Những điểm có nguy cơ cao sạt lở đất và dấu hiệu nhận biết để phòng ngừa

Những ngày tới, mưa lớn còn tiếp diễn ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc và Trung Bộ, Tây Nguyên, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao, người dân cần chuẩn bị các phương án phòng ngừa.

Những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (14/7), ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 13/7 đến 8h ngày 14/7 có nơi trên 130mm như: Lao Chải (Hà Giang) 154mm, Suối Bu (Yên Bái) 146.4mm, Mô Rai (Kon Tum) 213mm, La Me (Gia Lai) 139.4mm,…

Một vụ sạt lở đất ở Hà Giang khiến 4 người trong gia đình thương vong.

Một vụ sạt lở đất ở Hà Giang khiến 4 người trong gia đình thương vong.

Dự báo từ ngày 14/7 đến đêm 15/7, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến: 30-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ với lượng mưa phổ biến: 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng mưa phổ biến: 40-90mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Những điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Những điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Ngoài ra, từ ngày 14/7 đến 18/7 ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ, Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm/24h, cục bộ có nơi trên 80mm/24h (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Từ ngày 16-17/7, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 100mm; Bắc và Trung Trung Bộ từ 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm; Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Mưa lớn ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ từ ngày 18/7 có khả năng giảm dần; ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 18/7.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Những dấu hiệu nhận biết nguy cơ sạt lở

Lý giải nguyên nhân gây ra sạt lở, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất, đá xảy ra từ từ. Đất đá lở từ từ tạo thành trườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện…, cấu trúc của mặt đất đã thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa lớn.

Để phòng ngừa thảm họa, người dân cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạp… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất. Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, dấu hiệu của sạt lở đất là mưa nhiều ngày, mưa lớn; xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục; mặt đất phồng lên, mặt đất rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất.

Khi có những dấu hiệu trên, người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt ở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh. Các lực lượng địa phương cần theo dõi và tiến hành di dời nếu có nguy cơ lớn, cần bảo vệ tính mạng trước tiên.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo, người dân cần luôn luôn cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, nhất là khi có mưa lớn kéo dài; cần tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét như triền núi, khu vực giáp sông suối…; cần di chuyển thật xa ra khỏi nơi nguy hiểm đến khu vực cao hơn.

Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: Đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận. Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…

Người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu; Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Cần bảo vệ tính mạng trước tiên; Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường; Không được đi qua và lại gần quanh khu vực sạt lở đất; Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần; Không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.

Thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài và ti vi về các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao; Tìm hiểu xem ở khu vực gần nhà mình từng xảy ra sạt lở đất chưa, chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu sạt, lở đất; Hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết;

Không nên xây nhà ở khu vực đã từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực ven sông, suối, sườn dốc, gần mái dốc đường giao thông; Gia cố nhà cửa, đập tạm, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ; Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-diem-co-nguy-co-cao-sat-lo-dat-va-dau-hieu-nhan-biet-de-phong-ngua-16924071411192841.htm
Zalo