Bức tranh chuyển tải thông điệp hòa bình

Lựa chọn phế thải làm chất liệu sáng tạo, nhóm 5 học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Mộc Châu đã làm nên bức tranh nghệ thuật 'Hồi sinh - Revival' để chuyển tải thông điệp hòa bình. Tác phẩm đã đoạt giải khuyến khích lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024.

Bức tranh “Hồi sinh - Revival” đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024.Ảnh: Tuấn Đạt (CTV)

Bức tranh “Hồi sinh - Revival” đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024.Ảnh: Tuấn Đạt (CTV)

Chia sẻ về lý do sáng tạo bức tranh, em Lò Thành Minh Châu, trưởng nhóm, nói: Trước tình hình xung đột, chiến tranh đang xảy ra tại một số nơi trên thế giới, làm gia tăng tình trạng bạo lực, khiến hàng chục nghìn người dân vô tội bị chết và hàng triệu người, nhất là trẻ em, phải đối mặt với điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn về thực phẩm và chăm sóc y tế. Chúng em nghĩ đến việc tận dụng những phế thải, mảnh sắt vụn (tượng trưng cho những mảnh bom, đạn và những mảng đổ nát) để làm thành những sản phẩm ý nghĩa, với mong muốn kêu gọi mạnh mẽ chấm dứt xung đột, để mọi người, nhất là trẻ em được sống trong hòa bình và hạnh phúc.

Tháng 3/2024, nhóm tác giả, gồm: Lò Thành Minh Châu, Chu Thị Phương Thảo, Mai Thanh Bình, Ngô Thùy Trang, Trần Thị Minh Phương, đã đề xuất ý tưởng với nhà trường và nhận được sự ủng hộ, hướng dẫn của các thầy, cô giáo, bởi đây là giải pháp sáng tạo hữu ích, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cô Trần Thị Loan, giáo viên mỹ thuật Trường TH-THCS Mường Sang, người trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả thực hiện, đã định hướng nhóm lựa chọn vật liệu; hướng dẫn việc nghiên cứu, thử nghiệm.

Được sự giúp đỡ của cô Loan, nhóm học sinh quyết tâm thử sức với nhiều loại rác sinh hoạt khác nhau. Tranh thủ những ngày nghỉ, thời gian ngoài giờ lên lớp, cô trò lại tìm những món đồ cũ không còn sử dụng, như những chiếc thìa, khuôn đồ xôi, ốc, vít, đinh, chìa khóa cũ... để làm chất liệu sáng tác. Các vật dụng cũ thu thập về được làm sạch rỉ và phơi khô trước khi tiến hành gắn tranh. Nhóm tác giả chọn gắn tranh trên nền gỗ. Sau khi vẽ phác thảo ý tưởng, các em lựa chọn những vật liệu phù hợp và cố định bằng keo nến và đinh. Chỉnh chu từng công đoạn, chi tiết nhỏ nhất để hình ảnh hiện lên rõ nét, ghi dấu ấn trong lòng người xem.

Em Lò Thành Minh Châu chia sẻ: Nếu như tranh vẽ thông thường chỉ cần dùng bút và lựa chọn những mảng màu tô lên, thì khi gắn tranh bằng phế liệu, chúng em phải sắp xếp thật chính xác và tập trung cao độ. Bởi dùng đồ tận dụng, những con ốc, đinh vít không có sẵn, nhiều khi phải mài đi mới có thể đặt vào vị trí phù hợp. Trong quá trình gắn tranh, nếu đặt mũi đinh lệch vị trí, hoặc cắt không chính xác, thì bức tranh sẽ không đạt yêu cầu, đặc biệt là khi gắn tranh chân dung. Nên không ít lần chúng em phải làm đi làm lại các chi tiết, thay đổi kích thước.

Em Chu Thị Phương Thảo, thành viên nhóm, chia sẻ: Công đoạn khó và mất nhiều công nhất là vẽ khuôn mặt cho nhân vật trong bức tranh. Chúng em dùng đất sét trộn với màu để tạo thành nền da, sau đó, đắp nổi tạo hình khuôn mặt. Khi các nét trên khuôn mặt hiện rõ thì sử dụng bút để vẽ đôi mắt, lông mày, sống mũi, khuôn miệng và chi tiết làm cho khuôn mặt nhìn chân thật hơn.

Sau khi hoàn thiện chân dung, nhóm tác giả trang trí thêm phần tóc làm từ khuôn đồ xôi, đinh, ốc vít... thân áo làm từ thìa, muôi, xích xe đạp và sử dụng màu sơn để phủ bóng, vừa tăng độ bền, vừa tạo điểm nhấn giúp bức tranh độc đáo và “có hồn” hơn. Bức tranh được thực hiện trong 3 tháng thì hoàn thành, với ưu điểm của tranh là tận dụng màu sắc của phế thải, tạo tính chân thực, sống động; ít tốn kém chi phí, vì dùng phế liệu là chủ yếu.

Không giấu niềm tự hào về các học trò, cô giáo Trần Thị Loan chia sẻ: Thầy, cô và nhà trường luôn quan tâm nâng cao sự hiểu biết của các em về tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống. Từ giáo dục nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, hành động của mỗi em ngay từ lứa tuổi học sinh. Các em cùng hướng đến môi trường xanh - sạch - đẹp bằng những sáng kiến đóng góp cho xã hội. Hy vọng với thành công bước đầu này sẽ là tiền đề để các em có những sáng tạo mới, góp phần tuyên truyền, vận động học sinh và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng cho mọi người cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/buc-tranh-chuyen-tai-thong-diep-hoa-binh-ZKvDnoMHR.html
Zalo