Thái Lan chia sẻ bài học nhìn lại sau trận sóng thần Boxing Day 2004

Đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, trao quyền cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy hợp tác khu vực là vô cùng cần thiết để xây dựng một khu vực kiên cường hơn trước thảm họa thiên tai.

Đây là khẳng định của chính phủ Thái Lan cùng nhiều chuyên gia quốc tế tại sự kiện tưởng niệm diễn ra hôm 21/11 ở Bangkok, Thái Lan, nhân hai thập kỷ sau trận sóng thần tàn khốc ở Ấn Độ Dương vào ngày 26/12/2004 khiến gần 230.000 người thiệt mạng.

 Các diễn giả chia sẻ bài học kinh nghiệm và thảo luận chiến lược cảnh báo sớm cũng như phục hồi sau thảm họa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Ngọc Diệp/VOV-Bangkok

Các diễn giả chia sẻ bài học kinh nghiệm và thảo luận chiến lược cảnh báo sớm cũng như phục hồi sau thảm họa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Ngọc Diệp/VOV-Bangkok

Phát biểu tại sự kiện tưởng niệm với chủ đề "20 năm trôi qua: Tưởng nhớ trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004" do Bộ Ngoại giao Thái Lan tổ chức, bà Eksiri Pintaruchi, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh: "Trận sóng thần năm 2004 là một hồi chuông cảnh tỉnh quan trọng, nêu bật nhu cầu cấp thiết về sự chuẩn bị chủ động, hiệu quả và khả năng phục hồi trước các thảm họa thiên nhiên đang ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu".

Chia sẻ tại sự kiện, cố vấn cấp cao của Trung tâm Cảnh báo Thảm họa quốc gia Thái Lan Somnuek Swatteuk cho biết một trong những thành tựu đáng chú ý nhất kể từ thảm họa năm 2004 là việc thành lập Hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ở Ấn Độ Dương, hiện bao gồm 27 quốc gia. Thái Lan cũng đã có những bước tiến đáng chú ý trong phát triển năng lực cảnh báo, với sự thay đổi theo hướng tiếp cận đa hiểm họa toàn diện.

Trong khi đó, Trung tướng Amnat Barlee, đại diện Hội Chữ thập đỏ Thái Lan nhắc lại những thách thức nhiều mặt mà Thái Lan phải đối diện trong nỗ lực phục hồi năm 2004, bao gồm cung cấp nhà ở, thực phẩm và khôi phục sinh kế. Ông Barlee đồng thời nhấn mạnh:

“Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của chủ thể địa phương, sự chuẩn bị sẵn sàng của cộng đồng địa phương. Chúng ta phải trao quyền cho người dân địa phương, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ. Chúng ta nói quá nhiều về đổi mới, số hóa, nhưng liệu người dân ở địa phương, những người dân làng xa xôi có tiếp cận được nguồn thông tin hay không và như thế nào?”

Ông Kamal Kishore, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai Liên hợp quốc nhấn mạnh 3 ưu tiên chính để tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa của khu vực: “Tôi cho rằng chúng ta cần hiểu sâu hơn về rủi ro, đặc biệt nhấn mạnh vào việc xác định các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và trao quyền cho cộng đồng tiếp cận những kiến thức quan trọng. Đầu tư chủ động vào khả năng phục hồi, lưu ý rằng hệ thống cảnh báo sớm không chỉ bảo vệ sinh mạng mà còn có thể mang lại lợi tức đầu tư lên tới 20 lần bằng cách giảm thiểu tổn thất, và cuối cùng, thể chế hóa các bài học kinh nghiệm từ các thảm họa trong quá khứ vào quá trình lập kế hoạc".

Các chuyên gia cũng đã đề xuất các cơ chế tài chính đổi mới, bao gồm trái phiếu thảm họa, để đảm bảo các quốc gia được trang bị tài chính tốt hơn để ứng phó với thảm họa một cách hiệu quả.

Thái Lan luôn giữ vai trò tiên phong trong công tác phòng chống thiên tai trong khu vực, đặc biệt thông qua Quỹ ủy thác đa nhà tài trợ của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) để ứng phó với sóng thần, thiên tai và khí hậu. Tại sự kiện tưởng niệm, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã công bố khoản tài trợ 500.000 USD cho quỹ, tái khẳng định cam kết hỗ trợ liên tục cho sáng kiến này.

Thái Lan đã đóng góp 10 triệu USD cho quỹ vào năm 2005 với tư cách là thành viên sáng lập và quỹ này đã và đang tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các nước trên khắp châu Á và châu Âu nhằm tăng cường nỗ lực cảnh báo sớm và khả năng phục hồi sau thảm họa cho các quốc gia.

PV/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thai-lan-chia-se-bai-hoc-nhin-lai-sau-tran-song-than-boxing-day-2004-post1137487.vov
Zalo