Những điều kiêng kỵ khi ăn sầu riêng

Loại trái cây nhiệt đới này có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng có thể phản tác dụng nếu ăn sai cách.

Axit amin tryptophan trong sầu riêng có tác dụng gì?

Ngăn ngừa trầm cảm
Chống ung thư
Hỗ trợ tiêu hóa

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), sầu riêng chứa các axit amin tryptophan - hợp chất gây ngủ tự nhiên. Tryptophan cần thiết để tăng mức độ serotonin và melatonin. Serotonin rất cần thiết để giảm căng thẳng, mất ngủ, lo lắng, thèm ăn cũng như trầm cảm.

Bộ phận nào của sầu riêng có lợi cho sức khỏe:

Phần vỏ
Phần lõi
Phần rễ, lá
Tất cả bộ phận trên

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết vỏ sầu riêng có tính ấm, vị cay nồng, ngọt ngào; vào kinh Phế, Can, Thận, có tác dụng thanh nhiệt, thanh hỏa, dưỡng âm, dưỡng ẩm cho da khô, bôi ngoài da ngứa. Lõi sầu riêng có tác dụng bổ Thận, bổ Tỳ. Rễ sầu riêng dùng chữa bệnh kiết lỵ kịch phát, nhựa và lá cây có tác dụng giải độc, tiêu đờm, lá có tác dụng chữa bệnh vàng da. Bột khô của lá và vỏ cây có thể bôi vào vết thương để cầm máu.

Ăn nhiều sầu riêng có nguy cơ ảnh hưởng khả năng sinh lý?

Đúng
Sai

Theo bác sĩ Vũ, sầu riêng chứa hàm lượng estrogen cao - loại hormone giúp thụ thai và có thể hoạt động như một loại thuốc thảo dược. Bên cạnh đó, sầu riêng có thể tăng cường ham muốn tình dục và sức chịu đựng, đồng thời làm giảm nguy cơ vô sinh ở nam giới và phụ nữ, tăng khả năng vận động của tinh trùng.

Vì sao không nên ăn sầu riêng cùng thịt bò?

Gây rối loạn tiêu hóa
Làm tăng cholesterol đột ngột
Tăng huyết áp

Bác sĩ Vũ khuyến cáo không ăn sầu riêng cùng một số loại thịt như bò, cừu, chó và hải sản. Sầu riêng là loại trái cây chứa rất nhiều đường, kali, chất béo, glycemic. Trong khi đó, các loại thịt trên đều là nguồn bổ sung protein dồi dào và nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu. Khi sử dụng cùng lúc hai loại này sẽ khiến cholesterol trong cơ thể tăng cao đột ngột.

Đồ uống này rất kỵ với sầu riêng:

Nước cam
Cà phê
Nước ép dưa hấu

Bác sĩ Vũ cho biết sầu riêng rất kỵ cà phê, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa và hơi thở rất nặng mùi. Điều này là do trong sầu riêng chứa lượng lớn dầu có sulfur kết hợp với caffeine trong cà phê gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase, nguyên nhân dẫn đến 70% chất oxy hóa trong tế bào không được chuyển hóa, từ đó gây độc cho cơ thể.

Ăn quá nhiều sầu riêng có thể dẫn đến:

Đau họng
Dị ứng
Tăng cân
Tất cả hậu quả trên

Một số người có thể bị dị ứng với sầu riêng. Khi ăn quá nhiều, họ có thể bị nổi mề đay, nôn mửa hoặc sổ mũi. Sầu riêng được biết đến là loại thực phẩm có tính nóng, khi ăn quá nhiều, cổ họng sẽ bị khô và khàn. Bạn cũng có thể tăng vài kg khi ăn sầu riêng thường xuyên vì nó giàu calo. Do đó, bác sĩ Vũ khuyến cáo nên ăn sầu riêng với số lượng vừa phải, tối đa 2 múi một ngày và mỗi tuần chỉ nên ăn 1-2 lần.

Ai không nên ăn sầu riêng?

Người mắc bệnh tim, thận
Người bị thiếu máu
Người mắc bệnh về xương

Sầu riêng có hàm lượng kali cao, vì vậy, những người mắc bệnh thận và bệnh tim nên hạn chế ăn. Chất kali bị ứ đọng lại trong cơ thể khi bị suy thận sẽ cực kỳ nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột mà không có triệu chứng báo trước.

Sầu riêng ăn cùng khi uống rượu đặc biệt nguy hiểm với:

Người bị rối loạn tiêu hóa
Người mắc bệnh tiểu đường
Người bị bệnh dạ dày

Theo bác sĩ Vũ, sầu riêng không nên ăn khi uống rượu. Hai món này ăn cùng nhau sẽ sinh nhiệt không tốt cho cơ thể. Đối với người bị tiểu đường, tăng huyết áp, cách kết hợp này sẽ gây ra nhức đầu, tim đập nhanh, nghiêm trọng hơn là gây xuất huyết và đột quỵ.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-dieu-kieng-ky-khi-an-sau-rieng-post1443872.html
Zalo