Đưa Chèo vào cuộc sống đương đại

Mới đây, tại Rạp Công nhân (Hà Nội) diễn ra chương trình 'Chèo nảy chèo nay'. Trước đó, vở diễn 'Thị Màu xuyên không' của những người trẻ cũng đem đến những khác biệt đầy bất ngờ… Giống như các loại hình sân khấu truyền thống khác, bảo tồn chuẩn mực nghệ thuật Chèo và phát huy, lan tỏa trong đời sống đương đại là vấn đề luôn được đặt ra. Nhưng khó khăn lại luôn ở ngay trước mắt.

Một cảnh trong vở “Thị Màu xuyên không”. Ảnh: V.H.

Một cảnh trong vở “Thị Màu xuyên không”. Ảnh: V.H.

Đổi mới và trẻ trung

Dẫu vậy nhưng cũng đã có những tín hiệu khá tích cực khi có những người trẻ sáng tác, biểu diễn Chèo. Họ có thể không ở một đoàn Chèo chuyên nghiệp, cũng không được đào tạo bài bản, trường lớp nhưng với tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống rất độc đáo này, họ đã tìm đến Chèo như một nhu cầu tự thân.

Chính điều đó đã khiến sân khấu Chèo trẻ trung hơn, gần gũi với người xem hơn. Cùng với những người hoạt động chuyên nghiệp, họ đã là “cánh tay nối dài” hiệu quả lan tỏa nghệ thuật Chèo trong cuộc sống hôm nay khi mà có rất nhiều áp lực đến từ các loại hình nghệ thuật, các phong cách, trào lưu nghệ thuật tân kỳ khác.

Tối 18/9 vừa qua, Nhà hát Chèo Việt Nam ra mắt chương trình nghệ thuật “Tâm sự quê”. Vở diễn Chèo đề tài hiện đại nhưng cách dàn dựng giữ nguyên những nét đặc trưng của sân khấu Chèo truyền thống đã khiến khán giả thêm yêu hơn nghệ thuật Chèo. “Tâm sự quê” phần nào đã khắc họa được cuộc sống làng quê Việt Nam trong nhịp sống đầy biến động của xã hội hiện đại. Nói như đạo diễn chương trình, NSƯT Vũ Bá Dũng thì Chèo có thể không rộn ràng như một số loại hình nghệ thuật khác nhưng ẩn trong đó là nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa. Càng xem, càng thấy giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống này.

Từ hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian ra đời hơn nghìn năm trước ở miền thôn quê Bắc Bộ, phát triển thành nghệ thuật sân khấu truyền thống ở chốn thị thành, nhưng Chèo chưa bao giờ rời bỏ người nông dân. Xưa đã thế và nay vẫn vậy.

Chính vì thế, những người hoạt động trong lĩnh vực Chèo cho rằng không cần phải quá băn khoăn chuyện Chèo có thể đi vào đề tài hiện đại hay không, mà vấn đề cần phải giải quyết thỏa đáng là làm thế nào để Chèo chiếm lĩnh được tâm tư tình cảm của khán giả hôm nay, mang hơi thở của thời đại mới mà vẫn giữ được những nét hay, nét đẹp của Chèo truyền thống.

Đã có không ít vở Chèo hiện đại hóa trên nền tảng Chèo truyền thống và đã thành công. Trong số những tác giả, tác phẩm thành công của sân khấu Chèo hiện đại không thể không nhắc tới cố tác giả, đạo diễn Tào Mạt và bộ ba vở “Bài ca giữa nước” (“Lý Thánh Tông tuyển hiền”, “Ỷ Lan nhiếp chính”, “Lý Nhân Tông kế nghiệp”) do ông sáng tác và dàn dựng cho Nhà hát Chèo Quân đội, công diễn từ năm 1979 đến năm 1985. Thành công của “Bài ca giữ nước” mang lại bài học quý cho những người làm Chèo hiện đại khi biết chọn lọc và phát huy những giá trị tinh hoa của Chèo cổ, biết cách làm cho vẻ đẹp vốn có của Chèo cổ vừa lung linh đẹp đẽ, vừa gần gũi hơn với cuộc sống hôm nay.

Theo GS.TS Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia), từ những bài học được rút ra, từ những thành công và thất bại trên con đường cải tiến nghệ thuật Chèo, cần hiểu rằng muốn làm Chèo hiện đại và Chèo khai thác đề tài hiện đại thì phải nắm rất vững Chèo truyền thống. Quan trọng hàng đầu là khâu sáng tác kịch bản, từ đó chi phối khâu dàn dựng, thiết kế mỹ thuật sân khấu và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên.

Mở rộng ra, bà Phương cho rằng để việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cổ truyền dân tộc trong xã hội hiện đại được tốt hơn, rất cần sự khích lệ tinh thần và hỗ trợ vật chất từ các cấp chính quyền và cơ quan ngành văn hóa. Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích và giúp đỡ đối với các nghệ nhân dân gian - những “báu vật sống” của đất nước. Trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, Nhà nước cần có nhiều hơn nữa các chính sách ưu tiên đặc biệt, khuyến khích lớp trẻ theo học ngành sân khấu truyền thống và có chế độ đãi ngộ tốt khi họ ra làm nghề để giữ chân người học và dần bổ sung đội ngũ kế cận cho sân khấu Chèo.

Thu hút người trẻ

Hiện nay, một số loại hình nghệ thuật như nhạc trẻ, phim ảnh, hài kịch… đang dần chiếm ưu thế, có lượng người xem đông đảo. Ngược lại, các loại hình nghệ thuật truyền thống như Chèo lại mất dần đi người xem. Đặc biệt là lớp trẻ đang không hiểu rõ hoặc hiểu sai về Chèo, cách tiếp cận của Chèo cũng gặp nhiều hạn chế.

Như vậy, việc thu hút và giữ được lửa trong nghệ thuật Chèo là điều phải “cân đo đong đếm”, đặc biệt là trong khâu tuyển chọn người tài và có niềm đam mê với Chèo.

Khi nói về Chèo trong cuộc sống hiện đại, NSND Thanh Ngoan - người đã có nhiều năm gắn bó, đóng góp cho nghệ thuật Chèo bày tỏ lo lắng làm sao đưa Chèo đến được gần hơn với công chúng, làm sao để Chèo được giới trẻ yêu thích.

Theo NSND Thanh Ngoan, đó thật sự là bài toán khó. Trước đây, để diễn một vở Chèo, các nghệ sĩ chỉ cần tấm chiếu hoặc cây đa, bến nước, sân đình là có thể có một buổi diễn hoàn chỉnh. Nhưng để theo kịp bước tiến của công nghệ cũng như nhu cầu thị giác của khán giả, vẫn là những vở Chèo giữ cốt cách truyền thống, lề lối, nguyên tắc thì phải thêm vào đó là trang phục, sân khấu, ánh đèn, mọi thứ đều đẹp hơn, ấn tượng hơn mới có thể thu hút đông đảo người xem.

Từ bảo tồn tới sáng tạo, đó chính là nguyên lý đối với nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo. Sân khấu Chèo rộng mở, gần gũi, nơi gặp gỡ của cả cộng đồng, không phân biệt độ tuổi, nam nữ, thành phần xã hội, nhưng nếu bị “mất chất”, xa rời cội rễ hoặc không được bổ sung nét mới thì sẽ không thành công.

Trong bối cảnh hiện đại, nghệ thuật Chèo phải đối mặt với khá nhiều thách thức, như sự thay đổi trong lối sống, sự xuất hiện của các hình thức giải trí mới và sự thiếu hụt các nghệ nhân trẻ kế cận. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút khán giả trẻ đến với sân khấu Chèo.

Tác giả Lê Thế Song, một người viết đắm đuối với Chèo cho rằng, cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội để thu hút khán giả. Bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ quá nhiều sự lựa chọn, nếu sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ thì lớp trẻ không thích là điều dễ hiểu. Muốn thu hút khán giả trẻ, sân khấu truyền thống cần có sự đổi mới.

Theo NSND Thanh Ngoan, dù cuộc sống có phát triển như thế nào thì nghệ thuật truyền thống - nghệ thuật Chèo vẫn là hồn cốt của dân tộc, là tinh hoa hun đúc truyền thống lịch sử cha ông của chúng ta, là món ăn tinh thần trong văn hóa của người Việt Nam. Và hơn bao giờ hết, khi mạng xã hội phát triển, những người đang làm nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo cần phát huy điểm mạnh này, để làm sao thu hút được đông đảo người xem. Để làm được điều này, Chèo phải khai thác đề tài hấp dẫn hơn, hợp thời đại, để người xem thêm yêu Chèo.

Phương Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-cheo-vao-cuoc-song-duong-dai-10294757.html
Zalo