Những điều chưa biết về Nhà đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ ghi dấu chứng tích tội ác của quân xâm lược, mà còn là biểu tượng tự hào của tỉnh Đắk Lắk và cả nước, phản ánh sâu sắc tinh thần anh hùng cách mạng.

Tri ân công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng

Sáng 24/1, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cách đây tròn 81 năm, vào ngày 25/1/1944, tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, các tù nhân chính trị đã trọng thể tổ chức "Cuộc duyệt binh", sự kiện có một không hai trong hệ thống nhà tù, nhà đày của thực dân Pháp trên toàn thế giới.

Tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong không gian Nhà đày Buôn Ma Thuột, mang lại niềm xúc động và hân hoan cho mọi người. Cuộc duyệt binh diễn ra chỉ trong thời gian ngắn, nhưng đã thể hiện rõ ý chí quật cường và kết quả học tập của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây.

Thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, ngày 25/1 hằng năm được chọn làm ngày tri ân các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tại lễ tri ân, ông Lê Chí Quyết (SN 1928), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, không giấu được xúc động: "Mỗi lần trở lại di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột, tôi luôn nhớ đến công ơn của các chiến sĩ cách mạng và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh nơi đây. Nếu không có những người đi trước thì sẽ không có được đất nước như hôm nay".

Toàn cảnh buổi lễ.

Toàn cảnh buổi lễ.

Ông Quyết cũng chia sẻ, sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk tại Nhà đày Buôn Ma Thuột là một lời hiệu triệu mạnh mẽ, kêu gọi toàn dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và giải phóng đất nước.

Đồng thời, sự kiện này cũng mở đường cho chiến thắng Buôn Ma Thuột vào năm 1975.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, lễ tri ân là dịp để tất cả các thế hệ người dân trong tỉnh tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc lão thành cách mạng, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, góp phần vào công cuộc giải phóng Buôn Ma Thuột - trận chiến mở đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

Hằng năm, Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là nơi tổ chức các lễ dâng hương kỷ niệm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. Vào các ngày truyền thống, kết nạp Đảng,... các hội, đoàn thể, sở, ngành trên địa bàn cũng đến đây để tổ chức các sự kiện, hoạt động.

Theo thông tin từ bà Hiếu, Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong hai Di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng trùng tu, tôn tạo và phát triển các hoạt động tại đây.

Di tích cũng được ưu tiên đầu tư để tái hiện và phục dựng lại các hoạt động của nhà đày trong thời kỳ chiến tranh, góp phần giáo dục thế hệ trẻ và thu hút du khách từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu về Di tích Quốc gia đặc biệt này.

Trong dịp Tết, Nhà đày Buôn Ma Thuột vẫn mở cửa phục vụ du khách.

Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (ở giữa), không khỏi xúc động khi nói đến những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (ở giữa), không khỏi xúc động khi nói đến những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nơi ghi dấu những chiến công hào hùng

Nhà đày Buôn Ma Thuột (phường Tự An, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có diện tích rộng 2ha, được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1930-1931 nhằm làm công cụ đàn áp, khủng bố đối với lực lượng Cách mạng Việt Nam.

Đây là nơi đày ải và giam giữ những người yêu nước, chiến sĩ cộng sản bị bắt, bị xử án nặng chủ yếu ở các tỉnh Trung Kỳ, đặc biệt là những lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Sau khi thành án, các tù nhân được đưa đến Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tùy theo mức án và "mức độ nguy hiểm", tù nhân bị cùm chân hay không.

Quá trình giam giữ tại đây, các tù nhân phải lao động vất vả ở các công trường, đồn điền hay trong nhà xưởng dưới sự giám sát chặt chẽ của quản giáo, cai ngục. Không chỉ vậy, tù nhân, đặc biệt là tù chính trị còn thường xuyên đối diện với những "cơn mưa" đòn roi, tra tấn tàn nhẫn.

Các cán bộ tỉnh Đắk Lắk tham quan tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Các cán bộ tỉnh Đắk Lắk tham quan tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Mỗi khi tù nhân tổ chức các cuộc đấu tranh thì liền bị chủ ngục cô lập, nhốt vào phòng riêng trong khu xà lim. Đây cũng chính là nơi biệt giam các chiến sĩ trung kiên, những người đứng đầu trong các cuộc đấu tranh, biểu tình và vượt ngục.

Ở đây, mỗi người bị giam trong một phòng rộng khoảng 2m2, tối tăm ẩm thấp, bị cùm chân 24/24 và mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều thực hiện tại chỗ và không được tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài.

Đây cũng là một trong những nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp đã sử dụng các hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản qua nhiều thế hệ.

Chúng đã sử dụng mọi biện pháp tàn bạo và thâm độc để tiêu diệt lực lượng yêu nước, cách mạng, đặc biệt tiêu diệt các chiến sĩ tiên phong tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp đã sử dụng các hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp đã sử dụng các hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản.

Thế nhưng, những gian khổ và sự áp bức tàn nhẫn của quân xâm lược không khuất phục được ý chí của những người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản.

Vượt qua những thách thức, các tù nhân cộng sản đã từng bước biến đau thương thành hành động bất khuất, biến chính Nhà đày Buôn Ma Thuột thành trường học Cách mạng.

Năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây là nhân tố quyết định đến thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tới thành công.

Cũng từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên đó đã gieo mầm, tạo những "hạt giống" đầu tiên cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.

Tái hiện những hình thức tra tấn dã man trong Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tái hiện những hình thức tra tấn dã man trong Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải vây, các tù nhân cộng sản được giải phóng. Thế nhưng, đến năm 1954, khi Mỹ xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng nơi đây để giam giữ tù nhân.

Năm 1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa và Thông tin đặc cách xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia.

Đến ngày 24/12/2018 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Đắk Lắk và cả nước, khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là một mốc son lịch sử.

Những tù nhân cộng sản biến Nhà đày Buôn Ma Thuột thành "trường học cách mạng".

Những tù nhân cộng sản biến Nhà đày Buôn Ma Thuột thành "trường học cách mạng".

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-nha-day-buon-ma-thuot-204250124114957291.htm
Zalo