Những điểm nhấn công nghệ hiện đại tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Nhà ga hành khách T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - công trình có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng - được áp dụng nhiều công nghệ hàng không hiện đại.
Nhà ga hành khách T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 ki ốt check-in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe buýt), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.
Đặc biệt, nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.

Bên trong nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000m2, là nơi để xe, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng ăn uống phục vụ hành khách.
Hệ thống đường tầng trên cao ở 2 cao trình nhà ga gồm: Tầng 2 có quy mô từ 2 - 3 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m; tầng 3 có quy mô từ 2 - 5 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m.
Hạng mục sân đỗ máy bay gồm mở rộng sân đỗ trước nhà ga diện tích 4.600m2 và hệ thống chiếu sáng phục vụ khai thác tàu bay, khai thác được tất cả các loại tàu bay code C và code E.
Nhà ga hành khách T3 được triển khai sử dụng nhiều công nghệ hàng không hiện đại, tập trung vào trải nghiệm của hành khách thông suốt từ lúc làm thủ tục cho đến khi lên tàu bay với hệ thống ACV Self services sẽ hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục trên ki ốt check-in dùng chung và hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý, sau đó có thể ra tàu bay tự động thông qua thiết bị E-gate.

Bên ngoài nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Đây là công nghệ hiện đang được áp dụng ở các sân bay lớn thông minh trên thế giới như Incheon T2 (Hàn Quốc), Changi T4 (Singapore). ACV Self services được coi là đóng góp đáng kể vào nâng cao trải nghiệm của hành khách, tiết kiệm thời gian, tối ưu diện tích mặt bằng, giải phóng hàng chờ để nhân viên hàng không có thời gian cung cấp những dịch vụ hỗ trợ khác tốt hơn.
Đặc biệt, khâu làm thủ tục cho hành khách đi trên các chuyến bay quốc nội đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, nhận diện khuôn mặt (Facial ID) giúp giảm thiểu nguy cơ sử dụng giấy tờ giả, tự động phát hiện ngăn chặn các hành khách bị cấm bay, giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại các khu vực kiểm soát an ninh so với công tác kiểm tra thủ công trước đây.

Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại
Tại nhà ga T3, hành khách sẽ được tối ưu hóa thời gian làm thủ tục, tăng thêm nhiều trải nghiệm số thông qua các ứng dụng công nghệ được thực hiện trên nền tảng hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và dịch vụ. Hạ tầng viễn thông này đủ năng lực đáp ứng 100% nhu cầu vận hành hệ thống quản lý nhà ga, cũng như nhu cầu sử dụng của hành khách.
Sóng di động 5G thông suốt tại mọi khu vực trong nhà ga. Hệ thống khuếch đại sóng di động (IBS) đảm bảo tối ưu chất lượng tín hiệu liên lạc ở cả các khu vực đặc thù như tầng hầm và nơi đông người. Hệ thống wifi miễn phí và wifi marketing cũng sẽ cung cấp truy cập internet tiện lợi cho hành khách.
Nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng được 7.000 hành khách/giờ cao điểm, như vậy tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng lên 50 triệu lượt khách/năm, hứa hẹn mang lại sự thông thoáng và thuận tiện hơn cho hành khách.
Công trình nhà ga hành khách T3 là dự án trọng điểm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng gần gấp đôi công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông và giảm ùn tắc trong và ngoài khu vực.
Sau hơn 20 ngày khai thác đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội, Vân Đồn của hãng hàng không Vietnam Airlines tại nhà ga hành khách T3, từ 4 giờ ngày 17.5.2025, sân bay Tân Sơn Nhất và Vietnam Airlines thống nhất chuyển đổi toàn bộ khai thác các đường bay nội địa còn lại của Vietnam Airlines sang nhà ga hành khách T3.
Các chuyến bay của VietJet Air, Pacific Airlines, Vasco, Vietravel Airlines, Bamboo Airways và các chuyến bay khai thác bằng tàu bay ATR72 mang số hiệu Vietnam Airlines (VN) các đường bay Côn Đảo (VCS), Cà Mau (CAH) và Rạch Giá (VKG) vẫn tiếp tục khai thác tại nhà ga hành khách T1.
Sân bay Tân Sơn Nhất trong suốt thời gian vận hành đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hành khách khi chuyển đổi sang nhà ga mới. Trong đó, sân bay đã tổ chức vận hành tuyến xe buýt miễn phí di chuyển trong khu vực sân đậu tàu bay, kết nối trực tiếp từ sảnh transit nhà ga T3 đến cửa A2 nhà ga T1, hoạt động từ 7 giờ sáng đến 3 giờ sáng hôm sau, với tần suất 10 - 20 phút/chuyến, áp dụng cho hành khách đã hoàn tất thủ tục và có thẻ lên tàu bay.
Hành khách cũng có thể lựa chọn các phương tiện di chuyển phù hợp khác như xe công nghệ, taxi hoặc xe buýt (shuttle bus) miễn phí do cảng bố trí; trung bình 15 - 20 phút/chuyến, hoạt động từ 4 giờ 30 sáng tới 0 giờ 30 đêm. Vị trí tập kết xe: Nhà ga T1: từ cột B17 - B20, làn B; Nhà ga T2: từ cột B16 - B15, làn B; Nhà ga T3: từ cột A17 - A20, tầng 1.
Để tránh đi nhầm, hành khách được khuyến cáo kiểm tra kỹ thông tin nhà ga được in trên vé, website hoặc ứng dụng của hãng. Hành khách nên đến đúng nhà ga và có mặt tại sân bay ít nhất hai tiếng trước giờ khởi hành để đảm bảo hành trình diễn ra thuận lợi.