Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Với hạ tầng công nghệ ngày càng hiện đại, nhiều mô hình mới thanh toán không dùng tiền mặt đã xuất hiện ngày càng phổ biến. Giao dịch thực hiện trên kênh số đang có xu hướng tăng trưởng tốt.
Phục vụ chiến lược chuyển đổi số
Để đáp ứng nhu cầu của người dùng, các ngân hàng đã có những chiến lược chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, ứng dụng công nghệ với nhiều tính năng thanh toán mới. Cùng với đó, các ngành, lĩnh vực kinh tế, các địa phương cũng tham gia vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dùng.

Khách hàng thanh toán bằng mã QR tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương canary
Taxi là phương tiện chị Tăng Thị Lệ, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An thường xuyên sử dụng thay vì tự lái xe do đỡ mất thời gian tìm chỗ gửi xe. Thêm vào đó, việc ứng dụng thanh toán điện tử tích hợp tính năng đặt xe giúp chị dễ dàng hơn trong di chuyển. Chị Lệ chia sẻ: “Qua ứng dụng ngân hàng, tôi có thể thanh toán tín dụng hoặc bằng tài khoản thanh toán của tôi trước khi kết thúc chuyến đi mà không phải sử dụng tiền mặt hoặc thẻ. Hơn nữa, trên ứng dụng của các ngân hàng đang có nhiều chương trình giảm giá dành cho khách hàng đặt taxi. Vào những ngày mưa gió, kẹt xe hay những ngày có sự kiện đông đúc người, tôi sẽ được thanh toán bằng giá cước hợp lý”.
Tương tự, chị Trần Thị Lan Trinh, ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Hiện nay, đến chợ truyền thống hay nơi mua bán ở dọc đường vẫn có thể rút điện thoại ra quét mã QR. Khi mua hàng với giá trị nhỏ chỉ trên 10.000 đồng, tôi nhập số tiền đó vào ứng dụng trên điện thoại, quét mã thanh toán một lần là xong, không mất thời gian để người bán hàng trả lại tiền dư và tôi cũng không phải tìm tiền lẻ trong túi”.
Tại Bình Dương, với sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như ngành ngân hàng nhiều mô hình mới trong thanh toán không dùng tiền mặt đem lại những tiện lợi cho người tiêu dùng. Việc quét mã QR để mua hàng, thanh toán không mới nhưng tại chợ truyền thống, điều đặc biệt là những người bán hàng lớn tuổi bán các mặt hàng có giá trị nhỏ cũng có mã QR để chuyển khoản, các giao dịch mua bán không dùng tiền mặt. Cô Nguyễn Thị Lành, tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một, cho biết khi mới dùng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR cũng có một số khó khăn nhưng sau đó, nhờ người thân hướng dẫn nên dần thực hiện dễ dàng, thuận tiện.
Tăng tốc số hóa
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng nổi bật hiện nay. Ghi nhận trong quý I-2025 tiếp tục cho thấy nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn nhờ công nghệ số. Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết trong 3 năm gần đây, đặc biệt từ những tháng cuối năm 2024 MSB liên tục hợp tác với một số công ty trung gian thanh toán để cung cấp các giải pháp toàn diện cho thanh toán đa quốc gia, nhằm tạo nên một hệ sinh thái thanh toán quốc tế toàn diện và hiệu quả. Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng, khi hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện trên kênh số, vì vậy đạt tỷ lệ trên 96% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2024 hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Đặc biệt, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tăng trưởng vượt trội, tăng tương ứng 118% so với năm 2023, chiếm 1/3 tổng số lượng giao dịch của dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247. Ngoài ra, giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống công nghệ thông tin với con số xấp xỉ 50 triệu USD/năm. Các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Machine Learning (máy học), Deep Learning (học cấu trúc sâu) đã được tích hợp triển khai. Lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của MB hiện chiếm khoảng 96,7%, với tỷ lệ giao dịch thành công đạt 99,96%.
Bà Ngô Thủy, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank), cho biết đầu năm 2025 BVBank tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ trong vận hành, dịch vụ tài chính đa kênh và các giải pháp thanh toán số. Nổi bật là việc hợp tác với Trung tâm RAR Bộ Công an triển khai định danh điện tử qua VNeID, tiên phong tích hợp xác thực số vào quy trình mở tài khoản và giao dịch, nâng cao bảo mật và trải nghiệm người dùng.
BVBank cũng đẩy mạnh triển khai QR thanh toán xuyên biên giới tại Thái Lan, Campuchia, Lào, đồng thời mở rộng nền tảng DigiStore - giải pháp tài chính trọn gói cho nhà bán hàng. Hệ sinh thái được kỳ vọng giúp BVBank mở rộng tệp khách hàng cá nhân và siêu nhỏ, củng cố định vị ngân hàng bán lẻ hiện đại trong kỷ nguyên số. Số lượng khách hàng từ đầu năm đến nay tăng 30% so với cùng kỳ 2024 và số lượng giao dịch trên kênh số tăng gấp 3 lần là minh chứng rõ nét cho hiệu quả trong hoạt động chuyển đổi số của BVBank.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với hạ tầng công nghệ ngày càng phát triển, đến nay đã có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Kết quả nói trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn nhờ công nghệ số.