18 tuổi đi xuất khẩu lao động, 24 tuổi cô gái Hải Dương chinh phục 3 học bổng TQ
Xuất phát điểm từ một cô gái đi xuất khẩu lao động, Nghiêm Linh đã xuất sắc chinh phục 3 học bổng của Trung Quốc, trong đó có 2 học bổng toàn phần.
Từ một thực tập sinh sang Nhật Bản theo diện xuất khẩu lao động, Nghiêm Thị Linh (sinh năm 1998) đã xuất sắc dành được học bổng toàn phần hệ đại học tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (BFSU), Trung Quốc.
Học bổng toàn phần mà Nghiêm Linh nhận được là học bổng Chính phủ Trung Quốc CSC bao gồm miễn 100% học phí, ký túc xá, bảo hiểm và được trợ cấp chi phí sinh hoạt hàng tháng đến khi hoàn thành chương trình học đại học trong vòng 4 năm.
Sự cố gắng và kiên trì trong việc học ngoại ngữ đã giúp Linh theo đuổi lại con đường học vấn sau gần 4 năm sinh sống và làm việc tại xứ sở hoa anh đào. Hiện nay, Linh đang là du học sinh năm 3 chuyên ngành Biên phiên dịch tại BFSU.
Tìm ra niềm đam mê học ngoại ngữ nhờ đi xuất khẩu lao động
Nghiêm Linh cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ khi còn nhỏ, Linh đã chứng kiến sự vất vả của bố mẹ để nuôi ba chị em ăn học. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Linh quyết định học tiếng Nhật với mục tiêu duy nhất là đi xuất khẩu lao động, mong muốn kiếm tiền để phụ giúp gia đình.
“Trong suốt 18 năm, tôi đã chứng kiến không ít lời bàn tán về gia đình chỉ vì bố mẹ tôi sinh toàn con gái và nhà chúng tôi nghèo. Có những ngày đến rau mẹ cũng nhường các con ăn, hay những ngày ăn hoài cá khô khiến tôi phát ngán. Có những ngày mùa hè mất điện, thời tiết oi bức nhưng bố đi làm xa, mẹ chưa về, ba chị em ở cạnh bà nội, bà cầm chiếc quạt mo quạt đi quạt lại cho ba đứa”, Linh xúc động nhớ về khoảng thời gian khó khăn của gia đình.
8 năm trước, Nghiêm Linh nghĩ mình như một chú chim non sải cánh khi lần đầu tiên một mình ngồi trên máy bay ra nước ngoài, rời xa vòng tay của gia đình. Những cảm xúc háo hức và bỡ ngỡ ban đầu dần chuyển sang những lo lắng và áp lực khi Linh phải đối mặt với những khó khăn tại Nhật Bản. Cô phải làm quen với công việc mới, môi trường mới, và xây dựng những mối quan hệ mới ở nơi đất khách quê người.
Công việc của Linh ở Nhật Bản là kiểm tra linh kiện ô tô, mỗi ngày làm việc từ 10 đến 11 tiếng. Ban ngày Linh đi làm ở công ty, tối về kí túc xá tự học, cuối tuần cô cùng thầy giáo người Nhật đến trung tâm trên thị trấn học tiếng Nhật, vòng tuần hoàn cứ thế lặp đi lặp lại trong suốt thời gian Linh sinh sống ở đất nước mặt trời mọc.
Ban đầu Linh học tiếng Nhật chỉ vì phục vụ cho công việc, nhưng càng học Linh càng thêm yêu thích và muốn tìm hiểu sâu hơn về ngôn ngữ này. Dù công việc bận rộn, Linh vẫn cố gắng sắp xếp dành thời gian từ 2,5 - 3 tiếng mỗi ngày cho việc tự học. Chỉ sau 4 tháng ở Nhật, Linh đã thi đỗ chứng chỉ JLPT (Japanese Language Proficiency Test, chứng chỉ đánh giá trình độ tiếng Nhật) cấp độ N3 và một năm sau, cô vượt qua kỳ thi JLPT N2.
Không dừng lại ở đó, Linh tiếp tục ôn luyện và kiên trì cho đến khi đạt được chứng chỉ JLPT N1 (cấp độ khó nhất trong 5 cấp độ năng lực ngoại ngữ tiếng Nhật) sau hai lần thi trượt. Nghiêm Linh cho hay: “Nếu là tôi của lúc trước, có lẽ tôi đã sớm từ bỏ rồi. Nhưng lần này, tôi học tiếng Nhật bằng tất cả niềm đam mê và yêu thích nên quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng.
Việc thi đỗ N1 không phải vì tôi muốn chứng minh năng lực cho người khác thấy, mà là một thử thách cho bản thân, một cơ hội để xem nếu tôi không bỏ cuộc thì kết quả sẽ như thế nào”.
Duy trì thói quen học ngoại ngữ mỗi ngày
Để đạt hiệu quả trong việc học ngoại ngữ, Nghiêm Linh tiết lộ bí quyết: “Khi học ngoại ngữ ngoài nói nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều, viết nhiều thì yếu tố quan trọng nhất chính là duy trì học hàng ngày không đứt đoạn”.
Công ty thường xuyên đổi ca làm việc giữa ngày và đêm, vì vậy vào những ngày làm ca đêm, Linh dậy sớm hơn để học. Khi đi làm, dù chỉ có 5 phút nghỉ giải lao, Linh cũng tranh thủ ôn tập từ mới trên điện thoại.
“Tôi học tiếng Nhật trên đường đi làm, trong giờ nghỉ trưa và sau khi tan ca. Mỗi ngày kiểm hàng ở công ty, tôi luôn mong chờ giây phút trở về phòng để học tiếng Nhật. Dù ít hay nhiều, hàng ngày tôi đều duy trì việc học, biến nó trở thành thói quen không thể thiếu”, Linh tâm sự thêm.
Ngoài ra, cô còn tận dụng khoảng thời gian dọn dẹp nhà cửa hay nấu ăn để nghe thời sự bằng tiếng Nhật, không ngừng nỗ lực cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình.
Vào cuối tuần, Nghiêm Linh tham gia học tại một trung tâm tiếng Nhật trên thị trấn. Cô nhớ lại: “Có những hôm tôi làm ca đêm đến 8 rưỡi sáng hôm sau mới về, nhưng tôi nhất định không nghỉ, tôi ăn sáng vội trên đường đi để kịp vào học lúc 9 giờ”. Sau khi thi đỗ chứng chỉ JLPT N1, Linh được giữ lại làm trợ giảng cho hai cô giáo người Nhật ở trung tâm.
Niềm đam mê với tiếng Nhật đã giúp Nghiêm Linh nhận ra bản thân thích gì và muốn làm gì. Đó cũng chính là động lực giúp cô vượt qua những khó khăn trong việc học ngoại ngữ hay trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi lần thi đỗ một cấp bậc, Linh đều gọi điện chia sẻ niềm vui với gia đình, để bố mẹ yên tâm về cô con gái xa nhà.
Biết thêm một ngôn ngữ, sống thêm một cuộc đời
Chia sẻ về cơ duyên đến với tiếng Trung, Linh cho biết vào năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, cô không thể trở về Việt Nam nên đã gia hạn thêm một năm hợp đồng làm việc ở Nhật. Trong thời gian này, Nghiêm Linh được một người bạn Trung Quốc tên là Chu Dương, cùng học tiếng Nhật ở trung tâm ngỏ lời dạy cô tiếng Trung.
Nghiêm Linh bắt đầu học tiếng Trung bằng tiếng Nhật, mượn giáo trình tiếng Trung từ bạn để tự học, kết hợp với sự hướng dẫn của Chu Dương. “Anh Chu Dương đã giúp tôi sửa phát âm, chữa bài tập suốt 6 tháng. Có thể nói, anh chính là người thầy dạy tiếng Trung đầu tiên của tôi, mở ra một cánh cửa mới cho tôi”, Linh vui vẻ kể lại.
Sau nửa năm học tiếng Trung, Linh quyết định về Việt Nam và dành thêm một năm để tự học, ôn thi HSK (kỳ thi kiểm tra trình độ Hán ngữ dành cho người nước ngoài, do Trung tâm Khảo thí Hán ngữ Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức hàng năm). Linh từng bước chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học, theo đuổi lại con đường học vấn.
Theo Nghiêm Linh, điểm nhấn trong hồ sơ xin học bổng du học Trung Quốc giúp Linh có thể cạnh tranh với hàng trăm ứng viên đến từ nhiều quốc gia khác chính là chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N1 và chứng chỉ tiếng Trung HSK 6 – chứng chỉ cao nhất trong kỳ thi HSK.
Linh cho biết thêm: “Tôi tự nhận thấy so với các bạn ứng viên khác thì điểm trung bình học bạ bậc trung học phổ thông của mình không cao, chỉ hơn 7 phẩy. Khoảng 10 năm trước tôi không nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ dùng tới bảng điểm trung học phổ thông để xin học bổng, điều đó khiến tôi cảm thấy khá tiếc”.
Bên cạnh đó, Linh đã tự viết một bản kế hoạch học tập chi tiết gần 3000 chữ tiếng Trung, trong đó Linh giới thiệu về điểm mạnh của bản thân, mong muốn được nhập học tại trường và kế hoạch học tập trong 4 năm nếu nhận được học bổng. Theo Linh, kế hoạch học tập là yếu tố rất quan trọng quyết định việc có được nhận học bổng hay không, bởi vì trong vòng phỏng vấn với thầy cô bên Trung Quốc sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch này, qua đó đánh giá thái độ và năng lực của thí sinh.
Mặt khác, Linh xin thêm hai thư giới thiệu từ giáo viên chủ nhiệm và phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông mà Linh từng theo học. Để tăng điểm mạnh cho hồ sơ và gây ấn tượng với các chuyên gia tuyển sinh, Nghiêm Linh cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như trại đông, trại hè, các khóa học ngắn hạn về ngôn ngữ.
Với sự động viên của gia đình và sự ủng hộ của thầy cô, cùng những nỗ lực và kiên trì trong học tập, Nghiêm Linh đã xuất sắc nhận được 3 học bổng du học Trung Quốc hệ đại học lần lượt là học bổng Chính phủ Trung Quốc CSC tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (BFSU), học bổng Khổng tử CIS tại Đại học Ký Nam (Quảng Châu) và học bổng của Đại học Thiên Tân.
Vốn đam mê và yêu thích học ngoại ngữ, Linh đã quyết định nhập học tại BFSU, một trong những ngôi trường top đầu về đào tạo ngoại ngữ tại Trung Quốc, và cũng là nơi Linh đã mơ ước từ lâu. Nhờ nỗ lực không ngừng trong việc học ngoại ngữ, Linh đã từ một cô gái đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trở thành du học sinh Trung Quốc.
Chia sẻ về việc những áp lực khi bắt đầu học đại học ở tuổi 24, Linh bày tỏ: “Tôi đã lo lắng về việc đi học muộn hơn các bạn cùng trang lứa và về việc tôi lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp. Tôi sợ không theo kịp bài giảng và khó hòa nhập vì các bạn trẻ ngày nay rất năng động và tài giỏi.
Tuy nhiên, khi bước vào cánh cổng đại học, những nỗi lo đó nhanh chóng tan biến, các bạn rất thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ tôi. Tôi nhận ra rằng, chỉ cần có đam mê và mong muốn học hỏi thì tuổi tác chỉ là con số”.
Hiện tại, Nghiêm Linh vẫn tiếp tục nỗ lực trau dồi thêm vốn tiếng Trung, tiếng Nhật và học thêm tiếng Anh, vì Linh hiểu rằng việc học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, không chỉ diễn ra trong vài năm.
Nghiêm Linh rất tâm đắc với một câu hỏi của thầy giáo tiếng Trung: “Em có thấy mặc dù cố gắng kiên trì chưa chắc đã thành công, nhưng ít nhất nó sẽ giúp em tiến gần hơn đến ước mơ không?”.
Nhìn lại hành trình của mình, Linh muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng hãy luôn kiên trì và nỗ lực mỗi ngày dù chỉ từng chút một, vì trong quá trình nỗ lực ấy các bạn đã và đang trưởng thành hơn từng ngày, nhất định sẽ hái được quả ngọt.