Những điểm tham quan nổi tiếng ở khu di tích Đền Hùng

Nằm trên núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, khu di tích Đền Hùng có nhiều điểm tham quan nổi tiếng, ngoài lăng Hùng Vương và các ngôi đền thì còn có giếng cổ, cột đá thề...

Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng nằm trên diện tích 1.030 ha ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phủ Thọ. Đây là điểm du lịch nổi tiếng quanh năm đón nhiều du khách tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt trong tháng 3 Âm lịch, hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, khách thập phương đổ về đây rất đông.

Đến khu di tích Đền Hùng, du khách không nên bỏ qua những điểm tham quan nổi tiếng dưới đây.

Cổng Đền Hùng

Đây là điểm bắt đầu của chuyến hành hương về đất Tổ, cũng là kiến trúc mang tính biểu tượng, được mọi người nhớ đến khi hướng về vùng đất được coi là nơi phát tích của dân tộc Việt Nam.

Cổng Đền Hùng có kiến trúc mái vòm, có 2 tầng, trên nóc được trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Phía trên, chính giữa cổng là bức đại tự gồm 4 chữ Hán lớn: "Cao sơn cảnh hành" (núi cao đường lớn).

Cổng Đền Hùng có bức đại tự gồm 4 chữ Hán lớn: "Cao sơn cảnh hành".

Cổng Đền Hùng có bức đại tự gồm 4 chữ Hán lớn: "Cao sơn cảnh hành".

Đền Hạ - Đền Trung - Đền Thượng

Đền Hạ được cho là nơi Tổ mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. Người dân đến thường cầu nguyện về chuyện con cái và gia đình, đặc biệt là cầu mẹ Âu Cơ bảo trợ cho việc sinh nở được mẹ tròn con vuông. Dưới chân Đền Hạ là Nhà bia có kiến trúc hình lục giác, có 6 mái, bên trong hiện có bia đá ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Đền Hạ được xây từ thế kỷ 17 -18, được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu, gồm 2 tòa - nhà tiền tế và hậu cung (nơi đặt long ngai, bài vị thờ thần núi, các vua Hùng và công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa).

Đền Trung nằm lưng chừng núi, có tên chữ là "Hùng Vương tổ miếu" (miếu thờ tổ vua Hùng). Truyền thuyết kể rằng đây vốn là nơi các vua Hùng cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước, cũng là địa điểm diễn ra cuộc thi tìm người kế vị Hùng Vương thứ 6 với chiến thắng của hoàng tử Lang Liêu.

Đền Thượng. (Ảnh: Tin Tức)

Đền Thượng. (Ảnh: Tin Tức)

Đền Thượng nằm ở vị trí cao nhất trên núi, tên chữ là "Kính Thiên lĩnh điện", tương truyền là nơi các vua Hùng lập đàn tế trời, cầu quốc thái dân an. Đền Thượng cũng là địa điểm chính để tiến hành các nghi thức quan trọng nhất trong lễ giỗ Tổ.

Cột đá thề

Truyền thuyết kế rằng Hùng Vương thứ 18 không có con nối dõi nên nghe lời khuyên của con rể Tản Viên, truyền ngôi cho cháu họ là Thục Phán. Khi lên ngôi, Thục Phán cho dựng cột đá lớn, chỉ tay lên trời thề rằng: "Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi".

Cột đá thề nằm bên trái đền Thượng, đã bị vùi lấp sau nhiều năm tháng nên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phục dựng để hậu thế ghi nhớ lời thế "nước Nam sẽ trường tồn".

Lăng Hùng Vương

Đây cũng là một điểm tham quan quan trọng trong cụm di tích Đền Hùng. Tương truyền đây là mộ của Hùng Vương thứ 6, người dặn dò con cháu rằng: "Khi ta mất hãy chôn ta trên đỉnh núi Cả để ta có thể trông coi bờ cõi cho con cháu".

Lăng mộ dựa vào sườn núi Hùng và trông ra ngã ba Bạch Hạc.Trải qua nhiều lần trùng tu, Lăng Hùng vương vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu với thế đội sơn chân đạp thủy. Các mặt tường đắp hổ phù, thành bậc đắp kỳ lân, cửa chính có đôi câu đối chữ Nôm: "Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về đất Tổ/ Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ mồ ông".

Giếng cổ

Giếng cổ còn được gọi là giếng Rồng, nằm ngay phía sau đền Hạ. Dân gian cho rằng đây chính là nơi mẹ Âu cơ xưa lấy nước tắm cho các con khi bà sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con trai.

Chùa Thiên Quang

Người xưa kể rằng khi mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, tại vị trí chùa này có luồng ánh sáng chiếu thẳng từ trên trời xuống, tên chùa Thiên Quang có nghĩa là ánh sáng từ trời chiếu rọi.

Hiện trong chùa còn giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng. Trước cửa chùa là cây vạn tuế khoảng 800 tuổi có ba ngọn, tỏa ra 3 hướng tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung- Nam.

Đền Giếng

Đền Giếng nằm dưới chân núi, thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, công chúa Ngọc Hoa lấy Tản Viên Sơn Tinh, đây là hai chàng rể nổi tiếng nhất của triều Hùng, là hai trong Tứ bất tử được người dân bao đời thờ phụng.

Đến thăm di tích Đền Hùng, bạn đừng quên dừng chân ở các điểm trên, tuy kể ra khá nhiều nhưng bạn chỉ mất chừng nửa buổi là hoàn thành.

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-diem-tham-quan-noi-tieng-o-khu-di-tich-den-hung-ar935906.html
Zalo