Những đột phá để Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn lớn

Với lợi thế hạ tầng, nhân lực cùng cơ chế đặc thù, Đà Nẵng đang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy trở thành một trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo lớn của cả nước.

Đà Nẵng ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn -Al với các đối tác.

Đà Nẵng ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn -Al với các đối tác.

Mở rộng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn-Al

Năm 2024, hệ sinh thái vi mạch bán dẫn -Al của Đà Nẵng dần được mở rộng, đa dạng hơn. Thành phố có 9 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, đa số thực hiện gia công thiết kế và nghiên cứu, ứng dụng ở mức cơ bản, chưa có doanh nghiệp sản xuất hoặc lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn, cũng như các doanh nghiệp sản xuất các trang thiết bị cho ngành công nghiệp bán dẫn. Với ngành Al thì Đà Nẵng có hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng với nhiều doanh nghiệp lớn như Vietel, VNPT, FPT, LG…Một số doanh nghiệp Đà Nẵng đã phát triển sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo như nền tảng camera thông minh, trợ lý số, nền tảng cảng thông minh…

Trong tháng 11-2024, thành phố có 3 doanh nghiệp thiết kế vi mạch được thành lập mới, gồm Công ty Mixel Việt Nam (Hoa Kỳ), Chi nhánh Công ty TNHH Công Nghệ Marvell Việt Nam tại Đà Nẵng (Hoa Kỳ), Công ty TNHH Sibridges Việt Nam (Hoa Kỳ), Công ty Ideas2Silion Việt Nam (Hàn Quốc). Ngoài ra, có 1 doanh nghiệp phát triển hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là Công ty Cổ phần Trí tuệ nhân tạo Việt Nam AIAIVN. 3 doanh nghiệp thực hiện mở rộng quy mô đầu tư và nhân sự gồm Synopsys, Quest Global, FPT Semiconductor. Ngoài ra còn một số dự án sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết bị phục vụ công nghiệp bán dẫn đang thực hiện thủ tục đầu tư thành thành phố. Trung tâm DSAC đang hỗ trợ thu hút trực tiếp 3 dự án thiết kế chip bán dẫn, 2 dự án về sản xuất trang thiết bị bán dẫn, 1 dự án về vật liệu bán dẫn.

Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin và liên quan trên địa bàn thành phố bắt đầu xây dựng dịch vụ trí tuệ nhân tạo như là một sản phẩm để thương mại hóa. Những sản phẩm hiện tại trên địa bàn thành phố đa số tập trung vào khâu ứng dụng trong chuỗi cung ứng trí tuệ nhân tạo. Những doanh nghiệp phát triển các sản phẩm như hệ thống tư vấn trả lời tự động, hệ thống lái tự động, hệ thống máy bay drone tự động … trực tiếp được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn.

Tập trung 3 đột phá

Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp, tập trung vào 3 đột phá để phát triển vi mạch bán dẫn và Al gồm thể chế, nhân lực, hạ tầng. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong ba trung tâm lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển ứng dụng Al. Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và Al cùng với các lĩnh vực công nghệ số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số Đà Nẵng đóng góp tối thiểu 35% - 40% GRDP thành phố. Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn (có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói…); đặt mục tiêu tăng lên ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế; phấn đấu thu hút ít nhất 1 đến 2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử; phấn đấu có ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được ươm tạo và tăng tốc phát triển. Đối với lĩnh vực Al, thành phố đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, thu hút ít nhất 3.000 nhân lực chất lượng cao; phát triển 20 sản phẩm trí tuệ nhân tạo do doanh nghiệp Đà Nẵng thực hiện.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua thành phố đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó đã tổ chức 3 lớp đào tạo giảng viên nguồn về vi mạch bán dẫn với 40 giảng viên. Đến tháng 11-2024, thành phố đã có 4 đơn vị tuyển sinh với khoảng 320 chỉ tiêu về kỹ sư vi mạch bán dẫn. Thành phố đang xây dựng và hoàn thiện Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90 ngàn m2, đáp ứng cho hơn 6 ngàn nhân sự. Khu Công viên phần mềm (CVPM) số 2 bao gồm phân khu sản xuất, kinh doanh với diện tích gần 39 ngàn m2 (trong đó khu sản phẩm và dịch vụ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hơn 13,2 ngàn m2); phân khu nghiên cứu-phát triển, tư vấn, đào tạo, vườn ươm công nghệ thông tin với diện tích hơn 11,4 ngàn m2 (trong đó không gian phục vụ các đơn vị thuộc hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và Al gồm khu chuyên gia, nhà khoa học hơn 3 ngàn m2)… Khu CVPM số 2 được thành phố xem xét ưu tiên phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện nay đã có 20 doanh nghiệp đăng ký đặt văn phòng tại đây sau khi Khu CVPM số 2 được đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp trình diễn sản phẩm ứng dụng Al tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Doanh nghiệp trình diễn sản phẩm ứng dụng Al tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.

Hiện nay thành phố đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ trình xây dựng các dự thảo Nghị quyết của HĐND TP cụ thể hóa Nghị quyết 136 của Quốc hội qui định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn-Al. Những chính sách này sẽ tạo động lực và chuyển biến quan trọng để thu hút đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đó, về phát triển nguồn nhân lực, thành phố sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn-Al; hỗ trợ 30% chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn-Al; miễn thuế, ưu đãi thuế trong 5 năm cho doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược lĩnh vực vi mạch bán dẫn tối đa 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; sử dụng miễn phí mặt bằng và hỗ trợ thiết lập ban đầu đối với đơn vị thuê mặt bằng tại Khu CVPM số 2.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-dot-pha-de-da-nang-tro-thanh-trung-tam-vi-mach-ban-dan-lon-post304860.html
Zalo