Những điểm tựa của dân tộc Việt Nam cho sự phát triển ổn định, bền vững trong kỷ nguyên mới
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những điểm tựa vô cùng quý báu, đặc sắc cho quá trình phát triển đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bài viết phân tích các điểm tựa của dân tộc và đề xuất phương hướng giữ gìn và phát huy những điểm tựa này trong quá trình phát triển đất nước.
1. Mở đầu
Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn và gửi gắm một thông điệp lịch sử, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, mang tầm triết lý để cổ vũ, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nêu cao ý chí quyết tâm xây dựng đất nước sánh vai cường quốc năm châu. Người chỉ rõ: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(1). Trong hành trình dựng xây, kiến thiết đất nước phồn vinh, hạnh phúc luôn chứa đựng những khó khăn, trắc trở; vì vậy, những điểm tựa của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để chúng ta vượt qua, chiến thắng những thách thức, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
2. Điểm tựa - nguồn sức mạnh to lớn định hình bước đi đúng đắn, phù hợp của dân tộc Việt Nam
Theo Từ điển Việt, “điểm tựa” là một danh từ, nơi làm chỗ dựa chính (thí dụ như điểm tựa của đòn bẩy) cho hoạt động nào đó. Theo nghĩa này có thể hiểu “điểm tựa” là nơi mà mỗi người dựa vào, tìm đến để bảo đảm cho sự bình yên, ấm no, hạnh phúc trong cuộc sống, công việc. “Điểm tựa” giúp cho mỗi người thêm vững tin vào cuộc sống, nhất là khi gặp hoạn nạn, khó khăn, thất bại; sự giúp đỡ, chia sẽ, động viên, cảm thông kịp thời là nguồn sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn để con người vượt qua hiện tại, hướng về tương lai.
Những điểm tựa của dân tộc Việt Nam được bắt nguồn từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha; từ yêu cầu của nền nông nghiệp trồng lúa nước đã khởi nguồn cho sự hình thành, phát triển của những điểm tựa, mang tính giá trị truyền thống. Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định: “Giá trị truyền thống là một sức mạnh không thể xem thường. Huy động các giá trị để làm cách mạng và kháng chiến hiện đại là huy động sức mạnh của hàng mấy mươi thế kỷ, là mấy mươi thế kỷ ông cha cổ vũ và trợ chiến cho con cháu hoàn thành sự nghiệp dân tộc”(2).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói lên 6 điểm tựa của dân tộc Việt Nam: 1) Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế; 2) Có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo; 3) Truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân”…; 4) Có nhân dân cội nguồn sức mạnh của dân tộc; 5) Có Quân đội và Công an sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; 6) Dân tộc có tinh thần tự lực, tự cường, luôn tự mình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ(3). Các “Điểm tựa Việt Nam” là sự hội tụ tinh hoa, khí chất của con người Việt Nam được kết tinh từ truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng của dân tộc, là nguồn sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển bền vững của đất nước. Dù trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, sáu “Điểm tựa Việt Nam” vẫn luôn tiềm tàng, hiện hữu ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là vào thời điểm lịch sử có tính chất bước ngoặt, cần phải huy động, dồn sức lực, vật lực, lại bừng sáng lên nghĩa tình đồng bào, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một là, đại đoàn kết toàn dân tộc - nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, điểm tựa vững chắc nhất của đất nước
Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói rất giản dị, mộc mạc, nhưng chứa đựng những quan điểm, tư tưởng về vị trí, vai trò, nội dung và phương thức đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được truyền từ thế hệ này sang thế khác, trở thành niềm tin, lẽ sống, phương châm hành động của mỗi con người trong thực tiễn xã hội.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nhờ có đoàn kết rộng rãi trong toàn xã hội, mà Đảng, Nhà nước ta đã khơi dậy ý chí, khát vọng to lớn của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi”(4). Do đó, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, không chỉ ở một khu vực, địa bàn cụ thể mà còn ở phạm vi cả nước. Những lúc hoạn nạn, khó khăn, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc lại được khơi dậy, phát huy một cách cao độ, là chìa khóa vạn năng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là một khối thống nhất về ý chí và hành động cách mạng.
Thực hiện lời căn dặn của Hồ Chí Minh “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(5), trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta trung thành, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết vào thực tiễn, khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6).
Đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tiếp tục là nguồn sức mạnh nội sinh, điểm tựa vững chắc để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến vào kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thực tiễn đã cho chúng ta bài học thật sâu sắc, rằng bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm, hiệp lực, nội bộ nhất trí, toàn dân đồng thuận”(7).
Hai là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân”(8). Hơn 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sự nghiệp đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(9). Đảng đã vạch ra quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Nhà nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nội dung đã xác định trong các kỳ đại hội.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng đã không ngừng đổi mới về phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước. Ở đâu có nhân dân, ở đó có sự lãnh đạo của Đảng, chính điều này đã tạo nên sức mạnh, trở thành điểm tựa vững chắc để nhân dân tin tưởng, hy vọng vào sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”(10). Vì thế, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng; định hướng, dẫn dắt toàn dân và toàn quân vững bước đi lên CNXH, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ba là, truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến, điểm tựa để dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách, vững tin vào tương lai
Truyền thống lịch sử - văn hóa, văn minh, văn hiến là những giá trị cốt lõi của dân tộc được đúc kết, khái quát từ thực tiễn chiến đấu, lao động sản xuất, đời sống của con người Việt Nam. Đó là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có vai trò quan trọng để điều chỉnh thái độ, hành vi của con người. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Ở đâu nhân dân gặp khó khăn, hoạn nạn, ở đó có các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc xuất hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”(11).
Đây chính là điểm tựa để mỗi chúng ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ: “Một xã hội văn minh là một xã hội xây dựng được quan hệ giữa con người với con người lành mạnh, giàu tình thương và lòng nhân ái; mọi cuộc sống, làm việc và hoạt động vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng. Tự do và lợi ích của mỗi người được giới hạn bởi tự do và lợi ích của những người khác; con người sống và đối xử với nhau theo đạo lý: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Xã hội văn minh là xã hội có văn hóa. Trình độ văn minh của xã hội tùy thuộc ở trình độ văn hóa của mỗi người và cả cộng đồng, ở sự thống nhất và hòa hợp giữa phép nước và lòng dân”(12).
Bốn là, nhân dân - cội nguồn của sự nghiệp đổi mới, sáng tạo và phát triển đất nước
Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân, vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(13). Một trong những bài học kinh nghiệm được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(14). Do đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân, thông qua những cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả.
Một trong những yếu tố để củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(15).
Chính điều này đã góp phần làm nên sức mạnh vô địch trong nhân dân, đồng thời đặt ra yêu cầu cho Đảng và Nhà nước luôn tin dân, trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Năm là, Quân đội và Công an, lực lượng nòng cốt, điểm tựa của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”(16). Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, Công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã đồng hành cùng với nhân dân trong suốt sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi bước đi, mỗi thắng lợi của dân tộc đều có sự đóng góp to lớn của lực lượng Quân đội và Công an, đây chính là lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Ở đâu có khó khăn, vất vả, ở đó có Quân đội và Công an, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Sự hiện diện và nỗ lực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Quân đội và Công an đã đem đến sự công bằng, bình đẳng, bình yên trong xã hội, thắp sáng niềm tin, điểm tựa vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Trong thiên tai, bão lụt, cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Công an tham gia phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân” dầm mình trong bùn lầy, băng mình qua suối dữ, cứu người bị nạn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm, sự biết ơn, kính trọng đối với nhân dân đã cưu mang, che chở để Quân đội và Công an ngày càng lớn mạnh, trưởng thành; thể hiện bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng.
Sáu là, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ - điểm tựa ổn định, bền vững để khẳng định vị thế của đất nước
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(17). Ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam là dòng chảy liên tục không ngừng từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; không khuất phục, không cam chịu trước khó khăn, gian khổ; luôn có ý chí, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, quyết liệt bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Ý chí tự lực, tự cường đã vượt qua khuôn khổ giới hạn của chính bản thân mình để tồn tại và phát triển, khẳng định tính chính danh trong cộng đồng xã hội. Ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam là một giá trị văn hóa bất biến không bao giờ vơi cạn, ngày càng được bồi đắp, trở thành một sức mạnh tinh thần, nền tảng, điểm tựa vững chắc bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Bản lĩnh, sức mạnh phi thường của nhân dân, ý chí tự lực, tự cường mạnh mẽ, quyết liệt vươn lên nên bất luận trọng điều kiện, hoàn cảnh nào, con người Việt Nam cũng vượt qua tất cả, không đầu hàng nghịch cảnh, càng ở thời điểm khó khăn, thách thức, càng sáng lên ý chí tự lực, tự cường phi thường của con người Việt Nam.
3. Tiếp tục giữ gìn và phát huy những điểm tựa Việt Nam để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, những điểm tựa Việt Nam đã phát huy giá trị trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đổi mới, sáng tạo của các tổ chức, lực lượng. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ gìn, củng cố và phát huy ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân để xây dựng các chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thức.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường… Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác… ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”(18). Trong khi đó, những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra một cách trực tiếp, cấp bách, nhanh chóng đạt được các chỉ tiêu để về đích theo đúng kế hoạch, lộ trình đã vạch ra.
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, những điểm tựa Việt Nam vững chắc sẽ là nguồn sức mạnh vô tận, không thể thiếu được trên hành trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể là:
Một là, tiếp tục củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo
Đảng ta đã xác định mục tiêu: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(19). Với tinh thần này, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, miền, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm, chăm lo giải quyết thỏa đáng những nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách có liên quan đến từng đối tượng, lĩnh vực hoạt động cụ thể, bảo đảm tối thượng lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong đoàn kết, tập hợp quần chúng nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân được phát huy cao nhất năng lực, sở trường, thế mạnh cho gia đình, quê hương và xã hội.
Hai là, Đảng phải thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đúng đắn của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; phát huy vai trò nêu gương, thúc đẩy đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị”(20). Với tinh thần này, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng phản ánh được những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quan tâm; những người đứng đầu cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương gương mẫu, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín, phương pháp, tác phong công tác; thật sự tiêu biểu về lương tâm, danh dự, trí tuệ của thời đại.
Thực hiện tinh giản, xây dựng bộ máy làm việc hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực, mục tiêu trong quá trình làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt trong xử lý các tình huống khẩn cấp có liên quan đến tài sản, tính mạng của nhân dân.
Ba là, thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Trong điều kiện hòa bình, xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của nhân dân với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng”(21).
Theo đó, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến người dân và doanh nghiệp; mỗi cơ chế, chính sách phát triển kinh tế gắn với chính sách xã hội, văn hóa, bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định của đất nước; quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với việc thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua đối thoại trực tiếp ở từng cấp, giải quyết tốt thắc mắc, băn khoăn của người dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội. Kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu quan liêu, xa dân, hách dịch, chủ nghĩa cá nhân, vòi vĩnh, dọa nạt, ức hiếp nhân dân.
Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh
Quân đội và Công an là công cụ bạo lực sắc bén, chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an; xây dựng Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu đi đầu về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, lấy xây dựng Đảng làm trọng tâm; tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xây dựng kế hoạch phối kết hợp mang tầm chiến lược giữa hai lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”, bảo vệ Tổ quốc từ khi nước chưa ngụy; làm bất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Giữ vững và củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội, Công an với nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở từng khu vực, địa bàn và trên phạm vi cả nước.
Năm là, giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”(22). Với tinh thần này, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần vận dụng sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa; thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh gắn với đấu tranh, phê phán, loại bỏ các tệ nạn xã hội, văn hóa xấu độc, hủ tục lạc hậu. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, thấm đẫm giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, lấy con người làm trung tâm của mọi sự phát triển.
4. Kết luận
Dân tộc Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử, văn hiến, anh hùng đã tạo dựng, xây đắp nên những điểm tựa Việt Nam trong suốt quá trình hình thành, phát triển của đất nước ta từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Những điểm tựa Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam nhân lên sức mạnh, đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của nước ta ngày càng được củng cố, giữ vững và tăng lên trên trường quốc tế. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiên tiến, văn minh, hiện đại, những điểm tựa Việt Nam là nguồn gốc, động lực mạnh mẽ, to lớn để dân tộc ta vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục đưa đất nước phát triển đi lên.
_________________
TS PHẠM THỊ LAN
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
(1), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 624, 622.
(2) Giáo sư Trần Văn Giàu: Tuyển tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.302.
(3) Trong chương trình truyền hình “Điểm tựa Việt Nam” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vào tối ngày 15-9-2024 tại Hà Nội nhằm chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và động viên tinh thần các bộ phận, lực lượng cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi)
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr. 177.
(6), (19) Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 14-11-2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
(7) Nguyễn Phú Trọng: Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.51.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 290.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.
(10), (22) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.29, 169.
(11), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.186, 51.
(12) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.134-135.
(13), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr. 453, 258.
(14), (17), (18), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27-28, 34, 30-31, 198.
(21) Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, https://baochinhphu.vn, ngày 27-5-2016.