Những điều cần lưu ý khi làm bài thi đánh giá năng lực 2023 ĐHQG TP Hồ Chí Minh
Còn chưa đầy một tuần, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, do Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra, đây cũng là một trong những kỳ thi quan trọng đối với nhiều thí sinh. Để có kết quả tốt trong kỳ thi đánh giá năng lực này, các chuyên gia tuyển sinh đưa ra những điểm cần lưu ý khi làm bài thi.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực. So với năm 2022, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 năm nay tăng 9%, điều này cho thấy đây là tín hiệu lạc quan, ngày càng khẳng định uy tín của kỳ thi đối với thí sinh và xã hội.
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 26/3 với 47 cụm thi tại 21 tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào. Trong đợt thi này, có hơn 90 ngàn thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là điểm thi có đông thí sinh đăng ký nhiều nhất, chiếm gần 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Đây là kỳ thi tuyển sinh riêng, kết quả thi sẽ dùng để xét tuyển vào gần 90 trường đại học, cao đẳng có đăng ký sử dụng. Do đó, khi làm bài thi, thí sinh cần lưu ý những quy định riêng của kỳ thi để tránh những thiếu sót, nhầm lẫn không đáng có.
Theo quy định của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh dành cho thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực 2023, trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh, mã đề thi và thông tin cá nhân vào đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Theo đó, thí sinh phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm (chỉ được viết bằng một màu mực, không được dùng mực màu đỏ). Đối với số báo danh, phải ghi đủ và tô đủ phần số (kể cả các số 0 ở phía trước), điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in khi được thông báo từ cán bộ coi thi. Cụ thể, thí sinh phải kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ hay các lỗi khác phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.
Sau khi kiểm tra đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và không được xem nội dung đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn và được cán bộ coi thi phát. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng.
Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.
Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh, thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 câu); toán, suy luận logic và xử lý số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 câu).
Các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm. Trong đó, điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm; phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.