Những điểm mới cần lưu ý liên quan tới thẻ Căn cước từ năm 2025

Những điểm mới về Căn cước từ năm 2025 mà mọi người dân cần biết để tiết kiệm thời gian, chi phí khi đi làm thẻ Căn cước.

Giảm lệ phí làm thẻ Căn cước online

Từ ngày 1/7/2024, thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân được cấp thay thế cho thẻ Căn cước công dân.

Điểm mới về Căn cước công dân năm 2025 mà người dân cần biết đó là kể từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025, công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước theo hình thức trực tuyến sẽ được giảm 50% lệ phí theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 73/2024/TT-BTC.

Cụ thể, mức phí làm thẻ Căn cước được quy định tại Điều 4 Thông tư Thông tư 73/2024/TT-BTC như sau:

- Cấp đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP: 30.000 đồng/thẻ Căn cước;

- Cấp đổi thẻ Căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước: 50.000 đồng/thẻ căn cước;

- Cấp lại thẻ Căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước: 70.000 đồng/thẻ Căn cước.

Từ ngày 21/10/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên.

Kể từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước theo hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên.

Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định nêu trên.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Từ 2025, sẽ chỉ còn 3 loại giấy tờ về Căn cước

Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước, Chứng minh nhân dân sẽ chính thức bị khai tử từ năm 2025. Do đó, từ năm 2025, công dân chỉ còn sử dụng các loại giấy tờ về căn cước như sau: Căn cước công dân mã vạch, Căn cước công dân gắn chip và thẻ Căn cước.

Cụ thể, Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì chỉ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tức là từ 1/1/2025, mọi Chứng minh nhân dân dù còn thời hạn (trong 15 năm kể từ ngày cấp) thì đều không có giá trị sử dụng, không được tham gia vào các giao dịch, thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân trong giấy tờ đã cấp.

Trường hợp bắt buộc đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước

Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 và Điều 21 Luật Căn cước cũng quy định về độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước công dân như sau:

- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ Căn cước công dân/ thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

- Thẻ Căn cước công dân/ thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.

Đồng thời, Điều 19 Luật Căn cước quy định người được cấp thẻ Căn cước là công dân Việt Nam. Trong đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

Như vậy sang năm 2025, những người đã có thẻ Căn cước công dân/thẻ Căn cước nhưng đến độ tuổi đổi thẻ là 25, 40, 60 (chưa cấp thẻ Căn cước mới trong 2 năm gần đây) thì phải đi đổi thẻ mới trong năm 2025.

Mọi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa có thẻ Căn cước đều phải thực hiện thủ tục cấp mới thẻ Căn cước. Riêng người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc phải làm thẻ Căn cước mà được làm theo nhu cầu.

Theo Luật Việt Nam

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nhung-diem-moi-can-luu-y-lien-quan-toi-the-can-cuoc-tu-nam-2025-post1693646.tpo
Zalo