Những điều kỳ lạ ở đảo quốc nhỏ bé nơi người dân to béo bậc nhất thế giới
Nauru, nằm ở Đông Bắc Australia, không chỉ có diện tích nhỏ nhất thế giới mà đảo quốc này còn có một nền kinh tế với lịch sử phát triển thú vị: từng giàu có và trở nên nghèo khó bậc nhất thế giới.
Quốc đảo Nauru bao gồm một hòn đảo san hô nhô cao nằm ở Đông Nam Micronesia, cách Xích đạo 40km về phía Nam Thái Bình Dương. Láng giềng gần nhất là đảo Banaba, ở Kiribati, khoảng 300km về phía Đông.
1. Quốc đảo nhỏ nhất thế giới: Nauru rộng chưa đầy 21 km vuông, chỉ lớn hơn 2 quốc gia khác là Vatican City và Monaco. Với diện tích khiêm tốn như vậy, Nauru không có khu bảo tồn, không có di sản thế giới, không có sông và chỉ có 30km đường cùng tuyến đường sắt dài 5km.
2. Đất nước ít được ghé thăm nhất trên thế giới: Vì khó tiếp cận và rất hoang sơ, nên Nauru không có nhiều khách du lịch ghé thăm. Năm nhiều nhất chỉ tầm 1.000 du khách, nhưng cũng có năm chỉ khoảng 200 du khách. Nhiều tạp chí du lịch xếp hạng Nauru nằm trong 10 nước ít được ghé thăm nhất thế giới và cũng là một trong những hòn đảo cô lập nhất thế giới.
Hòn đảo này nằm cách bờ biển phía đông bắc Australia 3.000 km và cách Brisbane 4,5 giờ bay theo Nauru Airlines. Trên toàn đảo chỉ có hai khách sạn: Menen và OD-N-Aiwo, cũng như một nhà nghỉ và một nhà dân.
3. Quốc gia “béo” nhất trên Trái đất: Theo World Factbook của CIA, 61% trong số 10.000 cư dân của Nauru bị béo phì. Với trọng lượng của người trưởng thành tăng gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu, người dân trên đảo được cho là có khuynh hướng tăng cân về mặt di truyền. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2014 cho rằng, nguyên nhân dẫn đến béo phì đến từ cách ăn uống học từ những người định cư thuộc địa, họ đã dạy cư dân trên đảo cách ăn của phương Tây - chẳng hạn như chiên cá.
4. Một trong những quốc gia có GDP thấp nhất: theo countryeconomy.com, năm 2020, GDP của Nauru hơn 115 triệu USD, đứng thứ 195 trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới.
Tuy là một quốc gia nhỏ bé, Nauru cũng có đường sắt. Một đoạn đường sắt khổ hẹp dài 3,9km được xây dựng vào năm 1907 để vận chuyển phosphate đã khai thác - nền tảng của kinh tế hòn đảo trong nhiều thập kỷ.
5. Không có thủ đô chính thức: Là trụ sở thường trực của chính phủ, Yaren không chính thức là thủ đô của Nauru. Nhưng thực chất đây không phải là một thành phố mà là một khu vực ở bờ biển phía nam. Đây cũng là nơi bạn sẽ tìm thấy hầu hết các tòa nhà đại sứ quán (Đài Loan - Trung Quốc và Australia) và sân bay quốc tế.
6. Hầu hết người trên đảo đều nói tiếng Anh: Với mối quan hệ chặt chẽ với Australia, New Zealand và Vương quốc Anh, không có gì ngạc nhiên khi Nauru là 1 trong 45 quốc gia có ít nhất một nửa dân số nói tiếng Anh (theo cuốn sách “English as a Global Language” của David Crystal). Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức là Nauru, một ngôn ngữ đảo Thái Bình Dương riêng biệt được sử dụng trong hầu hết gia đình bản địa.
7. Không có quân đội: Nauru là 1 trong 36 quốc gia và vùng lãnh thổ không có quân đội. Australia chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh, an toàn cho hòn đảo này.
8. Nauru là hòn đảo không bị tấn công bởi COVID-19: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), không có ca nhiễm COVID-19 ở Nauru. Các biện pháp sớm và quyết liệt đã ngăn chặn thành công sự bùng phát COVID-19 ở Nauru.
9. Lịch sử khai thác phosphate: Khai thác phosphate là nguồn thu nhập chính của Nauru trong những năm 1970 và 1980. Với giá phosphate cao trong những năm 1970, Hughes ước tính rằng, GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1975 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Saudi Arabia.
Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp đó không tồn tại lâu. Do khai thác quá mức, nguồn phosphate trở nên cạn kiệt và đất nước lâm vào cảnh nợ nần. Chi tiêu của chính phủ bắt đầu vượt quá doanh thu.
Đất nước này có thể xây dựng ngành du lịch bằng cách sử dụng cảnh quan địa lý độc đáo để thu hút khách du lịch. Đồng thời, để tăng trưởng bền vững, chính phủ có thể xem xét sử dụng năng lượng mặt trời thay vì nhập khẩu dầu diesel. Bên cạnh đó, Nauru cần phải tiết kiệm nhiều hơn, đồng thời hy vọng rằng giá cả vẫn ở mức cao và Australia tiếp tục trả tiền cho trung tâm RPC.
10. Đã có cuộc thảo luận về việc chuyển công dân sang Australia: Trong suốt những năm 1960, đã có những cuộc thảo luận liên tục về việc di chuyển toàn bộ dân số Nauru đến một hòn đảo ngoài khơi Queensland, Australia. Các chuyên gia tin rằng Nauru sẽ trở nên không thể ở được vào giữa những năm 1990. Bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu và bị tàn phá bởi hoạt động khai thác phosphate, các nhà khoa học tin rằng cảnh quan đã bị tàn phá nặng nề nên việc đầu tư xây dựng lại hòn đảo sẽ quá tốn kém. Di dời là lựa chọn duy nhất.
Năm 1962, thủ tướng Australia Robert Menzies thừa nhận rằng nước này có "nghĩa vụ rõ ràng... mang lại một tương lai khả quan cho người Nauru", dựa trên những lợi ích thương mại và nông nghiệp to lớn mà họ thu được từ phốt phát ở Nauru. Điều này có nghĩa là “hoặc tìm một hòn đảo cho người Nauru hoặc tiếp nhận họ vào một trong ba quốc gia, hoặc cả ba quốc gia”. Người Nauru phản đối ý tưởng này và chọn ở lại.
Tổng hợp