Những điểm nóng mới tại Syria

Sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đem đến bước ngoặt cho cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm tại Syria. Song song với niềm vui là lo ngại về nguy cơ bất ổn sắp tới.

Giờ đây mọi ánh mắt đều hướng về nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu lực lượng cầm quyền mới cùng thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa, chờ đợi ông thực hiện cam kết tránh xa chủ nghĩa cực đoan, đem đến tương lai thịnh vượng cho Syria.

Tuy nhiên, vài điểm nóng mới đã xuất hiện. Mọi người lo ngại giao tranh sẽ nổ ra giữa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo được Mỹ hậu thuẫn với Quân đội quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Thổ Nhĩ Kỳ xem SDF là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ly khai. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhiều lần tỏ rõ quyết tâm tiêu diệt PPP trên lãnh thổ Syria và Iraq.

Căng thẳng đặc biệt nghiêm trọng ở thành phố Kobani phía bắc, nơi từng là biểu tượng thất bại của tổ chức khủng bố IS dưới tay lực lượng Mỹ hợp sức cùng SDF.

Riad Darar - cố vấn cho văn phòng chính trị SDF - e ngại thành trì của nhóm dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm “trở thành bước ngoặt” trong một cuộc chiến lớn khác.

“Tôi tin sắp có giao tranh dữ dội mà chúng ta chẳng biết được kết cục. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục đứng lên ngăn chặn xung đột”, theo Darar.

Giao tranh giữa SDF với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bùng nổ - Ảnh: Newsweek

Giao tranh giữa SDF với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bùng nổ - Ảnh: Newsweek

Một nguy cơ khác đến từ Israel. Nhà nước Do Thái rất nhanh chóng lợi dụng tình trạng hỗn loạn phát động chiến dịch tấn công hàng loạt địa điểm quân sự trên lãnh thổ Syria đồng thời củng cố hiện diện ở “vùng đệm” cao nguyên Golan.

Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times gần đây, thủ lĩnh al-Sharaa tuyên bố hiện không muốn có bất kỳ cuộc xung đột nào với Israel. Tuy nhiên, chỉ huy HTS Abu Hassan al-Hamwi lên án Tel Aviv thực hiện hành vi xâm lược, kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp. Đảng Dân tộc Xã hội Syria (SSNP) từng ủng hộ chính quyền al-Assad công khai kêu gọi tấn công đáp trả.

Thế khó với Mỹ

Loạt diễn biến vừa qua đặt Mỹ vào thế khó. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller tuyên bố ghi nhận lo ngại của cả Israel lẫn Thổ Nhĩ Kỳ về một số phe phái ở Syria. Ông kêu gọi Israel tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn ký với Syria năm 1974 và cho biết họ đang đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ cùng SDF xung quanh tình hình Kobani.

Ngoài thực địa, Mỹ từ năm 2015 đã dựa vào SDF để chống khủng bố. Họ đưa HTS và PKK vào danh sách khủng bố. Nhưng khi chính quyền al-Assad sụp đổ thì Washington gần như lập tức tiếp xúc với HTS, thậm chí cân nhắc đưa nhóm ra khỏi danh sách đổi lại việc được duy trì hiện diện quân sự tại Syria.

Iran cùng Nga từng hậu thuẫn chính quyền al-Assad cũng để ngỏ khả năng thiết lập quan hệ với lực lượng cầm quyền mới, mặc dù lo ngại biến động có thể tác động đến sức ảnh hưởng tại khu vực của họ. Họ tiếp tục phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tiến trình ba bên được khởi xướng cách đây 8 năm.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò mấu chốt trong tình hình Syria. Ông nhấn mạnh bản thân rất hợp với người đồng cấp Erdogan.

Năm 2019, lúc Tổng thống Trump nắm quyền, hai nước đạt thỏa thuận để lực lượng Mỹ rút khỏi vài vùng miền bắc Syria bất chấp SDF phản đối. Chính trị gia đảng Cộng hòa còn muốn đưa toàn bộ lực lượng về nước. Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ tương lai Tulsi Gabbard từ lâu đã ủng hộ làm vậy.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhung-diem-nong-moi-tai-syria-227459.html
Zalo