Những dấu ấn lịch sử sau 50 năm giải phóng Huế

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây, thành phố Huế ngày nay đã và đang có nhiều đổi thay rất đáng trân trọng, tự hào trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Nhiều quyết sách, việc làm của địa phương trong thời gian đó đã mang lại ấm no, hạnh phúc, bình yên, hy vọng cho mỗi một con người, mỗi một gia đình và cả cộng đồng xã hội.

 Thành phố Huế yên bình. Ảnh: Đình Hoàng

Thành phố Huế yên bình. Ảnh: Đình Hoàng

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 245 hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên.

Bình Trị Thiên là tuyến đầu khói lửa, gánh chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Sau giải phóng, nhiệm vụ trước tiên của tỉnh là tập trung xây dựng chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định xã hội, chăm lo cho đời sống dân sinh. Lúc đó, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, tỷ lệ đói nghèo rất cao, nước ta bị bao vây, cấm vận và phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Dân ta số đông cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chăn không đủ đắp, trường không có để học, nhà tranh, vách đất… cơ cực, bần hàn.

Để vượt lên khó khăn, tỉnh đã tập trung khôi phục lại các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); thành lập, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và ngành nghề các loại; xây dựng các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất; huy động người người sản xuất, nhà nhà sản xuất để chống đói.

Nhiều hộ gia đình được đưa “đi kinh tế mới”, từ đồng bằng đến các huyện miền núi trong tỉnh, vào các tỉnh miền Nam, miền Trung - Tây nguyên, nơi có đất đai trù phú để khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất hoặc làm công nhân cho các nông lâm trường quốc doanh để cải thiện đời sống. Công cuộc tái thiết, ổn định xã hội và chăm lo cho đời sống Nhân dân được tiến hành quyết liệt, khẩn trương và vất vả.

Tái lập tỉnh, tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân

Sau gần 14 năm chung tỉnh, ngày 30/6/1989, Quốc hội đã thông qua NQ chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày 1/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập. Đây là lúc cả nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Huế tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng kết cầu hạ tầng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho người dân. Nhiều công trình thủy lợi đa mục tiêu được đầu tư, như: thủy lợi Tây Hưng (đưa nước từ thị trấn Sịa ra đến Quảng lợi, Quảng Thái), hồ Truồi (tưới tự chảy cho hơn 8.200ha lúa), đập Cửa Lác (phục vụ hơn 5.200ha lúa), đập Thảo Long, thủy lợi Tây - Nam Hương Trà, hệ thống đê đông - tây phá Tam Giang - Cầu Hai và nhiều trạm bơm, kênh mương tưới, tiêu khác… đã giúp cho sản xuất nông nghiệp chủ động được tưới, tiêu.

 Đô thị trung tâm TP. Huế. Ảnh: Hoàng Lê

Đô thị trung tâm TP. Huế. Ảnh: Hoàng Lê

Thực hiện việc giao khoán ruộng cho nông dân theo NQ số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị, các loại giống lúa năng suất cao được đưa vào sản xuất; nhiều nơi chuyển từ canh tác một vụ sang 2 vụ lúa/năm; kỹ thuật dự báo, phòng trừ sâu bệnh tốt hơn… đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh chóng, sản lượng lương thực tăng lên. Người dân thoát cảnh thiếu ăn, đứt bữa như trước. Bà con dân tộc tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới được hướng dẫn cách làm lúa nước. Vùng đầm phá, nuôi thủy sản phát triển nhanh chóng, nhiều năm liền được mùa nên thu nhập, đời sống của người dân khắp nơi nhanh chóng được cải thiện.

Thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã giải phóng lực lượng sản xuất trong dân. Các doanh nghiệp (DN) tư nhân đã ra đời ở mọi lĩnh vực, nhất là du lịch sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại (1993). Du khách đến Huế ngày càng đông. CN-TTCN phát triển nhanh chóng. Nhiều nhà máy ra đời như Bia Huế, Đông lạnh sông Hương, Dệt may Huế, xi măng Luksvaxi… Các khu, cụm công nghiệp hình thành đã thu hút nhiều DN đến đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Công nghiệp đến nay đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và đóng góp lớn vào thu ngân sách của thành phố.

Nhiều công trình kết cấu hạ tầng ở mọi lĩnh vực được tập trung đầu tư, nâng cấp. Nhiều cầu vượt phá Tam Giang, sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu được xây dựng. Các tuyến giao thông lên hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và phục vụ đi lại của người dân các xã ven biển và đầm phá được đầu tư… đã phá vỡ thế chia cắt giữa các vùng miền, chấm dứt tình trạng lầy lội, bùn đất, ổ gà, ổ voi… Những bến đò Ca Cút, Thuận An, Đá Bạc, Hạ Lang… tiềm ẩn hiểm nguy dần trôi vào dĩ vãng.

Nhiều nguồn lực cùng với sức dân được huy động để đưa điện về thắp sáng khắp các vùng quê. Nông thôn khắp nơi có điện. Người người, nhà nhà có điện để sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Các phương tiện nghe, nhìn, điều hòa, nóng lạnh... phát triển nhanh chóng. Hệ thống hạ tầng cấp nước sạch phục vụ dân cũng được đầu tư rộng khắp. Đến nay, gần như 100% người dân Huế có điện lưới và nước sạch sử dụng. Đây là một kỳ tích của Huế sau 50 năm giải phóng.

Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, thể thao… được đầu tư khắp nơi. Hiện nay, gần 90% trường học đạt chuẩn quốc gia; tất cả các xã, phường đều có trạm y tế hai tầng; nhiều bệnh viện ở Huế đã trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo hàng đầu của cả nước.

Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người dân được quan tâm đặc biệt. Tỉnh đã nhanh chóng hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử năm 1999. Ngày 2/9/2004, kỷ niệm 35 năm ngày đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế mang họ Bác Hồ, tỉnh đã phát động đợt quyên góp xóa tất cả nhà tạm, xây nhà kiên cố cho người dân A Lưới. Từ đó đến nay, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tỉnh đã di dời tất cả các hộ dân vạn đò nhiều đời sống lênh đênh trên sông nước, đầm phá lên bờ tái định cư, ổn định cuộc sống; di dời hàng ngàn hộ dân ven sông Hương, ở Thượng thành, Eo bầu, ven Hộ thành hào… về các nơi định cư ổn định. Người ta gọi đây là các cuộc di dân lịch sử đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ gia đình. Đến nay, thành phố chỉ còn 1,41% hộ nghèo.

Xây dựng thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh

Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là dấu ấn quan trọng, ghi dấu ấn của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Tiếp nối các kết quả đạt được, Huế đang dồn tâm, dốc lực để xây dựng, phát triển xứng tầm với vị thế của mình. Thành phố đang nỗ lực biến lợi thế so sánh thành nguồn lực phát triển. Đó là xây dựng Huế xứng tầm là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và khu vực, thành Kinh đô ẩm thực, Kinh đô áo dài, là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực…

Huế đã và đang tập trung cho công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản. Cảnh quan, trường thành phố được đầu tư, tôn tạo, tạo ra không gian thoáng đãng, yên bình cho người dân và du khách. Tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế như văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.

Những công trình hạ tầng quan trọng như sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, các khu công nghiệp, khu kinh tế… đang thúc đẩy kinh tế Huế phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Huế đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Đời sống của người dân đã được cải thiện. Du khách đến Huế ngày càng nhiều hơn. Người dân tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng, giàu đẹp của thành phố.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế là dịp để chúng ta nhìn lại các thành quả đạt được và những thăng trầm người dân đã trải qua. Với những kết quả đó, chúng ta tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn của Huế. Huế đang nỗ lực phấn đấu thành xứ sở ấm no, bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.

Tuấn Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-dau-an-lich-su-sau-50-nam-giai-phong-hue-153109.html
Zalo