Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu
Thị trường việc làm toàn cầu đang chuẩn bị cho một sự chuyển đổi đáng kể vào năm 2030, khi nhiều việc làm phải đối mặt với sự gián đoạn, theo Báo cáo Tương lai của việc làm tháng 1/2025, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.
Việc định hình lại bối cảnh việc làm toàn cầu này sẽ chứng kiến sự ra đời của 170 triệu việc làm mới, và tiếp đó là 92 triệu việc làm hiện tại sẽ bị thay thế, dẫn đến mức tăng trưởng ròng 78 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu của WEF, động lực thúc đẩy những thay đổi sâu rộng này là những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, các mô hình nhân khẩu học đang phát triển, căng thẳng địa kinh tế leo thang và áp lực kinh tế gia tăng. Những động lực này đang cùng nhau thay đổi các ngành công nghiệp và nghề nghiệp trên quy mô toàn cầu.
Thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng kinh doanh sẽ là sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các kỹ năng sẵn có và kỹ năng cần thiết, khi gần 40% năng lực cần có tại nơi làm việc sẽ thay đổi. Sự không phù hợp về kỹ năng này vốn đã là mối quan tâm cấp bách, khi có gần 2/3 người sử dụng lao động (tương đương 63%) coi đây là rào cản chính đối với tăng trưởng. Trong bối cảnh thị trường việc làm tiếp tục chuyển đổi nhanh chóng, khoảng cách này có thể tạo ra một nút thắt thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Trong khi nhu cầu về trình độ công nghệ trong trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và an ninh mạng dự kiến sẽ tăng mạnh, thì những năng lực lấy con người làm trung tâm như tư duy sáng tạo, sự linh hoạt và khả năng thích ứng sẽ tiếp tục là yếu tố thiết yếu. Sự phát triển chuyên môn sẽ phụ thuộc vào sự kết hợp giữa các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm này.
Những biến động trên thị trường lao động
Theo WEF, chi phí sinh hoạt tăng cao đã trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi trên thị trường lao động, với một nửa số nhà tuyển dụng dự báo điều này sẽ chuyển đổi các mô hình kinh doanh của họ.
Mặc dù lạm phát toàn cầu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng áp lực giá cả dai dẳng cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại được dự báo sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với việc làm. Sự biến động kinh tế này sẽ buộc cả doanh nghiệp và người lao động phải đánh giá lại vị trí và chiến lược trong một thị trường ngày càng biến động.
Ngoài ra, các mô hình khác nhau trong xu hướng nhân khẩu học được dự kiến sẽ tác động đáng kể đến lực lượng lao động toàn cầu.
“Dân số già hóa ở các nền kinh tế phát triển hơn đang thúc đẩy nhu cầu về các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, trong khi dân số trong độ tuổi lao động gia tăng ở các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn đang thúc đẩy sự mở rộng trong các vị trí việc làm liên quan đến giáo dục. Nhằm thu hẹp khoảng cách này, các doanh nghiệp sẽ cần ưu tiên cải thiện kỹ năng quản lý tài năng, đào tạo và cố vấn”, ông Jack Kelly, Giám đốc điều hành Công ty Compliance Search Group nhận định trên Tạp chí kinh doanh Forbes.
Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà tuyển dụng, với 34% các doanh nghiệp xác định đây là vấn đề chính. Những tác động của các xung đột này, bao gồm các biện pháp hạn chế thương mại và sự thay đổi trong chính sách về công nghiệp đang buộc nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược hoạt động.
Một số doanh nghiệp đang tìm hiểu các lựa chọn để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội mới nổi. Ngoài ra, áp lực địa chính trị đang khuếch đại nhu cầu về các kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như an ninh mạng, khi các doanh nghiệp nỗ lực bảo vệ lợi ích trong một môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp.
Chuyển đổi số
Với sự trỗi dậy của công nghệ AI, 50% các nhà tuyển dụng toàn cầu đang có kế hoạch thay đổi hoạt động. Trước những tiến bộ công nghệ này, 77% các doanh nghiệp có kế hoạch nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Trong khi đó, với sự gia tăng của tự động hóa, 41% nhà tuyển dụng dự kiến sẽ cắt giảm nhân sự ở một số lĩnh vực nhất định.
Đáng chú ý, gần một nửa số nhà tuyển dụng đang cân nhắc tái cấu trúc nội bộ, chuyển nhân sự từ những vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi AI sang các vai trò khác. Giải pháp này sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng hiện tại, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của sự gián đoạn công nghệ đối với việc làm.
Người chiến thắng và kẻ thua cuộc
Cũng theo báo cáo nói trên, các nghề nghiệp tuyến đầu được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng việc làm vào năm 2030. Các vị trí việc làm như lao động nông trại, tài xế giao hàng và công nhân xây dựng dự kiến sẽ tăng đáng kể. Xu hướng này mở rộng sang các lĩnh vực thiết yếu, với sự tăng trưởng đáng kể được dự báo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, chủ yếu là các chuyên gia điều dưỡng và giáo viên trung học.
Những vị trí việc làm trong lĩnh vực AI, robot và hệ thống năng lượng cũng sẽ có nhu cầu cao. Các chuyên gia dữ liệu lớn, kỹ sư công nghệ tài chính (fintech), các chuyên gia AI và học máy, cùng các nhà phát triển phần mềm và ứng dụng sẽ nằm trong số những vị trí tăng trưởng nhanh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm.
Tiếp đó, sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới tính bền vững cũng đang tác động đến các xu hướng thị trường việc làm. Những việc làm về chuyển đổi năng lượng và xanh đang trở nên nổi bật, với các vị trí việc làm như chuyên gia xe tự hành và xe điện, kỹ sư môi trường và kỹ sư năng lượng tái tạo trở nên nổi bật trong số các nghề tăng trưởng nhanh nhất.
Trong khi một số ngành đang mở rộng, thì những ngành khác đang phải đối mặt với sự sụt giảm. Các việc làm truyền thống như nhân viên thu ngân và trợ lý hành chính tiếp tục giảm, và hiện nay là các vị trí việc làm như nhà thiết kế đồ họa, do sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ AI tạo sinh (Gen AI). Tương tự như vậy, các doanh nghiệp cũng dự báo sự sụt giảm đối với những vị trí việc làm như nhân viên bưu điện, giao dịch viên ngân hàng và nhân viên nhập dữ liệu.