Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam
Xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, thu hút đầu tư nước ngoài ấn tượng, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định… đó là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Điểm sáng xuất nhập khẩu và thu hút FDI
Năm 2024 đã chính thức khép lại với nhiều thành công cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó tăng trưởng GDP được dự báo đạt trên 7%, cao hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đưa ra hồi đầu năm 2024 là tăng trưởng từ 6-6,5%.
Đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có sự đan xen giữa những điểm sáng và chưa sáng, tuy nhiên những điểm sáng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có thể kể đến là Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và những cân đối lớn của nền kinh tế, lạm phát được kiểm soát.
“Đó là điều quan trọng và Việt Nam đã có được mức tăng trưởng tương đối tốt” – TS Nguyễn Đình Cung đánh giá và cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế mở do vậy xuất nhập khẩu trong năm 2024 cũng có sự tăng trưởng khá tích cực nhờ tận dụng được những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng đánh giá khá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: Năm 2024 nền kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức do những xung đột thương mại, chính trị diễn ra ở nhiều nền kinh tế, điều này làm ảnh hưởng đến đứt gãy chuỗi cung ứng… Tuy nhiên, các nền kinh tế thế giới đã thích ứng khá nhanh và có sự phục hồi về thương mại và đầu tư. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 cũng đạt được những kết quả rất là khả quan, thương mại và đầu tư đều có sự tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, với sự phục hồi mạnh mẽ về thương mại toàn cầu, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 782,33 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 tăng 15% so với năm 2023 và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao với gần 25 tỷ USD.
Bên cạnh xuất nhập khẩu, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, năm 2024 còn chứng kiến sự phục hồi và bứt phá của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Cụ thể, 11 tháng năm 2024, vốn đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tổng số vốn đăng ký khoảng 31 tỷ USD và số vốn thực hiện khoảng 21 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng thời điểm năm 2023.
“Một điểm nhấn nữa mà tôi cũng thấy được đó là sự tăng trưởng trở lại của các dòng vốn đầu tư tư nhân, điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã dần dần thích ứng và phục hồi trở lại một cách mạnh mẽ. Cùng với đó, là niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh đã quay trở lại đối với doanh nghiệp Việt Nam” – TS Nguyễn Quốc Việt khẳng định.
Kỳ vọng mới trong năm 2025
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, làm tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2031, đây được đánh giá là mục tiêu vô cùng thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến khó lường.
Đặc biệt, mặc dù bức tranh kinh tế năm 2024 có rất nhiều điểm tích cực, tuy nhiên TS Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn cho rằng, nếu soi kỹ hơn, có thể thấy đan xen những điểm sáng thì bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn những điểm chưa được tích cực.
Cụ thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, theo đó tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao, điều đó cho thấy môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, theo TS Nguyễn Đình Cung, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể thông qua việc giải quyết những phản ánh của cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp và xử lý dứt điểm những điểm nghẽn về môi trường kinh doanh.
“Vì cái quan trọng nhất của đầu tư tư nhân không phải là ưu đãi về tiền bạc mà cần một cơ chế thuận lợi, minh bạch, đồng hành đáng tin cậy, ổn định đối với hoạt động kinh doanh của họ. Tôi cho rằng đấy là điểm mà doanh nghiệp đang rất chờ đợi trong năm 2025” – TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Ngoài ra, tăng trưởng xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự tăng trưởng này được đánh giá thiếu bền vững, bởi nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam. Theo đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Việt Nam cần một sự phát triển cân bằng hơn giữa định hướng xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa và khu vực sản xuất trong nước, cần có những chính sách thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và doanh nghiệp tư nhân trong bước, có như vậy mới duy trì và tạo dựng được tốc độ tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh những giải pháp trên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, tập trung vào việc đầu tư cho khoa học - công nghệ, đầu tư cho giáo dục bậc cao và đào tạo nghề là những điểm mà cốt lõi để Việt Nam có thể “vươn mình” và nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế lẫn là của doanh nghiệp Việt Nam.
Seasia Stats - trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á vừa đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đứng thứ 12 châu Á, với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 506 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những cường quốc sản xuất và thương mại, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong sản xuất và điện tử. Các hiệp định thương mại và vị trí chiến lược của Việt Nam củng cố sự hội nhập kinh tế toàn cầu.