Những điểm giao thú vị giữa châu Âu và Việt Nam qua phim tài liệu chọn lọc

Với loạt phim được chiếu theo cặp, có nhiều điểm chung về chủ đề, đối tượng... Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam 2024 tiếp tục hướng đến tôn vinh sự đa dạng, tăng cường kết nối liên quốc gia.

18 phim tài liệu chọn lọc về các đề tài đa dạng từ Việt Nam và 8 nước châu Âu, 1 nước Tây Á (Israel) sẽ được ghép thành 9 cặp phim, trình chiếu trong Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 14.

Chương trình kéo dài từ ngày 6-14/9 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội) và rạp DCine Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh); do Hãng phim và Hiệp hội các Viện Văn hóa châu Âu, Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) cùng Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức.

Các cặp phim được kết nối qua những điểm chung như đối tượng, đề tài, chủ đề, cách thể hiện. Nội dung các phim có thể xem tại đây.

Cặp phim “Nói với con về giới tính” (Việt Nam) và “Vòng tròn” (Il Cerchio, Italy) được chiếu ngày 11/9, đều xoay quanh đối tượng trẻ em, khắc họa sự trưởng thành và phát triển của nhóm này ở nhiều mặt.

Đúng như tên gọi, bộ phim của đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang xoay quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Còn “Vòng tròn” của Sophie Chiarello kể về lứa học sinh tiểu học tại một ngôi trường nọ, thường ngồi lại thành những vòng tròn để trao đổi từ các vấn đề thiếu nhi như ông già Noel, tình bạn… đến những chuyện lớn hơn như vai trò của phụ nữ trong xã hội, vấn đề đa sắc tộc, người nhập cư… Hai phim đều có đạo diễn là nữ giới.

 Phim "Vòng tròn"

Phim "Vòng tròn"

“Tên tôi là Chance” được chiếu ngày 9/9, là tác phẩm duy nhất gắn mác cấm khán giả dưới 18 tại liên hoan phim năm nay. Phim của đạo diễn người Bỉ về cuộc đời của một nhóm thiếu nữ sống lang thang tại Congo và thái độ, quan điểm của những cô gái này khi đối mặt với những nghịch cảnh cuộc sống.

Chiếu cùng ngày là “Đi về phía Mặt Trời” của đạo diễn Hãng phim Tài liệu Khoa học và Trung ương. Phim khắc họa chân dung và khai thác những câu chuyện cảm động của những người phụ nữ dân tộc thiểu số trước những hủ tục, cho thấy nghị lực đấu tranh và khát vọng vươn lên.

Nhiều chủ đề khác như sự kết nối của âm nhạc, các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng được mang đến thông qua cặp phim như “Ngọn lửa Đào Tấn” (về mong muốn gìn giữ nghệ thuật tuồng/hát bội) và “Thiên đường karaoke” (về việc những người Phần Lan trầm tính, ít nói, lại tìm được sự kết nối và “bùng nổ” thông qua loại hình karaoke).

Cuộc sống trên đỉnh Phja Khao (Bắc Kạn) của Việt Nam trong phim cũng được đặt vào cùng buổi chiếu với một phim Thụy Điển về vùng đất Sápmi - vùng văn hóa đậm đà bản sắc trải dài qua 4 quốc gia cực Bắc (Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga).

 Phim "Historjá - Stygn för Sápmi" (Mũi chỉ trên mảnh đất Sápmi, 2022). (Ảnh từ phim)

Phim "Historjá - Stygn för Sápmi" (Mũi chỉ trên mảnh đất Sápmi, 2022). (Ảnh từ phim)

Ông Oliver Brandt, Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội nhận xét phim tài liệu là thể thoại cung cấp cơ hội độc đáo để khám phá các quốc gia khác, hiểu sâu hơn về thế giới đa diện và phức tạp. Với liên hoan phim, loạt tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đối thoại liên văn hóa giữa Việt Nam với các nước.

Theo đạo diễn Nghệ sũ Ưu tú Trịnh Quang Tùng – Phó Giám đốc Hãng phim, loạt phim được chiếu không chỉ là những khám phá về văn hóa cho khán giả, mà còn là những bài học cho người làm phim, nhà sản xuất tài liệu trong nước, đặc biệt là tại hãng có cơ hội học tập về đề tài, cách thể hiện, ngôn ngữ làm phim…

Cũng thông qua những điểm chung nhất định, sự khác biệt về văn hóa, xã hội đã được làm nổi bật, qua đó tôn vinh sự đa dạng và sự kết nối xuyên biên giới của con người.

Bên cạnh 18 phim dài của các đạo diễn nước ngoài và đạo diễn Hãng phim, liên hoan còn có một buổi riêng giới thiệu 4 tác phẩm của các nhà làm phim độc lập, trong đó có "Con đi trường học" của đạo diễn Hà Lệ Diễm (Những đứa trẻ trong sương).

Lịch chiếu cụ thể các phim (chiếu cùng lúc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-diem-giao-thu-vi-giua-chau-au-va-viet-nam-qua-phim-tai-lieu-chon-loc-post973441.vnp
Zalo