Nhận diện rủi ro lạm phát 2025

Dù thành công trong việc giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 ở mức 3,63% - thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng năm 2025 Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều yếu tố tiềm ẩn gây áp lực lên lạm phát.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2024 tăng 2,71% so với năm 2023. Lạm phát thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023.

CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023.

Phân tích về kết quả này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lạm phát được kiểm soát đã hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế Vĩ mô.

“Chúng tôi đánh giá đây là một điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2024”, bà Oanh cho biết.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 4,5%.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Oanh đánh giá, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ thì mục tiêu này không quá nặng nề. Tuy nhiên không nên chủ quan vì tiềm ẩn những yếu tố vượt tầm kiểm soát, tạo áp lực lên lạm phát.

Cụ thể, trên thế giới, xung đột quân sự của một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến rất khó lường, thậm chí có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Những điều này có thể tạo nên đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí vận tải, tác động lên biến động giá của các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, gây ra rủi ro an ninh năng lượng, an ninh tiêu dùng.

Đặc biệt các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump được dự báo rất khắc nghiệt, có thể dẫn đến phản ứng trả đũa của các quốc gia trên thế giới.

“Chính sách bảo hộ, rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại, có thể gây ra một đợt lạm phát mới, đồng thời làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trở lại”, bà Oanh phân tích.

Về tình hình trong nước, chi phí nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất có thể sẽ tăng giá trong thời gian tới. Tác động của biến động tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm, tăng lạm phát.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa do nhà nước quản lý như giá điện, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục theo hướng tính đúng tính đủ các yếu tố như chi phí trong giá thành sản phẩm sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025.

Ngoài ra, các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất, mở rộng tín dụng hay tập trung tăng cường vào đầu tư công, một mặt giúp chúng ta tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng mặt khác có thể tạo sức ép nên mặt bằng giá nếu không được kiểm soát một cách hợp lý.

Lạm phát năm 2025 là một thách thức lớn khi Việt Nam phải đối mặt với nhiều yếu tố biến động không lường trước từ cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% vẫn có thể đạt được, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của kinh tế vĩ mô.

Tổng cục Thống kê cho rằng trong năm 2025 cần theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát cần liên tục được cập nhật để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhan-dien-rui-ro-lam-phat-2025-1104533.html
Zalo