Những điểm nhấn từ cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Harris

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trước ngày bầu cử giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với nền chính trị nước này.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump bước vào cuộc tranh luận đầu tiên với nhau vào tối 10/9 (giờ Mỹ). Đây là màn đối đầu quan trọng vì nó có thể tác động sâu sắc đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 tới, trong bối cảnh các số liệu thăm dò đều cho thấy đây sẽ là cuộc đua vô cùng sít sao.

Dưới đây những điểm đáng chú ý nhất từ màn "so găng" đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ năm nay.

“Nắn gân” bằng cử chỉ

Suốt buổi tranh luận, cả 2 ứng viên đều tìm cách kích động đối thủ của mình thông qua cả lời nói và điệu bộ. Chẳng hạn, Khi cựu Tổng thống Trump phát biểu, Phó tổng thống Harris thể hiện rõ những biểu hiện không đồng tình như lắc đầu, nhướn mày, lẩm bẩm "không đúng như vậy", hoặc mỉm cười với hàm ý mỉa mai.

Đáp lại, ông Trump phản ứng trước những phát biểu của bà Harris bằng việc nhìn thẳng về phía trước, đôi khi đảo mắt suy nghĩ. Thậm chí, ông còn giễu nhại ứng viên của đảng Dân chủ bằng chính những phát biểu trước đó của bà. Trong lúc chỉ trích đối thủ không có quan điểm chính trị nhất quán, khi thấy bà Harris định ngắt lời, cựu tổng thống 78 tuổi đáp trả: "Đợi một chút, tôi đang nói. Làm ơn, nếu bà không phiền. Điều đó có nghe quen không?".

Câu nói trên ám chỉ hành động của phó tổng thống 59 tuổi trong cuộc tranh luận năm 2020 với cựu Phó Tổng thống Mike Pence. Trong đó, bà Harris gây chú ý khi phản ứng lại việc bị ông Pence ngắt lời bằng cách đáp: "Thưa ngài Phó tổng thống, tôi đang nói. Chúng ta có thể trao đổi quan điểm này nếu ngài không cắt ngang lời tôi".

Lần đầu tiên từ năm 2016, 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt tay trước thời điểm tranh luận. Ảnh: Getty

Lần đầu tiên từ năm 2016, 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt tay trước thời điểm tranh luận. Ảnh: Getty

Thậm chí, cái bắt tay của hai người trước cuộc tranh luận cũng là chi tiết đáng chú ý, vì đây là lần đầu tiên các ứng viên tổng thống Mỹ làm điều này trước thềm một cuộc tranh luận kể từ năm 2016. Theo ông Mark Bowden - chuyên gia về hành vi con người và ngôn ngữ cơ thể, việc bà Harris chủ động tiến tới bắt tay ông Trump như một hành động “thể hiện quyền lực”, khiến ông Trump kiềm chế thói quen thường thấy là kéo tay đối phương về phía mình.

Khai thác những sơ hở

Một trong những chiến thuật kinh điển của mọi cuộc tranh luận là các ứng viên luôn tìm cách khai thác điểm yếu của nhau, buộc đối phương phải lập luận phòng thủ. Cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris cũng không phải ngoại lệ.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã tận dụng những khẳng định chưa có căn cứ của cựu Tổng thống Trump về việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, cùng sự kiện bạo động trước Quốc hội Mỹ năm 2021, để công kích ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

"Donald Trump đã bị 81 triệu người sa thải, đó là điều rõ ràng. Ông ấy đang trải qua quãng thời gian khó khăn vì những vụ kiện liên quan đến việc này. Chúng ta không thể có một tổng thống hủy hoại nguyện vọng của cử tri trong cuộc bầu cử tự do và công bằng như cách ông Trump từng làm", bà Harris nói, đồng thời cho rằng suốt 4 năm cầm quyền, cựu tổng thống Mỹ để lại một “mớ hỗn độn” mà chính quyền mới phải dọn dẹp.

Các ứng viên tổng thống đều cổ gắng khai thác các điểm yếu của nhau để buộc đối phương phòng thủ. Ảnh: Reuters

Các ứng viên tổng thống đều cổ gắng khai thác các điểm yếu của nhau để buộc đối phương phòng thủ. Ảnh: Reuters

Đáp lại, ứng viên tổng thống đảng cộng Hòa nhấn mạnh đối thủ không có những ý tưởng mới mà chỉ kế thừa những chính sách kinh tế và đối ngoại bị cho là “thất bại” của Tổng thống Joe Biden. "Ông Biden không biết cách nói chuyện với lãnh đạo Nga, không biết cách ngăn chặn cuộc chiến và bây giờ hàng triệu người phải chết, tình hình ngày càng tồi tệ hơn", ông Trump chỉ trích tổng thống đương nhiệm khi nói về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng tuyên bố Phó tổng thống Harris không có khả năng tái lập hòa bình sau khi đàm phán với các lãnh đạo của cả Nga và Ukraine.

"Hãy nhớ rằng bà ấy chính là Biden. Mọi người biết đấy, bà ấy đang cố tách mình khỏi Biden, tỏ ra không quen biết, nhưng bà ấy chính là Biden", ông Trump nói tiếp, và mô tả nhiệm kỳ của Tổng thống Biden là giai đoạn "gây chia rẽ nhất" trong lịch sử nước Mỹ.

Những “điểm nóng” kinh tế

Một trong những vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu từ các ứng viên tổng thống là những chính sách kinh tế, Điều này được ông Trump và bà Harris đem ra so kè từ những phút tranh luận đầu tiên.

Nhằm sớm kiềm chế lạm lạm phát và ổn định kinh tế trong nước, cựu tổng thống Trump cam kết sẽ hạ giá thành bằng việc khôi phục "sự độc lập về năng lượng" thông qua việc tăng cường các hoạt động khai thác dầu đá phiến và hạ giá khí đốt. Ông cũng hứa hẹn sẽ giảm nợ quốc gia, giảm thuế cho các tập đoàn Mỹ, đồng thời tăng thuế lên hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, Phó tổng thống Harris đưa ra kế hoạch có tên "nền kinh tế cơ hội" nhằm giúp đỡ các gia đình người Mỹ gặp khó khăn về điều kiện kinh tế và chi phí sinh hoạt. Kế hoạch này có mục đích tạo thêm cơ hội cho tầng lớp trung lưu, nâng thuế lên giới siêu giàu và cấm các hoạt động đầu cư giá thực phẩm hay hàng hóa thiết yếu.

Người dân theo dõi cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ qua màn hình lớn. Ảnh: The Hill

Người dân theo dõi cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ qua màn hình lớn. Ảnh: The Hill

Phó tổng thống thuộc đảng Dân chủ cũng chỉ trích cái gọi là “thuế thương vụ” của đối thủ, khi cho rẳng nó chỉ khiến các tỷ phú và tập đoàn lớn hưởng lợi, đồng thời gây thâm hụt tới 5.000 tỷ USD đối với nước Mỹ. “Các nhà kinh tế nói rằng thuế thương vụ của ông Trump thực sự sẽ khiến những gia đình trung lưu phải chi thêm khoảng 4.000 USD/năm, và ý tưởng của ông ấy thực chất là lấy tiền của tầng lớp trung lưu để bù vào khoản cắt giảm thuế cho các tỷ phú", bà nói.

Ở chiều ngược lại, cựu tổng thống của đảng Cộng hỏa cho rằng khả năng điều hành kinh tế của tổng thống Biden và bà Harris tạo ra tình trạng lạm phát “lớn chưa từng thấy” trong lịch sử nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump cảnh bảo việc không kiểm soát được tình trạng nhập cư trái phép đang gây nguy cơ lấy đi việc làm của nhiều người dân Mỹ.

Các vấn đề gây tranh cãi

Một trong những điểm nhấn ở buổi tranh luận là vấn đề phá thai. Cựu Tổng thống Trump khẳng định giữ nguyên lập trường ủng hộ lệnh cấm phá thai 6 tuần tuổi trở lên của Tòa án tối cao Mỹ, và sẽ không phủ quyết nếu Quốc hội Mỹ có thông qua đạo luật cấm phá thai ở cấp độ liên bang. Về phần mình, Phó tổng thống Harris phản đối việc để các tiểu bang tự quyết về luật phá thai. “Đây là điều mọi người mong muốn sao? Sẽ thế nào nếu ai cũng bị từ chối chăm sóc tại phòng cấp cứu vì các nhà cung cấp dịch vụ y tế sợ bị bỏ tù?”, bà đặt câu hỏi.

Hai ứng cử viên cũng cáo buộc lẫn nhau về các động thái bị cho là “vũ trang hóa” ngành tư pháp. Ông Trump cho rằng các bản cáo trạng mà ông phải đối mặt liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020, xử lý tài liệu mật cùng các vấn đề đời tư của mình là một “âm mưu” do chính phủ Biden-Harris dựng lên. Đáp lại, bà Harris cáo buộc ông Trump từng hứa sẽ truy tố các đối thủ của mình nếu đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2, thậm chí có ý định sửa hiến pháp, đe dọa nền dân chủ của nước Mỹ.

Ông Trump cũng cho rằng bà Harris sẽ "chẳng làm được gì đáng kể" để bảo đảm Israel, đồng minh của Mỹ, không bị tổn hại: "Nếu bà ấy trở thành tổng thống, tôi tin rằng Israel sẽ không còn tồn tại trong vòng 2-3 năm tới". Phó tổng thống Mỹ cho rằng cáo buộc của ông Trump "hoàn toàn không đúng sự thật", và nhấn mạnh bà ủng hộ Israel trong suốt cuộc đời cũng như sự nghiệp của mình.

Ngoài ra, bà Harris có liên hệ ông Trump với Dự án 2025 - một kế hoạch được cho là thúc đẩy các chính sách bảo thủ và cánh hữu để định hình lại chính quyền liên bang Mỹ. Về điểm này, cựu tổng thống Mỹ nhấn mạnh chưa từng đọc và sẽ không đọc dự án này.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-diem-nhan-tu-cuoc-tranh-luan-dau-tien-giua-ong-trump-va-ba-harris.html
Zalo