịt, đã yêu quý ông, cứ chạy theo ông như đứa con bé bỏng đi theo cha tìm chỗ che chắn. Thấy nó ngoan quá, cưng quá nên ông không nuôi ngoài chuồng mà cho ngủ trên giường đàng hoàng. Để dạy con Nhóc ăn ở như con người, ông phải mất một tháng để huấn luyện nó. Từ đấy nó trở thành con vịt sạch sẽ nhất dù rằng bản năng nó vẫn thế. Ông còn đeo cho Nhóc một chiếc lục lạc nhỏ để khi nó đi lạc, ông nghe thấy mà tìm. Có nhiều lần, dẫn nó ra sau vườn nhà rỉa rau cải, ngắm nó trong bộ dạng lạch bạch, ông bảo:

- Con đáng yêu quá, Nhóc ạ! Cha trồng cho con ăn đấy! Ăn cho nhiều để chóng lớn.

Hai thực thể, một con người, một loài vật sánh bước nhau đi trên triền đê trong buổi chiều tà cứ như người cha đón con đi học về. Có hôm, trời mưa như trút, ông chịu trận, đặt con Nhóc vào trong áo để nó không bị ướt. Nhiều người thấy vậy cho rằng có thể do con ông chết nên đâm ra ông bị điên nặng, nghĩ súc vật là con của mình. Ông nghe thấy hết nhưng ông gác bỏ ngoài tai vì ông nghĩ rằng không thể để nỗi buồn vô cớ lấn át đi niềm vui của mình.

Nhưng niềm vui ấy chẳng tày gang. Một ngày xấu trời, con vịt đỏng đảnh dễ thương của ông sau buổi bơi lội mỏi chân, vội dừng ngay bờ ao để rỉa lông rỉa cánh. Bỗng đâu có một con trăn to bằng bắp chân, trườn ra bến nước siết cổ con vịt. Nghe tiếng kêu cạp cạp cùng với tiếng lục lạc, ông đoán là Nhóc ông có chuyện nên vội chạy thục mạng ra sau hè thì nhìn thấy con trăn đang định nuốt chửng con vịt. Ông lao tới, dùng cây to hất con trăn ra rồi la lên với nét mặt giận dữ:

- Ông Tám! Ông Tám đâu, mau ra đây xem.

Bỏ dở bữa cơm trưa, ông Tám chạy ra xem:

- Chuyện gì thế ông Năm?

- Ông nhìn đi, có phải con trăn của ông không?

- Ờ...

- Nó đã giết chết con của tôi rồi.

- Ông vừa nói vừa khóc như đứa trẻ vừa bị đánh đòn.

- Cho tôi xin lỗi về chuyện này. Nó sổng chuồng hồi nào tôi không hay. Nhưng anh cũng không nên làm quá lên thế. Nó chỉ là con vịt thôi mà. Bao nhiêu tiền tôi đền cho?

- Đối với tôi, nó là đứa con ngoan ngoãn. Anh nghĩ có tiền sẽ mua được một sinh mạng ư?

- Anh vừa phải thôi chứ. Nó là loài vật để chúng ta ăn, anh hiểu chưa? Đừng có mụ mị u mê cho rằng nó là con anh nữa. Tỉnh lại đi.

Ông Tám chìa 100 ngàn đưa cho ông Năm nhưng ông khoát tay:

- Anh giữ lại để dùng gia cố chuồng trăn của anh cho cẩn thận đi, kẻo nó tiếp tục đi ăn những con thú khác. Nói rồi ông ôm con vịt vào nhà. Ông Tám hứ một tiếng bỏ đi, không quên buông một câu nặng nề: “Đúng là thần kinh!”.

Nhóc của ông mất. Tình nghĩa hàng xóm cũng chẳng còn. Người ta cho đó là lỗi tại ông làm vấn đề to tát lên. Cái thứ gia súc, gia cầm thì chỉ là công cụ để con người tiêu khiển, cần gì phải cưng chìu như con đẻ - họ bảo thế. Nhưng có ai hiểu cho ông, nhiều năm rồi, ông khao khát được làm cha, được có ai đó bầu bạn, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống tẻ nhạt ở tuổi xế chiều. Và trên hết, suy nghĩ đó xuất phát từ lòng yêu thương động vật của một người từ tâm như ông!

Nguyễn Hoàng Duy/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nhung-dua-con-nuoi-post74364.html
Zalo